Từng được ví như cánh chim đầu đàn trong các tổng công ty công trình giao thông của Bộ GTVT, có mặt trong nhiều công trình giao thông lớn nhưng kết quả kinh doanh của Cienco 1 lại đang dần đi xuống.
Kinh doanh đi xuống
Theo báo Đấu thầu, thời gian qua, Công ty mẹ - Tổng Cty Công trình giao thông 1 (Cienco 1) và các công ty thành viên đã được công khai trúng hàng trăm gói thầu quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Nếu không tính các gói thầu do công ty thành viên đảm nhận, từ tháng 11/2015 trở lại đây, Cienco 1 đã được công khai trúng 13 gói thầu quy mô lớn, có những gói quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, Cienco 1 đang trong thời gian thi công 2 gói thầu “khủng”.
Cụ thể, vào tháng 1/2018, với tư cách là nhà thầu đứng đầu liên danh, Cienco 1 đã được công bố trúng Gói thầu số 6 Thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và toàn bộ phần thi công xây dựng (gói thầu EC) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành (cầu vượt sông Đuống nối hai huyện Tiên Du - Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) với giá trúng thầu 1.348 tỷ đồng (thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng).
Vào tháng 9/2017, Cienco 1 cũng đã liên danh với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trúng Gói thầu số 15 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang với giá trúng thầu gần 699 tỷ đồng (thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng).
Bên cạnh đó, cũng không thể không kể đến liên minh Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Công ty CP An Hiền, Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An hay Công ty CP Đầu tư Cái Mép. Các đơn vị này không chỉ có khoản đầu tư vào Cienco 1, mà nhóm này cũng đồng hành cùng Cienco 1 tại các dự án giao thông lớn.
Một trong những dự án đáng chú ý nhất là Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì mới (hay còn gọi là cầu Hạc Trì) với tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng.
Cienco 1 cũng bắt tay với Yên Khánh để đầu tư xây dựng Dự án BOT cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cienco 1 cũng góp mặt tại Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cùng với Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Đây là một dự án BOT với tổng mức đầu tư ban đầu là 6.731 tỷ đồng.
Góp mặt tại các dự án giao thông lớn nhưng kết quả kinh doanh của cánh chim đầu đàn này đang dần đi xuống.
Nếu như doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2013 lần lượt đạt 5.980 tỷ đồng và 45,5 tỷ đồng, thì sang năm 2014 - thời điểm cổ phần hóa, doanh thu giảm nhẹ 2,6% xuống còn 5.820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 100,7 tỷ đồng, tăng 121%.
Các năm sau đó, doanh thu và lãi ròng đều sụt giảm. Đặc biệt, năm 2017, doanh thu còn chưa chạm nổi 2.000 tỷ đồng, lãi ròng chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng. Hiện Công ty chưa công bố báo cáo tài chính năm 2018.
Người lao động "mòn mỏi" chờ hỗ trợ sau CPH
Tháng 6/2013, Bộ GTVT chốt trị giá của Cty mẹ - Cienco1 để thực hiện thoái vốn (thoái hết vốn nhà nước vào cuối năm 2013), trong khi chế độ cho người lao động chưa giải quyết xong. Khi Cienco1 đã hoàn toàn về tay tư nhân, vẫn còn rất nhiều lao động tại các công ty con của doanh nghiệp này thuộc diện dôi dư (mất việc làm) chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội, tính toán và thanh toán tiền hỗ trợ thất nghiệp.
Do đó, cuối năm 2014, Bộ GTVT phải có văn bản xin Thủ tướng sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trung ương hỗ trợ 12,4 tỷ đồng để giải quyết chế độ cho lao động dôi dư tại 5 công ty con thuộc Cienco1. Dù theo quy định, số tiền này nếu các công ty con không có nguồn trả, Cienco1 sẽ phải trích từ Quỹ sắp xếp doanh nghiệp của chính tổng công ty để chi trả, thay vì đẩy lên trung ương.
Đặc biệt, văn bản trên của Bộ GTVT vẫn để “sót” thông tin về 3/7 công ty con của Cienco1, với tổng số 133 lao động dôi dư; số tiền cần phải có để giải quyết chế độ cho số lao động này là hơn 5,4 tỷ đồng.
Từ đó tới nay, đã 6 năm trôi qua, những người lao động này vẫn chưa nhận được đồng hỗ trợ nào. Số tiền này theo quy định, trước khi cổ phần hóa Cty mẹ - Cienco1 đã phải được tính toán, trích lập và chi trả cho người lao động. Được biết, ngoài 3 công ty trên, hiện Cienco1 còn một số công ty con nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động.
