Tỷ lệ hộ gia đình Việt Nam sở hữu ô tô tính đến năm 2024 là 9%, một con số vẫn còn thấp, so với nhiều quốc gia khác.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 cho thấy, dân số Việt Nam tại thời điểm 1/4/2024 là 101.112.656 người. Cả nước có 28.146.939 hộ dân cư, tăng gần 1,3 triệu hộ so với năm 2019. Đa số số hộ gia đình có sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có động cơ (mô tô, xe gắn máy, ô tô...) cho mục đích sinh hoạt. Trong đó, 89,4% hộ gia đình sử dụng mô tô, xe gắn máy; 9,0% hộ gia đình sử dụng ô tô cá nhân.
Điều tra của Tổng cục Thống kê vào năm 2019, khi đó chỉ có 5,7% số hộ gia đình Việt Nam sở hữu ô tô. Sau 5 năm con số này tăng lên 9%. Tỷ lệ này tương đương 2,533 triệu hộ gia đình sở hữu ô tô. Mức độ tăng trưởng về tỷ lệ sở hữu ô tô như vậy vẫn là chậm.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến cuối năm 2023 cả nước có 6,31 triệu ô tô đã đăng ký lưu hành. Mức sở hữu bình quân đầu người là 63 xe/1.000 dân. Nếu chỉ tính xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, cả nước có 3,05 triệu chiếc đăng ký lưu hành, tỷ lệ sở hữu ô tô là 30 xe/1.000 dân. Ước tính đến cuối năm 2024 cả nước có khoảng 6,8 triệu ô tô đăng ký lưu hành, trong đó ô tô từ 9 chỗ trở xuống vào khoảng 3,45 triệu xe. Tỷ lệ sở hữu ô tô bình quân đầu người tăng lên 68 xe/1000 dân, nếu chỉ tính xe từ 9 chỗ trở xuống thì 34 xe/1.000 dân.
Con số này thấp xa nhiều quốc gia trong khu vực. Dữ liệu từ Tổ chức Các nhà sản xuất ô tô quốc tế (OICA) mới công bố cho thấy, đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ sở hữu ô tô là Brunei với 805 xe/1.000 dân; Malaysia xếp thứ 2 với 490 xe/1.000 dân; tiếp theo là Thái Lan với 275 xe/1.000 dân; Singapore 211 xe/1.000 dân; Indonesia 99 xe/1.000 dân.
Một quốc gia có diện tích hơn 330.000 km2, với dân số hơn 100 triệu người, kinh tế đang phát triển mà chỉ có gần 7 triệu ô tô các loại đăng ký lưu hành là quá thấp. Số lượng xe như này chỉ ngang với xe của 1 thành phố lớn ở Trung Quốc như Trùng Khánh, Bắc Kinh hay Thượng Hải.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,7 triệu đồng. Nhân khẩu bình quân 1 hộ gia đình Việt Nam là 3,5 người, số người trong độ tuổi lao động bình quân là 2 người. Với gia đình có 2 lao động sẽ có thu nhập bình quân 15,4 triệu đồng/tháng, tương đương với 184 triệu đồng/năm, muốn mua 1 chiếc ô tô phổ thông có giá 550 triệu đồng để đi lại, sẽ mất hơn 3 năm làm việc và không chi tiêu gì mới đạt được.
giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia) và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam cao là do thuế và phí cao. Hiện tại, chỉ 3 khoản thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) đã chiếm từ 40 -55% giá bán các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong, có dung tích xi lanh từ 3.0L trở xuống. Chưa kể, để được lưu thông, người mua xe còn phải chi thêm 10-12% lệ phí trước bạ và các loại phí khác. Thuế, phí cao trong khi thu nhập của phần lớn người dân còn thấp, nên số hộ gia đình sở hữu ô tô thấp.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, giá bán lẻ của một chiếc ô tô thực tế là bảng cộng gộp của giá thành sản phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và chi phí phân phối, bán hàng... Khi chưa có thuế, giá của một chiếc xe sản xuất tại Việt Nam cũng không cao hơn nhiều so với khu vực. Nhưng cộng thêm thuế phí vào thì cao vọt.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô bình quân 14% - 16% /năm, sức mua lên đến 1 - 1,1 triệu chiếc/năm. Giai đoạn 2031 - 2045, tăng trưởng 11% - 12%/năm, đến năm 2045, lượng xe tiêu thụ đạt 5 - 5,7 triệu chiếc/năm.
Theo TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), căn cứ để đặt ra mục tiêu này dựa trên dự báo về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam từ 2030-2045. Theo dự báo, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vào 2030 sẽ đạt 7.500 USD/năm và tăng dần tới 2045 đạt 18.000 USD/năm. Cộng với tham khảo thực tế một số thị trường ô tô của những quốc gia đã từng trải qua những các mức thu nhập như vậy, Ban soạn thảo đã đặt ra mục tiêu trên.
TTại Việt Nam, phương tiện đi lại chủ yếu của người dân hiện nay vẫn là xe máy hai bánh. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, đến năm 2035, doanh số bán ô tô dự kiến sẽ ngang bằng doanh số bán xe máy vào năm 2035, ở mức khoảng 1,5 triệu xe/năm. Sau đó, thị trường ô tô sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng theo cấp số nhân, thay thế xe máy để trở thành lựa chọn phương tiện giao thông chủ đạo, nhờ sự gia tăng về thu nhập của hộ gia đình. Giai đoạn từ 2035-2050 sẽ có gần 54 triệu ô tô bán ra.
Giả sử dân số Việt Nam tăng lên khoảng 128 triệu người vào năm 2050, tỷ lệ bình quân của ô tô sẽ là 312 xe/1.000 dân. Ngân hàng Thế giới dự báo, tổng doanh số bán ô tô con tại Việt Nam năm 2050 sẽ đạt khoảng 6,8 triệu xe/năm.