Có gì tại triển lãm khoa học và công nghệ đầu tiên dành cho người Việt tại Úc?

DIỄM NGỌC 14/12/2020 21:21

Trong điều kiện toàn cầu hóa, kiến thức và sản phẩm nghiên cứu từ các nước khác cũng có thể áp dụng được ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số thay đổi để phù hợp với điều kiện Việt Nam là cần thiết.

Mới đây, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt - Úc (NIC-AU) đã phối hợp cùng Văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Sydney tổ chức Triển lãm Khoa học và Công nghệ trực tuyến - Innovation Expo 2020.

Trong tiến trình toàn cầu hoá, đổi mới sáng tạo là thực sự cần thiết

Trong tiến trình toàn cầu hoá, đổi mới sáng tạo là thực sự cần thiết

Innovation Expo 2020 là triển lãm trực tuyến các đề án nghiên cứu khoa học và công nghệ đầu tiên dành cho cộng đồng nghiên cứu Việt Nam tại Australia. Các đề án nghiên cứu khoa học và công nghệ có tính thực tiễn cao và khả năng ứng dụng tại Việt Nam sẽ được kết nối tới các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu trong nước. Với bốn giá trị cốt lõi bao gồm: Tư duy sáng tạo, Cơ hội đổi mới, Kết nối cộng đồng và Phát triển bền vững.

Triển lãm thu hút sự chú ý và tham gia của cộng đồng nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập và làm việc tại Úc, các Tiến sĩ, Giáo sư, Chuyên gia đầu ngành người Việt hoặc gốc Việt đang làm việc tại đây.

Trải qua hơn 2 tháng từ lúc phát động, sự kiện đã thu hút được 10 đề án tham dự đến từ các trường đại học danh tiếng ở các thành phố lớn của Úc, gồm nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau như trí tuệ nhân tạo, môi trường, tự động hóa, nguyên vật liệu tự nhiên,...

Điển hình như dự án Công nghệ sử dụng máy bay không người lái để tìm diệt sâu bệnh trên cây trồng thuộc công ty MiSmart. Công nghệ này sử dụng máy bay không người lái (drone) và trí tuệ nhân tạo (AI) để định vị những vùng ruộng bị phá hoại và tự động phun thuốc trong phạm vi cố định, tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu. Đây là mô hình đang được áp dụng khá thành công tại Nhật, trên các cánh đồng lúa mẫu lớn, tạo ra sản phẩm gạo sạch không chứa thuốc trừ sâu. 

Đại diện MiSmart cho rằng, giải pháp này phù hợp với điều kiện kinh tế nước nhà và sẽ tạo được bước ngoặt lớn trong nền nông nghiệp Việt Nam nếu áp dụng thành công.

Ngoài ra, dự án đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất là dự án về chủ đề về vật liệu mang tên “Low-cost Carbon Fiber" của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Deakin, Melbourne. Dự án tập trung vào việc giảm giá thành và khiến sợi carbon có thể được sử dụng một cách rộng rãi hơn trong sản xuất công nghiệp. Mục tiêu hiện tại của dự án là giảm giá thành sản xuất sợi Carbon tới gần 50%, dao động từ 20-25 USD/kg xuống còn khoảng 10-15 USD/kg.

Bên cạnh đó, xuất hiện một trong hai dự án tiêu biểu về chủ đề môi trường của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Công nghệ Sydney, sử dụng công nghệ màng lọc (Membrane bioreactor system) chuyển hóa thành công rơm rạ thành khí sinh học được dùng để sản xuất điện năng vào nhiệt năng. Không chỉ thân thiện với môi trường, công nghệ này còn có chi phí vận hành thấp so với các công nghệ chuyển hóa bằng nhiệt độ cao và hóa chất.

Cùng với đó, đề án của nghiên cứu sinh từ Đại học Công Nghệ Sydney đã đề xuất ra một loại công nghệ thu hoạch tảo mới với giá thành phải chăng, phù hợp với nền kinh tế nước nhà. Công nghệ này cũng hạn chế tiêu thụ năng lượng, chiếm 20% so với các giải pháp đang được thực hiện và không đòi hỏi các loại máy móc, kĩ thuật phức tạp.

