Cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế đất nước ta có được ngày hôm nay có công lao rất lớn của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
>>VCCI và sáu định hướng triển khai trong 2022
Đồng chí Phạm Tấn Công, Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh tại cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai và cộng đồng doanh nghiệp Lào Cai, để khảo sát đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 18/8/2022.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Nghị quyết số 09-NQ/TW nêu rõ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và bản thân doanh nghiệp, doanh nhân.
Từ khi Nghị quyết được ban hành đã có rất nhiều văn bản, chính sách pháp luật đã được thể chế hoá chủ trương đường lối của Đảng. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận doanh nhân Việt Nam. Đây là bước ngoặt lịch sử của đất nước ta, trong đó nêu rõ tại Điều 51: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân tổ chức khác đầu tư, sản xuất kinh doanh”. Như vậy, vai trò, vị trí và chủ trương, quan điểm về doanh nhân đã được thể chế hoá và đưa vào Hiến pháp năm 2013.
Các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, XII và XIII xác định đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, doanh nghiệp là lực lượng động lực quan trọng góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân.
Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách pháp luật để tạo lập môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân và cũng đã được thực thi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân Việt Nam phát triển.
Và kết quả, tính đến cuối năm 2021 Việt Nam đã có gần 860.000 doanh nghiệp, bên cạnh đó là trên 15.000 hợp tác xã và 5,1 triệu hộ kinh doanh. Như vậy, ước tính Việt Nam có từ 7 đến 10 triệu doanh nhân. Đây là lực lượng chủ lực để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển kinh tế.
Vẫn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra mục tiêu đến năm 2045 phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Vậy, ai sẽ là người thực hiện chủ trương này? Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, đội ngũ doanh nhân chính là lực lượng tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh để đưa kinh tế phát triển.
Như vậy, chúng ta cảm nhận được vai trò của đội ngũ doanh nhân quan trọng như thế nào trong tầm nhìn chiến lược, chủ trương của Đảng trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân. Và cũng coi đây là trọng trách của Đảng.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, sự phát triển đội ngũ doanh nhân nước ta thực sự vẫn chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, về số lượng chúng ta đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Nhưng đến thời điểm đó mới chỉ đạt hơn 800.000 doanh nghiệp. Như vậy, thấp hơn kỳ vọng 20%.
Và từ nay đến năm 2025, Đại hội XIII của Đảng đưa ra mục tiêu Việt Nam phải có 1,5 triệu doanh nghiệp, tăng gần gấp hai lần. Đây cũng là yêu cầu hết sức thách thức với cả nước nói chung, Lào Cai nói riêng.
Nhìn từ số liệu của Tổng cục Thống kê, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, trong vòng 10 năm (2011-2021) Lào Cai cũng chỉ tăng được gấp hai lần số doanh nghiệp.
“Vậy trong 5 năm tới Lào Cai có tăng được gấp đôi hay không? Nếu Lào Cai không tăng được thì cả nước có tăng được không? Đây là vấn đề rất thách thức”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Tuy nhiên, những thành tựu mà các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đạt được trong những năm qua là không thể phủ nhận, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công dẫn lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”.
Cơ đồ, tiềm lực và uy tín này theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công có công lao rất lớn của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Và nếu chúng ta muốn có được một cơ đồ lớn hơn, một quốc gia phát triển, một đất nước có thu nhập cao, thì việc phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là vấn đề then chốt, và là trọng trách của Đảng ta.
Trong bối cảnh như vậy, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, việc Bộ Chính trị có chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp mà còn đối với cả tương lai đất nước, đó là việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Có thể bạn quan tâm
02:37, 12/08/2022
16:27, 11/08/2022
17:24, 10/08/2022
13:38, 10/08/2022
18:03, 30/07/2022