Một nguyên tắc quan trọng của chính sách là phạm vi tác động càng hẹp càng chính xác và ngược lại, mức độ sai số càng cao nếu phạm vi áp dụng càng rộng.
Giải Nobel kinh tế 2021 vinh danh phương pháp nghiên cứu chính sách kinh tế - xã hội, đó là “thí nghiệm tự nhiên” - các hoạt động kinh tế diễn ra một cách tự nhiên trong không gian giới hạn. Thông qua đó người ta rút ra bản chất đằng sau vô vàn hiện tượng diễn ra trong suốt nhiều năm.
Cụ thể, giáo sư đại học California, David Card và các cộng sự đã quan sát người nhập cư từ Cuba sang bang Miami (Mỹ) và sự tăng lương ở một số bang. Kết quả: người nhập cư không làm phương hại đến người bản địa; tăng lương không ảnh hưởng gì đến việc làm.
Một thời gian dài, châu Âu và Mỹ lúng túng trước nạn nhập cư từ Trung Đông, Bắc Phi. Việc ban hành chính sách với nhóm người này là chủ đề gây tranh cãi kịch liệt. Vì vậy đề tài của David đóng vai trò là cơ sở khoa học.
Chính sách và chính sách công là bài toán hóc búa. Có nhiều quốc gia phất lên giàu có nhờ chính sách đúng đắn, cũng có nhiều nước kiệt quệ vì sai lầm chính sách.
Trong khu vực Singapore là một điển hình về chính sách đúng đắn, không tự nhiên mà Trường chính sách công mang lên cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nổi tiếng thế giới, thu hút nhiều nhà khoa học lừng danh đến nghiên cứu, giảng dạy.
Một điển hình thất bại là nước Đức trước thế thế chiến II, khao khát bá chủ, hòng chia lại thị trường thế giới thôi thúc họ ban hành các chính sách mang tính quân phiệt, kết quả thất bại nặng nề.
Tại các quốc gia xã hội chủ nghĩa, chính sách kinh tế tập trung/kinh tế chỉ huy chỉ phát huy ưu điểm trong một bối cảnh lịch sử nhất định, đến hội nhập, va chạm, tiếp xúc và tiếp thu, bỏ bớt “bàn tay hữu hình” thì bao cấp trở nên dị biệt. Như Lenin nói “kéo dài cái ưu điểm chính là nhược điểm”.
Một nguyên tắc quan trọng của chính sách là phạm vi tác động càng hẹp càng chính xác và ngược lại, mức độ sai số càng cao nếu phạm vi áp dụng càng rộng.
Địa phương có lợi thế về du lịch không thể mặc chung “chiếc áo” với địa phương có thế mạnh nông nghiệp, tỉnh trên 2 triệu dân khó dùng chung chính sách với tỉnh dưới 1 triệu dân. Điều này có vẻ ai cũng hiểu.
Nhiều khi các nhà hoạch định… không biết nên “làm thế nào” để các địa phương cùng tăng trưởng, phát triển. Thực tế có những sai lầm chính sách chung mất vài thập kỷ mới nhận ra.
Nhiều lúc người Việt ta hay hỏi nhau, khi nào chúng mình bằng Thái Lan, Indonesia? Lúc nào đạt được trạng thái Hàn Quốc, Singapore cách đây 20 năm? Đa phần các dự báo đến năm nào đó, bằng ai, ngang ai… đều không chuẩn. Vì sao?
Chính sách không phải là một “phát minh”, mà đó là sự trải nghiệm, thông qua các cấp độ nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tri thức kinh nghiệm đến tri thứ lý luận, khoa học - tuyệt nhiên không có yếu tố chính trị thuần túy.
Có nghĩa, sự sinh ra của chính sách không giống như “gan tiết ra mật”, nó không phụ thuộc vào ý chí của riêng ai, mà là của chung, vì vậy người ta thêm chữ “công cộng” vào “chính sách”/public policy.
Nói về chính sách đặc thù, hay “thí nghiệm tự nhiên” người Mỹ xứng đáng giỏi nhất thế giới. Mỗi bang mỗi luật khác nhau, chính sách khác nhau nhưng vẫn chung sống hài hòa trong Liên bang. Chính sách tổng thể của Mỹ rất đặc biệt, có những điều luật vài thập kỷ không cần thay đổi, bổ sung, nhưng có những điều luật thay đổi, làm mới như cơm bữa.
Tóm lại, chính sách cần có những thí nghiệm, nhưng con người không thể tạo ra thí nghiệm này trong phòng kín, cho nên áp dụng “chính sách đặc thù” cho một vài địa phương là cách làm khoa học, theo thông lệ quốc tế.
Nếu chính sách không phù hợp dễ xử lý điều chỉnh trong phạm vi hẹp, hệ quả (nếu có) cũng không nghiêm trọng. Nếu chính sách đúng cần nhân rộng.
Cũng phải nói rằng, không phải chỉ “gật đầu” cho địa phương được vay tiền, nợ công, đầu tư, quyết định,…là xong. Vấn đề là sau thời gian dùng đặc thù các địa phương, các Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội, các chuyên gia rút ra được gì để tham mưu trở lại.
Có thể bạn quan tâm
Cơ chế, chính sách đặc thù tạo “đòn bẩy” để địa phương bứt phá
19:10, 22/10/2021
Cơ chế, chính sách đặc thù để địa phương bứt phá đi lên
13:07, 22/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vì mục tiêu chung
12:38, 22/10/2021
Nghệ An sẽ làm gì khi được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù?
16:48, 12/10/2021