Trong giai đoạn 2024-2025, dự kiến tăng trưởng sản lượng các nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ duy trì ổn định và cơ chế mua bán điện trực tiếp nếu được ban hành sẽ thúc đầy triển vọng nhóm NLTT.
>>>Có cần thiết ban hành luật riêng về năng lượng tái tạo?
Công ty Chứng khoán MBS cho biết, nhu cầu phát triển hệ thống truyền tải điện rất cần thiết trong bối cảnh hệ thống điện chưa đáp ứng được tỉ trọng công suất cao NLTT cùng với nhu cầu tăng cường cung ứng điện từ Nam ra Bắc. Trong khi đó, xây dựng các nguồn điện sẽ là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với ý chí quyết tâm của Chính phủ tập trung phát triển NLTT để tiến tới phát thải ròng bằng “0” từ năm 2050.
Theo MBS, trong giai đoạn 2024-2025, dự kiến tăng trưởng sản lượng các nhà máy NLTT sẽ duy trì ổn định do tình trạng cắt giảm công suất được cải thiện, hỗ trợ bởi hệ thống điện được nâng cấp, cơ bản đáp ứng được tỉ trọng cao NLTT của Việt Nam.
Về triển vọng chính sách, MBS cho rằng, khung giá cho các dự án chuyển tiếp sau hơn 1 năm được ban hành, hiện tại, hầu như các dự án đều đã gửi hồ sơ đàm phán giá điện, trong đó, tính đến cuối 2023, 21 nhà máy (công suất 1.201MW) như BCG, GEG, Trung Nam đã hoàn thành thủ tục COD và phát điện thương mại. Tuy nhiên, các dự án hiện vẫn đang được huy động theo mức giá tạm (chỉ bằng 50% giá trần chuyển tiếp), và việc đàm phán giá chính thức vẫn chưa có nhiều tiến triển gây áp lực lên dòng tiền và hiệu quả kinh tế của các dự án.
Đối với các dự án triển khai trong tương lai, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện một số chính sách quan trọng, bao gồm khung giá cho NLTT, và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) nhằm tạo ra môi trường đầu tư rõ ràng hơn, giúp các doanh nghiệp có đủ cơ sở triển khai dự án mới.
“Hiện tại, cả hai chính sách đều đang ở giai đoạn dự thảo và chưa có thêm thông tin cụ thể về tiến độ ban hành. Theo quan điểm của chúng tôi, đây đều là những chính sách quan trọng để Việt Nam thực hiện hóa những mục tiêu phát triển NLTT theo QHĐ8 từ nay đến năm 2030”, MBS đánh giá.
Theo MBS, sau khi Thông tư 19, quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện NLTT được ban hành tháng 11/2023, đến nay, chưa có thêm thông tin về khung giá chính thức cho nhóm điện mặt trời, điện gió, cản trở tiến độ triển khai các dự án mới.
MBS cũng cho rằng, trong giai đoạn 2023-2025, cơ chế mua bán điện trực tiếp cho NLTT là đề án trọng tâm cần được ban hành. Hiện tại, cơ chế đang được hoàn thiện, và về cơ bản các phương án đã được điều chỉnh sau nhiều bản dự thảo, tuy nhiên, thời gian ban hành chính thức vẫn còn bỏ ngỏ.
Hai phương án mua bán điện trực tiếp bao gồm: Phương án 1: Mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng. Các bên ký kết DPPA để giao nhận điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp mà không thông qua lưới điện quốc gia. Trong phương án này, bên cung ứng điện được đề xuất là các nhà máy điện NLTT (bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện mặt trời áp mái, điện rác và điện sinh khối), không giới hạn về công suất. Khách hàng và bên phát điện sẽ tự thỏa thuận về sản lượng và giá bán, thường đàm phán trên cơ sở giá bán lẻ điện do nhà nước quy định.
Phương án 2: Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia. Ở phương án này, dự thảo quy định rõ đơn vị phát điện là các nhà máy điện NLTT (điện mặt trời, điện gió) có công suất thiết kế 10MW. Khách hàng lớn là các đơn vị có sản lượng tiêu thụ trung bình từ 500 nghìn kWh/tháng.
Về ưu điểm, MBS cho rằng, DPPA đảm bảo cho khách hàng yếu tố “xanh” của điện, hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu và thương mại. Về phía các nhà máy điện, hợp đồng DPPA tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các nhà máy, tăng tính cạnh tranh và tạo động lực cho các doanh nghiệp chủ động đi tìm khách hàng. Về khía cạnh hợp đồng, DPPA vẫn đảm bảo cam kết về sản lượng, cũng như giảm thiểu các rủi ro biến động giá trên thị trường do tính chất của hợp đồng CfD.
“Chúng tôi cho rằng đây là những điểm tích cực khi DPPA được ban hành. Hiện tại cơ chế vẫn đang trong giai đoạn dự thảo, và vẫn còn một số điểm cần cải thiện và dự kiến sẽ có thể ban hành trong quý III/2024. Trong dài hạn, DPPA sẽ là bản lề để ngành điện Việt Nam tiến thêm một bước đến thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, chúng tôi cho rằng nhóm điện NLTT sẽ có lợi thế đến từ tính “điện sạch” cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tín chỉ cacbon”, MBS đánh giá.
Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán này cho rằng, vẫn còn những rủi ro tạo áp lực lên triển vọng ngành từ các dự án NLTT vướng sai phạm. Theo đó, các dự án sai phạm, đặc biệt các dự án nằm trong danh sách chuyển tiếp sang Bộ Công an để tiến hành điều tra thêm, hiện tại vẫn chưa có những kết luận cụ thể về hướng xử lý đối với các dự án này.
Tuy nhiên, gần đây đã có thêm tín hiệu tích cực hơn, liên quan đến việc xem xét cho các dự án NLTT hợp pháp, nằm trên đất khoáng sản tại các địa phương có tính đặc thù như Đắk Nông (khoáng sản boxit) và Bình Thuận (khoáng sản titan) được tiếp tục triển khai, hoạt động đến hết vòng đời.
"Chúng tôi giữ nguyên đánh giá các rủi ro xử lý sẽ không lớn đối với các chủ đầu tư khi trách nhiệm được nêu trong văn bản thanh tra chủ yếu hướng tới các bộ ban ngành, tuy nhiên, không loại trừ khả năng về những phương án xử lý kinh tế các dự án sai phạm", MBS nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Ninh Thuận đề xuất Ủy ban Châu Âu hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo
19:19, 29/05/2024
Ninh Thuận hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo
04:00, 28/04/2024
Có cần thiết ban hành luật riêng về năng lượng tái tạo?
03:30, 28/04/2024
Lợi ích và khả năng cạnh tranh của năng lượng tái tạo
21:35, 11/04/2024
Phát triển năng lượng tái tạo: "Cần cơ chế thiết thực cho doanh nghiệp"
21:20, 11/04/2024