Ông Đinh Văn Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Cienco1 cho biết, đơn vị đã có nhiều văn bản báo cáo giải trình Bộ GTVT về tồn tại, vướng mắc của 3 công ty trên vào tháng 10/2017. Tuy nhiên, vì lãnh đạo, cán bộ liên quan tại các DN này đã nghỉ hưu, chuyển công tác nên khó xử lý trách nhiệm.
Có thể bạn quan tâm
00:03, 15/07/2019
14:35, 24/10/2018
15:42, 13/02/2018
05:05, 03/05/2017
Về lý do chậm giải quyết chế độ cho người lao động tại 3 công ty trên, theo ông Thanh, công ty 126 và 136 thời điểm cổ phần hóa bị âm vốn, phải chuyển nợ thành vốn góp, nợ thuế, bảo hiểm xã hội... Còn Cty 230, khi chuyển từ Tổng cục Đường bộ sang Cienco1 cũng âm vốn nhà nước, chuyển nợ thành vốn góp và cũng nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội. Khi 3 đơn vị chốt được sổ bảo hiểm xã hội để tính chế độ cho người lao động dôi dư thì Quỹ sắp xếp doanh nghiệp của tổng công ty đã tính vào giá trị doanh nghiệp.
Thậm chí, Cty mẹ - Cienco1 đã thoái hết vốn nhà nước. Do đó không còn nguồn tài chính để giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư tại 3 doanh nghiệp trên. Chậm trễ này một phần cũng do lãnh đạo và các cán bộ tại 3 doanh nghiệp trên thiếu kinh nghiệm, chưa nắm bắt hết chính sách cổ phần hóa, thiếu phối hợp với Bộ GTVT...
Ai sở hữu Cienco 1?
Năm 2014, đơn vị xây lắp có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cầu đường này đã chính thức cổ phần hóa. Quá trình thoái phần vốn còn lại của Nhà nước ở Cienco 1 sau đó diễn ra nhanh chóng và triệt để. Chỉ một năm sau, Cienco 1 đã được sở hữu 100% bởi các ông chủ dân doanh.
Quá trình sở hữu của các ông chủ dân doanh ở đây cũng có nhiều xê dịch. Các cổ đông lớn liên tục đến rồi đi tại Cienco 1, từ Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Hồng Hà, Công ty CP Máy xây dựng Hassyu, Công ty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon, Công ty CP Hạ tầng Fecon, đến Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)... Duy chỉ có Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh - cổ đông chiến lược - thể hiện sự gắn bó lâu dài.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét năm 2017 của Cienco 1 thì tính đến cuối năm này, Cienco 1 có 4 cổ đông lớn là: Công ty CP An Hiền (24,5%); Công ty CP Đầu tư Cái Mép (16,8%); Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An (19,1%); Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (28,5%). Riêng 4 cổ đông này đã sở hữu gần 90% cổ phần Cienco 1.
Nhóm cổ đông này, về hình thức là những pháp nhân độc lập, nhưng không loại trừ khả năng đều xuất phát từ một gốc.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh được thành lập năm 2005, một thời gian dài do bà Vũ Thị Hoan (sinh năm 1985) - Chủ tịch HĐQT - làm đại diện theo pháp luật. Bà Hoan cũng là cổ đông lớn nhất tham gia nắm giữ số vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng của Yên Khánh, với tỷ lệ 69,5%, bên cạnh hai cổ đông họ Đinh là: Đinh Thị Hiên (30%) và Đinh Ngọc Liên (0,5%).
Công ty CP An Hiền thành lập năm 2006, do ông Đoàn Minh Toàn - Tổng giám đốc - làm đại diện. Ông Toàn (sinh năm 1982) là chồng bà Vũ Thị Hoa (sinh năm 1984) - chị gái của bà Vũ Thị Hoan.
Công ty CP Đầu tư Cái Mép thành lập năm 2006, từng có giai đoạn do bà Vũ Thị Hoa - chị gái bà Vũ Thị Hoan và là vợ ông Đoàn Minh Toàn - là người đại diện theo pháp luật.
Còn Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An tuy đăng ký trụ sở tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh nhưng cũng được thành lập bởi 2/3 cổ đông sáng lập là người xã Khánh An - huyện Yên Khánh - Ninh Bình, là: ông Đinh Ngọc Hùng (20%) và bà Lê Thị Hoa (15%).
Cuối tháng 11/2018, bà chủ của Yên Khánh là Vũ Thị Hoan đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.