Là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước, việc xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là một trong những yêu cầu trọng tâm.
>>Đề xuất hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp gia đình
Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà còn giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, đầu tư cho gia đình cũng là đầu tư cho phát triển bền vững.
Trong vài thập niên qua, Việt Nam đang biến đổi nhanh chóng về mọi lĩnh vực, trong đó có gia đình. Tuy nhiên, các giá trị truyền thống vẫn được bảo lưu mạnh mẽ. Hôn nhân, gia đình được coi là ưu tiên quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi cá nhân.
Trong đó, các giá trị đạo đức truyền thống tiếp tục được đề cao, giá trị con cái được coi trọng, người Việt Nam mong muốn có con nhưng không muốn có nhiều con, nhất là ở khu vực thành thị với tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ, thấp hơn mức sinh thay thế. Các giá trị của con cái đang chuyển dần từ giá trị xã hội (ưa thích có con trai), an sinh (có người chăm sóc khi về già), kinh tế (có nguồn lao động) sang giá trị tâm lý - tình cảm (gắn kết hôn nhân, hoàn thiện bản thân).
Trong giáo dục con cái, các giá trị đạo đức được truyền dạy khá đa dạng và phong phú, là sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và các giá trị hiện đại. Song, các giá trị đạo đức truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo và cốt lõi trong bảng giá trị đạo đức hiện nay. Một mặt, các giá trị đạo đức truyền thống như hiếu thảo, trung thực... vẫn được xem là các giá trị đạo đức quan trọng nhất, trong đó các giá trị truyền thống như trung thực, lễ phép, hiếu thảo vẫn chiếm đa số trong 10 phẩm chất đạo đức mà các gia đình thường xuyên giáo dục con cái. Mặt khác, trong các giá trị mang tính hiện đại hơn đang từng bước thẩm thấu vào trong đời sống của người Việt. Trong đó, ý thức kỷ luật - một trong những yêu cầu quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao đang là giá trị đạo đức được giáo dục nhiều nhất trong gia đình và là một trong 10 giá trị đạo đức được gia đình thường xuyên giáo dục con cái hiện nay.
Mặc dù vậy, bối cảnh mới đang tạo ra sự biến đổi và hình thành một số giá trị gia đình mới. Đó là tính cá nhân đang ngày càng mạnh lên thể hiện ở mức sinh giảm, tuổi kết hôn tăng, ly hôn vì lý do cá nhân tăng, nhất là nhóm mang đặc điểm hiện đại hơn. Bên cạnh đó, có gia đình thể hiện xu hướng tiếp nhận các giá trị hiện đại như bình đẳng giới, gia đình hạt nhân, có ít con, quan tâm giá trị tâm lý, tình cảm trong gia đình. Một bộ phận gia đình Việt Nam cũng chấp nhận cởi mở dần với một số hiện tượng hôn nhân gia đình mới như chấp nhận chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân, kết hôn với người nước ngoài, kết hôn đồng giới…
Những giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy rõ nét sự phức hợp theo cặp giá trị gia đình truyền thống và hiện đại; sự bền vững và sự tiếp biến văn hóa trong xã hội hiện đại, đang chuyển đổi… Thách thức lớn nhất với gia đình Việt Nam là vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập vừa giữ bản sắc dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.
Với yêu cầu trên, bối cảnh mới đòi hỏi cần có cách nhìn mới, “động” hơn về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác; thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào các quá trình phát triển xã hội bền vững. Các mục tiêu và động lực phát triển hiện nay đều nhấn mạnh đến nhân tố phát triển con người, cũng chính là bảo đảm sự ổn định và phát triển của gia đình - nơi mỗi cá nhân được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Bên cạnh đó, do nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình đang được bảo lưu đậm nét ở các nhóm có mức độ hiện đại hóa chậm hơn, các chính sách xây dựng gia đình cần quan tâm để lưu giữ bản sắc dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.
Đồng thời, với nhóm mang đặc điểm hiện đại, nhất là nhóm trẻ đang có xu hướng theo những giá trị gia đình mới, việc truyền thông giáo dục về vai trò, ý nghĩa; cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết về giới, hôn nhân và gia đình… cần chú ý nhiều hơn để vừa phát huy tự do cá nhân, cởi mở trong quan niệm, vừa hạn chế tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ có thể ảnh hưởng đến sự bền vững của thiết chế hôn nhân và gia đình.
Ngoài ra, quan tâm xây dựng hệ thống dịch vụ phù hợp với nhu cầu xã hội và sự phát triển của gia đình như dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, dịch vụ hỗ trợ hôn nhân và gia đình, hỗ trợ các hình thái hôn nhân và gia đình mới. Đặc biệt, cần thiết xây dựng được hệ giá trị gia đình Việt Nam để định hướng sự phát triển của xã hội. Theo tinh thần của Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 06-CT/TW, hệ giá trị gia đình Việt Nam có một số nội hàm cụ thể các giá trị gia đình nên được quan tâm xây dựng là an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng, để đạt được mục tiêu bao trùm mà Đảng và Nhà nước đề ra, là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Có thể bạn quan tâm