Bình luận

Chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu về Nhà nước quản lý: Nên hay không?

Khôi Nguyên 25/08/2024 03:30

“Khi đưa quỹ bình ổn giá xăng dầu về Nhà nước quản lý, phải có một cơ chế giám sát để bảo đảm tính minh bạch, công khai, tránh thất thoát và bị chiếm dụng…”.

Đây là quan điểm của TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) xung quanh đề xuất chuyển quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu về cơ quan quản lý Nhà nước.

chuyen-quy-binh-on-gia-xang-dau-ve-nha-nuoc-quan-ly-nen-hay-khong-1.jpg
Tại dự thảo lần thứ 4 Nghị định về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương hoàn thiện, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện tại, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo luật Giá 2023.

Theo đó, tại dự thảo lần thứ 4 Nghị định về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương hoàn thiện, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện tại, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo luật Giá 2023.

Cụ thể, theo dự thảo 4 nghị định về kinh doanh xăng dầu, tại điều 31 quy định về nguyên tắc điều chỉnh giá bán xăng dầu, dự thảo nêu, với trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá xăng dầu; mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân; có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giá.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường xăng dầu; có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giá.

Để thực hiện quy định, tại điều 34 về trách nhiệm các bộ, ủy ban nhân dân, dự thảo quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm "xác định số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước".

Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố lần gần nhất 31/12/2023, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 6.655 tỉ đồng. Trong các kỳ điều hành từ đầu năm 2024 đến nay, liên Bộ Công thương - Tài chính không chi sử dụng quỹ, một số kỳ có thực hiện trích lập quỹ đối với một số mặt hàng dầu.

Ngoài ra, dự thảo đưa ra công thức tính giá bán xăng dầu bao gồm chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và thuế giá trị gia tăng. Trong đó, chi phí tạo nguồn gồm giá sản phẩm xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương công bố, premium nhân tỷ giá ngoại tệ, chi phí vận tải, bảo hiểm, hao hụt, bốc dỡ, thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường).

Đáng lưu ý, chi phí kinh doanh định mức trong giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, giảm theo chỉ số giá tiêu dùng thực tế bình quân của năm trước do Tổng cục Thống kê công bố. "Định kỳ 3 năm một lần, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ ngành có liên quan rà soát, công bố chi phí kinh doanh định mức được sử dụng làm gốc, phù hợp với tình hình thực tế để thương nhân thực hiện", dự thảo nêu.

Để có cơ sở giá xăng dầu thế giới công bố tại mỗi kỳ điều hành, dự thảo quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí ngân sách để Bộ Công Thương mua thông tin giá xăng dầu thế giới nhằm công bố, áp dụng trong tính giá bán xăng dầu.

chuyen-quy-binh-on-gia-xang-dau-ve-nha-nuoc-quan-ly-nen-hay-khong-2.jpg
Chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý cần cơ chế giám sát để công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.

Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, khi đưa về một đầu mối sẽ giúp quản lý tập trung và trách nhiệm các bên sẽ được làm rõ khi xảy ra thất thoát. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng khuyến nghị cơ quan quản lý cần cơ chế giám sát để công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.

Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả và thị trường (Bộ Tài chính) cũng nhận định, chuyển quỹ này cho cơ quan Nhà nước quản lý để tránh doanh sai phạm, "xài chùa" tiền của dân.

Tuy nhiên, cũng cần có phương thức quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách hiệu quả. Theo TS Vũ Đình Ánh, hiện không có cơ chế chung cho việc quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách, mỗi quỹ có cơ chế riêng. Việc quản lý tài chính của các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước là dấu hỏi lớn về hiệu quả. Chuyên gia Vũ Đình Ánh đề nghị nên bỏ quỹ BOG xăng dầu. "Tác dụng của Quỹ BOG xăng dầu theo đúng mục tiêu thành lập của nó là không còn nên tốt nhất bỏ đi" - ông Ánh nêu quan điểm.

Từ một góc nhìn khác, nói về giải pháp để bình ổn thị trường xăng dầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị nhà chức trách cần có một công cụ khác. “Chẳng hạn như thuế hay công cụ bảo hiểm giá để phòng ngừa rủi ro khi thế giới biến động. Cách làm này cũng được nhiều nước áp dụng”, vị chuyên gia chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu về Nhà nước quản lý: Nên hay không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO