Việc phân cấp cho các tỉnh làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại các dự án cao tốc đi qua địa bàn (đặc biệt là theo hình thức PPP) là chủ trương lớn và rất đúng đắn của Chính phủ.
LTS: Chủ trì cuộc họp về chủ trương xây dựng đường cao tốc 2021-2025 và định hướng tới năm 2030 Thủ tướng Chính phủ cho rằng xây dựng các tuyến đường cao tốc cần hài hòa giữa các vùng miền nhưng tập trung cho những vùng động lực; không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách. Thủ tướng đồng ý với đề xuất "quốc lộ, cao tốc của tỉnh nào nên để tỉnh đó đầu tư".
Phải thẳng thắn nhìn nhận, trong thời gian qua, khi được giao làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, một số địa phương thực hiện hiệu quả, nhưng cũng còn không ít hạn chế. Điển hình là dự án BT đường trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở do Hà Nội giữ vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, với những gì diễn ra trong thực tế thì không thể đánh giá là thực hiện tốt được.
Do vậy, để thực hiện được, Chính phủ, Bộ GTVT cần rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án cao tốc theo hình thức PPP do địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời gian qua. Cái gì địa phương làm tốt, cái gì chưa tốt phải chỉ rõ. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, ngoài công tác giải phóng mặt bằng được địa phương làm tốt, nhiều người sẽ quan ngại về các khâu tổ chức tiếp theo trong quá trình thực hiện dự án như: Công tác khảo sát thiết kế, lựa chọn tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu, quản lý dự án, khai thác vận hành… đòi hỏi tính chuyên ngành, kỹ thuật rất cao.
Tiếp đến, khi thực hiện dự án cao tốc theo hình thức PPP do địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, việc quản lý, vận hành khai thác sẽ tổ chức thực hiện ra sao? Nếu giao nhà đầu tư quản lý, vận hành thì có phải sửa quy định pháp luật gì không, khi hiện nay vai trò này đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đảm nhiệm? Những việc này, Bộ GTVT cần phải rà soát, đánh giá trước khi tham mưu Chính phủ đưa ra giải pháp phù hợp.
Hơn nữa, để thu hút nhà đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc không khó, điều quan trọng là Nhà nước cần cam kết chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư bằng việc chia sẻ rủi ro mới có thể tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp.
Còn đối với nguồn vốn huy động, Chính phủ cần hình thành gói tín dụng để hỗ trợ vay vốn cho các dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP và bổ sung các dự án đường bộ cao tốc vào đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi. Bởi nếu có chính sách tín dụng phù hợp trong các dự án BOT, chắc chắn dự án sẽ thành công.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 28/05: Cơ chế nào cho địa phương đầu tư cao tốc?
05:50, 28/05/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy nhanh tiến độ GPMB, xử lý vướng mắc trong thực hiện cao tốc Bắc – Nam phía Đông
23:00, 27/05/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án cao tốc TPHCM–Thủ Dầu Một–Chơn Thành
23:56, 20/05/2021
“Ông lớn” nào trúng thầu thi công cao tốc Bắc – Nam qua Nghệ An theo hình thức BOT?
16:27, 15/05/2021
Gỡ "khó" đầu tư PPP, khơi thông dòng vốn cho 5.000 km đường cao tốc
12:07, 10/05/2021