Kinh tế

Cơ cấu lại kinh tế để phát triển nhanh và bền vững

Hạnh Lê thực hiện 30/08/2024 05:00

Việt Nam sẽ duy trì được đà tăng trưởng tích cực và bền vững khi các cải cách cơ cấu kinh tế được đẩy nhanh, môi trường pháp lý trong các dịch vụ trụ cột quan trọng được hoàn thiện.

dorsati.jpg

Trao đổi với DĐDN, bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh: dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,1% trong năm nay và tăng tốc lên 6,5% trong các năm 2025 - 2026.

- Vậy đâu là cơ sở để WB điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của cả năm ở mức 6,1%, cao hơn so với lần công bố trước đó, thưa bà?

Trước hết từ triển vọng tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu và thị trường bất động sản trong nước đang có dấu hiệu phục hồi, dự báo sẽ tạo “bước ngoặt” xoay chiều từ cuối năm nay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực và những vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp được giải quyết. Trong điều kiện đó, nhu cầu trong nước sẽ tăng lên khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện. Ngoài ra, lạm phát theo chỉ số giá năm nay dự kiến tiếp tục tăng đến 4,5% do giá lương thực thực phẩm tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, trong trung hạn, lạm phát được dự báo sẽ quay lại mức bình quân khoảng 3,5% trong năm tiếp theo.

Cùng với đó, tài khoản vãng lai được dự báo vẫn thặng dư chủ yếu nhờ cán cân thương mại hàng hóa. Cân đối tài khoản vãng lai có thể đạt thặng dư nhỏ nhờ xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng cùng với đóng góp của dịch vụ vận tải và du lịch. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến vẫn ổn định trong ngắn và trung hạn từ sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

tang truong2
Sau 4 tháng kể từ tháng 4/2024 đến nay, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 từ mức 5,5% lên 6,1%, chủ yếu do sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo, du lịch, tiêu dùng và đầu tư. (Ảnh: Mức tăng/giảm CPI tháng sau so với tháng trước) Nguồn: TCTK

- Tuy nhiên, tốc độ phát triển chưa quay về quỹ đạo tăng trưởng của giai đoạn tiền đại dịch cho thấy nền kinh tế vẫn còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn, thưa bà?

Về cơ bản, mức tăng trưởng dự báo năm 2024 đạt 6,1% thể hiện sự phục hồi tương đối tốt của nền kinh tế nhưng chưa đạt được hết mức tiềm năng.

Chúng tôi đánh giá, triển vọng tăng trưởng trên vẫn có những rủi ro. Từ bên ngoài, sau đà phục hồi mạnh vào nửa đầu năm nay, tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến chậm lại. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, ở mức độ nhất định có thể có diễn biến tương tự do ảnh hưởng lực cầu bên ngoài với một số tín hiệu hỗn hợp từ nền kinh tế Mỹ và sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vốn là 2 đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Nhìn vào trong nước, thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, tác động đến đầu tư tư nhân - yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đầu tư tư nhân cũng dè dặt hơn khi lực cầu nội địa không mạnh, sản xuất trong nước khó tạo ra động lực tăng trưởng. Trong khu vực tài chính, nếu chất lượng tài sản tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của ngân hàng có thể bị suy giảm. Chưa kể, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có thể làm tăng rủi ro gây thiệt hại cho nền kinh tế.

- Một nội dung đang được xem xét là có nên điều chỉnh chính sách tài khoá trở lại như trước đại dịch. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Chính sách tài khóa nới lỏng được Việt Nam thực hiện trong thời gian qua được thể hiện qua 2 thành tố quan trọng: giãn, giảm thuế nhằm giảm áp lực, cho phép các doanh nghiệp có thêm thanh khoản và tăng đầu tư công thêm 1,8% GDP trong năm 2023 để hỗ trợ tổng cầu, hỗ trợ việc làm...

Năm 2024 - 2025, chính sách tài khoá có thể được thắt chặt song điều đó không có nghĩa là nền kinh tế bị ảnh hưởng quá nhiều bởi trên đà phục hồi theo tiềm năng, không nhất thiết phải thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng. Nếu tiếp tục duy trì, thậm chí có thể gây ra lạm phát. Do đó, theo tôi, chính sách tài khóa nên dè dặt hơn.
- WB đưa ra những khuyến nghị chính sách gì để hỗ trợ phục hồi và phát triển, thưa bà?

Chúng tôi cho rằng, các cải cách cơ cấu kinh tế có vai trò sống còn để duy trì triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Ngoài các gói kích cầu ngắn hạn, tăng cường giải ngân và quản lý đầu tư công có ý nghĩa quan trọng. Nếu được đẩy nhanh, đầu tư công vừa hỗ trợ tổng cầu vừa xử lý những thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh, chẳng hạn về năng lượng, giao thông hiện đang là trở ngại cho tăng trưởng. Đồng thời, tăng cường môi trường pháp quy trong các dịch vụ trụ cột quan trọng như công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng… để đảm bảo tiếp tục tăng tính hấp dẫn cho nền kinh tế.

Cùng với đầu tư công là thúc đẩy khu vực tư nhân. Nếu Việt Nam muốn vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng, trở thành nền kinh tế phát triển và đóng góp nhiều hơn cho chuỗi giá trị toàn cầu thì cần có cải cách nhằm tăng cường cho khu vực tư nhân hội nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng thông qua việc tăng tỷ trọng các nhà cung cấp trong nước cho các doanh nghiệp FDI.

Hơn nữa, môi trường quốc tế cho các hoạt động kinh tế đã thay đổi; sản xuất và tiêu dùng đang dịch chuyển theo hướng xanh. Do đó, để duy trì khả năng cạnh tranh cần cân nhắc chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ xanh trong sản xuất để giảm phát thải carbon và chất gây ô nhiễm.

Ngoài ra, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trên cơ sở những cải cách trong thời gian qua, cần tiếp tục cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, củng cố khung thể chế, nâng cao hiệu quả giám sát và can thiệp sớm; cải cách thị trường vốn…

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ cấu lại kinh tế để phát triển nhanh và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO