Nhiều dự án lớn đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ô tô điện đang hình thành, để đón đầu cơ hội trong tương lai.
Công ty VinFast đã làm lễ khởi động Dự án nhà máy sản xuất ô tô điện tại Khu Kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô điện thứ 2 của VinFast tại Việt Nam. Dự án nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh có vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 36 ha, với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 300.000 xe/năm, có thể nâng lên 600.000 xe/năm. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ khánh thành vào tháng 7/2025, sau 8 tháng khởi công. Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ được đầu tư xây dựng 3 phân xưởng sản xuất chính gồm: hàn thân vỏ, sơn và lắp ráp xe. Nhà máy sẽ tập trung sản xuất hai dòng xe điện VF3 và VF5, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Tại Thái Bình, dự án nhà máy ô tô của Liên doanh Geleximco (Việt Nam) với tập đoàn Chery Auto của Trung Quốc cũng đang khởi động với giai đoạn đầu có công suất 50.000 xe và nâng lên 250.000 xe vào năm 2035. Ô tô điện là một trong những sản phẩm chủ lực của dự án này.
Tại Quảng Ninh, dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với công suất 120.000 xe/năm, do tập đoàn Thành Công đầu tư, sắp đi vào hoạt động. Theo kế hoạch nhà máy sẽ hướng tới sản xuất các dòng xe điện thân thiện với môi trường, tiếp cận với công nghệ sản xuất ô tô mới theo hướng xanh, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Ngân hàng Thế giới, dự báo nhu cầu về ô tô tại Việt Nam sẽ tăng theo cấp số nhân từ sau 2035, nhờ sự gia tăng về thu nhập của hộ gia đình. Ước tính có gần 54 triệu ô tô bán ra trong giai đoạn 2035-2050.
Vào tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải”, thông qua Quyết định 876/QĐ-TTg. Với giao thông đường bộ, Quyết định 876/QĐ-TTg của Chính phủ cũng đặt ra lộ trình: đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, toàn bộ 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Hiện nay, Việt Nam mới có trên 5 triệu ô tô các loại đăng ký lưu hành, trong đó, xe con chiếm 67%, tương đương với tỷ lệ 50 xe/1.000 người dân. Đối với thị trường 100 triệu dân thì đây vẫn là một con số rất nhỏ. Nếu xét riêng về ô tô điện thì tỷ lệ còn nhỏ hơn rất nhiều. Tính đến nay, cả nước có chưa tới 100.000 ô tô điện đăng ký lưu hành, vì vậy dư địa phát triển là rất lớn.
Vì vậy nhiều dự án lớn đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô điện đang hình thành để đón đầu cơ hội này.
Ô tô điện hiện đang được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu 0%, tính từ 1/3/2022 đến 28/2/2025. Từ 1/3/2025 đến 28/2/2027, ô tô điện sẽ chịu lệ phí trước bạ lần đầu, bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Ngoài được miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm, ô tô điện còn được ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt mức 3% từ 1/3/2022 đến 28/2/2027, sau đó sẽ tăng lên 11%.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, mức ưu đãi dành cho ô tô điện của Việt Nam còn khá khiêm tốn và có thời gian quá ngắn, so với nhiều nước trong khu vực.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng ô tô điện, cần có những chính sách ưu đãi lớn, đồng bộ và dài hạn. Một trong những chính sách hiệu quả nhất, đó là miễn thuế, phí, ưu đãi lãi suất, trợ cấp cho doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và người dân mua ô tô điện.
Năm 2024 doanh số bán ô tô điện sẽ đạt trên 80.000 xe/năm. Theo ngân hàng thế giới, nếu Chính phủ Việt Nam có những chính sách ưu đãi mạnh mẽ thì doanh số bán ô tô điện sẽ đạt 163.000 chiếc và năm 2025; tới năm 2030 đạt 559.000 chiếc, tăng lên gần 1,3 triệu chiếc vào năm 2035 và tới năm 2050 sẽ đạt khoảng 6,8 triệu chiếc.