Tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam hiện vẫn thấp, kém xa nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sẽ tăng "chóng mặt" sau 10 năm nữa.
Dữ liệu từ Tổ chức Các nhà sản xuất ô tô quốc tế (OICA) mới công bố cho thấy, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam hiện đang ở mức 55 xe/1.000 dân (bao gồm cả xe cá nhân và xe thương mại). Tức là bình quân 1.000 dân mới chỉ có 55 chiếc ô tô các loại. Với tỷ lệ này, Việt Nam xếp thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á.
Đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ sở hữu ô tô là Brunei với 805 xe/1.000 dân; Malaysia xếp thứ 2 với 490 xe/1.000 dân; tiếp theo là Thái Lan với 275 xe/1.000 dân; Singapore 211 xe/1.000 dân; Indonesia 99 xe/1.000 dân.
Số liệu của Bộ Công thương Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2023 cả nước có 6,31 triệu ô tô các loại đã đăng ký lưu hành. Mức sở hữu bình quân đầu người là 63 xe/1.000 dân. Nếu chỉ tính xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, cả nước có 3,05 triệu chiếc đăng ký lưu hành, tỷ lệ sở hữu là 30 xe/1.000 dân.
Một quốc gia có diện tích hơn 330.000 km2, với dân số 100 triệu người, kinh tế đang phát triển mà chỉ có 6,3 triệu ô tô các loại đăng ký lưu hành là quá thấp. Số lượng xe như này chỉ ngang với xe của 1 thành phố lớn ở Trung Quốc như Trùng Khánh, Bắc Kinh hay Thượng Hải.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023 thu nhập bình quân 1 người 1 tháng theo giá hiện hành đạt 4,96 triệu đồng. Nhóm có thu nhập cao nhất (chiếm 20% dân số) bình quân đạt 10,86 triệu đồng/người/tháng, còn nhóm có thu nhập thấp nhất (chiếm 20% dân số) bình quân chỉ đạt 1,45 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, nhân khẩu bình quân 1 hộ gia đình Việt Nam là 3,6 người, số người trong độ tuổi lao động bình quân là 2,1 người. Với gia đình có 2 lao động sẽ có thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng, tương đương với 120 triệu đồng/năm, muốn mua 1 chiếc ô tô phổ thông có giá 500 triệu đồng để đi lại, sẽ mất hơn 4 năm làm việc và không chi tiêu gì mới đạt được.
Bộ Công thương cho biết, giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia) và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam cao là do thuế và phí cao. Hiện tại, chỉ 3 khoản thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) đã chiếm từ 40 -55% giá bán các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong, có dung tích xi lanh từ 3.0L trở xuống. Chưa kể, để được lưu thông, người mua xe còn phải chi thêm 10-12% lệ phí trước bạ và các loại phí khác. Thuế, phí cao trong khi thu nhập của phần lớn người dân còn thấp, nên số hộ gia đình sở hữu ô tô thấp. Chỉ khoảng 8% số hộ gia đình hiện nay có ô tô.
Tại Việt Nam, phương tiện đi lại chủ yếu của người dân hiện nay vẫn là xe máy hai bánh. Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 73 triệu xe máy các loại đăng ký lưu hành, chiếm 95% tổng số phương tiện đã đăng ký.
Ngân hàng thế giới cho biết, từ nay đến năm 2035, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính tại Việt Nam, dù nhu cầu tổng thể có xu hướng giảm. Ước tính có tổng cộng khoảng 32 triệu xe máy các loại sẽ được bán ra tại Việt Nam từ nay tới năm 2035.
Doanh số bán ô tô dự kiến sẽ ngang bằng doanh số bán xe máy vào năm 2035, ở mức khoảng 1,5 triệu xe/năm. Sau đó, thị trường ô tô sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng theo cấp số nhân, thay thế xe máy để trở thành lựa chọn phương tiện giao thông chủ đạo, nhờ sự gia tăng về thu nhập của hộ gia đình. Giai đoạn từ 2035-2050 sẽ có gần 54 triệu ô tô bán ra.
Giả sử dân số Việt Nam tăng lên khoảng 128 triệu người vào năm 2050, tỷ lệ bình quân của ô tô sẽ là 312 xe/1.000 dân. Ngân hàng Thế giới dự báo, tổng doanh số bán ô tô con tại Việt Nam năm 2050 sẽ đạt khoảng 6,8 triệu xe/năm.
Bộ Công thương cũng dự báo, quy mô thị trường ô tô Việt Nam tới năm 2030 sẽ đạt 1-1,1 triệu xe/năm và tới năm 2045 sẽ đạt từ 5 - 5,7 triệu chiếc/năm. Thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển mạnh sau 10 năm nữa.