Hệ giá trị gia đình phải là một trong những yếu tố then chốt xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
>>Đi tìm "tiếng nói chung" trong doanh nghiệp gia đình Việt Nam
Gia đình là một thiết chế vô cùng quan trọng trong xã hội cùng với nhà trường, truyền thông đại chúng hay các cơ quan công sở, ngoài xã hội.
Chính môi trường gia đình có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành nên nhân cách giá trị và những yếu tố cao đẹp cho mỗi cá nhân, từ đó đóng góp cho sự phát triển giá trị và văn hóa cho xã hội. Chúng ta luôn luôn mong muốn rằng gia đình với tư cách là một tế bào xã hội sẽ truyền tải những giá trị tốt đẹp nhất, là môi trường lành mạnh nhất để rèn luyện và phát triển nhân cách đạo đức cho mỗi cá nhân. Đó là lý do chúng ta mong muốn, bên cạnh xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thì hệ giá trị gia đình phải là một trong số những yếu tố then chốt trong việc xây dựng phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, điều này vô cùng khó khăn vì gia đình hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bản thân gia đình, thay đổi theo thời giam, việc xây dựng gia đình trong một giai đoạn mới.
Ở đó gia đình truyền thống rộng còn lại rất ít và chủ yếu là gia đình hạt nhân, ở đó chỉ có bố mẹ và các con. Công việc, áp lực của cuộc sống hay sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là các phương tiện truyền thông khiến cho gắn kết trong gia đình không được như ngày trước.
Theo thống kê, cha mẹ chỉ dành cho con cái khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày, mà đa phần những thành viên trong gia đình tiếp xúc với những người khác ở xã hội, ở nhà trường, ở công sở hay các không gian khác. Điều đó khiến cho giáo dục trong gia đình vốn được xem là giáo dục làm gương đã bị ảnh hưởng rất nhiều khi chúng ta không có nhiều thời gian ở bên nhau.
Trong nền kinh tế thị trường, ngoài những yếu tố tích cực giúp chúng ta phát triển đời sống cả vật chất và tinh thần thì cũng có những mặt trái, những yếu tố như vị kỷ cá nhân, chú trọng quá nhiều đến vật chất khiến con người nghĩ đến mình nhiều hơn so với việc nghĩ đến cộng đồng, nghĩ đến người khác. Những xung đột về quan điểm trong gia đình không chỉ là xung đột giữa các thế hệ mà còn là xung đột về lợi ích, xung đột về rất nhiều các yếu tố liên quan đến mặt trái của nền kinh tế thị trường, cũng khiến cho những rạn nứt trong gia đình rất lớn.
Quá trình hội nhập quốc tế cũng có những tác động tiêu cực đến với văn hóa gia đình. Những người trẻ trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ đã tiếp xúc rất nhiều văn hóa phương tây, trong số đó có nhiều thói quen, những lối sống không phù hợp với lối sống gia đình và những mâu thuẫn từ việc tiếp cận với những giá trị phương tây, giá trị của nước ngoài không phù hợp với văn hóa gia đình cũng tạo ra những rối loạn gia đình khác.
Và một trong những yếu tố đang ngày càng quan trọng là tác động của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các mạng xã hội. Các thành viên trong gia đình đã tập trung rất nhiều thời gian cho các không gian mạng, cho những điều ở trong một thế giới khác, ở không gian khác hơn cả thời gian dành cho chính người thân của mình.
Chúng ta từng chứng kiến rất nhiều hình ảnh trong một bữa ăn, trong sinh hoạt gia đình thì mỗi người “cắm mặt” vào một chiếc điện thoại di động. Tất cả những yếu tố đó khiến cho việc xây dựng văn hóa gia đình ngày nay gặp rất nhiều thách thức.
Cần phải hình thành, củng cố và xây dựng vững chãi hệ giá trị gia đình để tạo ra định hướng cho sự xây dựng nhân cách, lối sống, đạo đức cho mỗi cá nhân, mỗi thành viên gia đình từ hệ giá trị gia đình đó.
Chúng ta phải đặt gia đình trong bối cảnh của một nền văn hóa rộng lớn hơn, đó là văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam có rất nhiều phẩm chất cao quý mà gia đình hoàn toàn có thể kế thừa, kết tinh và tạo ra những dấu ấn riêng của mình như tinh thần yêu nước, đoàn kết hay những giá trị về hạnh phúc, những giá trị về sáng tạo hay những giá trị chia sẻ yêu thương.
Tất cả những giá trị đó không chỉ là đặc thù của riêng gia đình mà đó là những giá trị chung của đất nước nhưng ở mỗi gia đình chúng ta có thể thể hiện nó bởi những dấu ấn khác nhau, bằng những đặc điểm riêng của gia đình và từ đó giúp cho hệ giá trị gia đình tỏa sáng những giá trị của đất nước và tạo ra sức mạnh chung cho văn hóa của đất nước.
Văn hóa gia đình vô cùng quan trọng, gia đình là tổ ấm, là tế bào của xã hội, nơi tình yêu thương được chắp cánh và ở đó các mối quan hệ vô cùng đặc biệt. Nếu chúng ta cần tổ ấm, cần yêu thương thì bao giờ chúng ta cũng quay về với gia đình và mong muốn những giá trị đó sẽ giúp cho văn hóa nói chung sẽ thăng hoa, sẽ phát triển nhờ những giá trị đáng quý từ hệ giá trị gia đình đó.
Tiêu chí ứng xử chung:
- Nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
- Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
- Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau.
- Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Nguồn: Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Có thể bạn quan tâm