Tuy nhiên, để một đề án nghiên cứu tại nước ngoài có khả năng ứng dụng cao tại Việt Nam cần thỏa mãn nhiều yếu tố. Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cần quan tâm đến khả năng phù hợp và tính chất khác nhau của thị trường Việt Nam như: Khả năng hấp thụ, sử dụng công nghệ mới ở Việt Nam là khá cao; Có rất nhiều ngành mà hiện tại chưa có quá nhiều doanh nghiệp lớn có thể khai thác và có giải pháp đột phá để tham gia thị trường như năng lượng, y tế; Tỷ lệ dân số trẻ, tốc độ truy cập internet ở Việt Nam cao. Vì vậy các công trình nghiên cứu dựa trên việc áp dụng internet, nền kinh tế số có tiềm năng phát triển rất lớn.

Việt Nam hiện tại đang tham gia Hiệp định Thương mại Tự do với rất nhiều khối, với trên 60 quốc gia và trên 200 thị trường xuất khẩu. Vì vậy, những đề án nghiên cứu cho phép lan tỏa các sản phẩm Việt Nam sản xuất, chất lượng tốt, xâm nhập được thị trường xuất khẩu nước ngoài sẽ có khả năng ứng dụng cao tại Việt Nam”, ông Cương nhấn mạnh.

Còn theo Giáo sư Nghiêm Đức Long, Kỹ sư môi trường, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Nước và Nước thải thuộc Đại học Công Nghệ Sydney, để có một sản phẩm hay dịch vụ hữu ích, thực tiễn trong cuộc sống, cần có những giải pháp đơn giản có thể áp dụng trong nhiều điều kiện và hoàn cảnh. 

Đổi mới sáng tạo có thể chia ra làm 3 mảng lớn: sản phẩm, cách thức tiếp cận thị trường và mô hình kinh doanh. Mỗi mảng lại có thể chia ra thành những phần nhỏ cụ thể hơn. Các quốc gia đều có đặc thù riêng của mình, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam nên tập trung vào các vấn đề và đặc thù của Việt Nam. Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, kiến thức và sản phẩm nghiên cứu từ các nước khác cũng có thể áp dụng được ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số thay đổi để phù hợp với điều kiện Việt Nam có thể sẽ cần thiết.

Không chỉ vậy, chương trình còn nhận được sự chia sẻ về những góc nhìn đa chiều trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống thực tiễn và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu từ những chuyên gia đầu ngành như Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Nghĩa, Nhà sáng lập Anscenter, với mục tiêu đơn giản hoá quy trình thiết kế và triển khai trí tuệ nhân tạo để đẩy nhanh tích hợp vào công nghiệp; bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc tài chính kiêm Chủ tịch Hoạt động tại Việt Nam của AREVO, một công ty tạo ra những tiến bộ trong khoa học vật liệu, in 3D, phần mềm và robot để tự động hóa sản xuất cấu trúc polymer gia cố bằng sợi carbon (CFRP); ông Dimitry Trần, Nhà đồng sáng lập công ty Harrison.ai, một startup trí tuệ nhân tạo (AI) về y tế đã gọi được 20 triệu USD vốn đầu tư từ chuỗi bệnh viện Ramsay Health Care lớn thứ ba toàn cầu và nhiều quỹ mạo hiểm danh tiếng của thế giới.

Trong khuôn khổ sự kiện, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt - Úc còn đưa ra những lời khuyên và các mẹo nhỏ để thí sinh tham dự có thể làm video giới thiệu đề án một cách hiệu quả nhằm truyền tải đầy đủ thông điệp, tầm nhìn của đề án nghiên cứu đến các nhà đầu tư và cộng đồng.

Hiện tại, sự kiện Innovation Expo 2020 vẫn đang tiếp tục thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu Việt Nam tham gia trên toàn nước Úc, cũng các nhà đầu tư tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Có gì tại triển lãm khoa học và công nghệ đầu tiên dành cho người Việt tại Úc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO