Phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng và là động lực chính đảm bảo doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Chương trình Festival Khởi nghiệp năm nay được tổ chức bao gồm nhiều hoạt động: Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ 9 năm 2024; Công bố các dự án xuất sắc của Chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia, trao danh hiệu đơn vị tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và Phát động Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2025.
Điều phối phiên thảo luận với nội dung chính: "Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp", Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp khẳng định:
Đối với khởi nghiệp, có 2 yếu tố rất quan trọng là nguồn vốn và nhân lực cho hoạt động khởi nghiệp. Hôm nay sự kiện có sự góp mặt của đại diện một số tổ chức thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, cùng một số địa phương cũng như tổ chức quốc tế để có thể trao đổi những thông tin về khởi nghiệp đang diễn ra hiện nay. Chương trình khởi nghiệp quốc gia của VCCI bắt đầu từ năm 2022, suốt trong những năm qua sinh viên các trường đại học vẫn là những đối tượng chính của chương trình này. Tuy nhiên, từ năm 2017, Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 1665) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 30/10/2017 giao Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xin đặt câu hỏi với ông Trần Văn Đạt – Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên – Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian qua Chương trình 1665 cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chính sách gì để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học?
Ông Trần Văn Đạt – Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, khởi nghiệp là một vấn đề xã hội rất được quan tâm hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục - nơi đang quản lý hơn 25 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của khởi nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng ngành giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Cho đến nay, khởi nghiệp của cả nước nói chung và trong các trường đại học nói riêng đã có bước tiến rất quan trọng theo hướng thực chất hơn, đóng góp cho xã hội ở góc độ nhất định.
Đối với ngành giáo dục đào tạo từ khi có Chương trình 1665 đến nay Bộ đã triển khai rất nhiều việc đã giúp ích rất nhiều cho học sinh sinh viên.
Thứ nhất, quan tâm đến truyền thông của khởi nghiệp. Bởi vì đối với học sinh sinh viên đây là vấn đề xa lạ, do đó cần phải truyền thông để tất cả học sinh sinh viên nắm rõ từ đó quan tâm và yêu thích. Chúng tôi đã có trang thông tin điện tử 1665, ở đây có rất nhiều thông tin, sự kiện diễn đàn…
Thứ hai, tổ chức các cuộc thi để học sinh sinh viên tham gia, có những dự án sau khi cuộc thi kết thúc đã nhận được rất nhiều đầu tư.
Cùng với đó là đưa khởi nghiệp vào chương trình giáo dục đào tạo trong nhà trường. Cho đến nay có hơn 60% trường đã đưa khởi nghiệp vào chương trình học, có thể môn tự chọn hoặc bắt buộc. Bộ có thí điểm xây dựng không gian khởi nghiệp ở đại học bách khoa, đại học huế, và đại học sư phạm kỹ thuật TP HCM. Cùng với đó, các trường THPT cũng có lồng ghép phần khởi nghiệp trong đó. Khởi nghiệp trong giáo dục không chỉ tập trung vào đại học mà còn có cả trung học phổ thông, trung học cơ sở.
Quan trọng nhất đó là xây dựng hành lang pháp lý cho khởi nghiệp trong giáo dục. Đó là những nội dung cốt yếu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện trong thời gian qua.
TS. Từ Minh Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia (NSSC), Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học Công nghệ - NATEC (Bộ KHCN) chia sẻ: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2016 đến nay đã được gần 9 năm tổ chức triển khai. Kết quả và tác động của đề án là nhận được sự vào cuộc, quan tâm không chỉ của Bộ Khoa học và Công nghệ, của các địa phương, mà còn có sự quan tâm của các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội.
Bức tranh khởi nghiệp ngày càng được mở rộng, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, vì vậy Đề 844 là đề án xây dựng hệ sinh thái, chứ không chỉ hỗ trợ một loại hình doanh nghiệp mới.
Vừa qua Bộ KH&CN đã tập trung thiết kế, xây dựng, phát triển các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho các trường đại học, viện nghiên cứu, phát triển năng lực cho các tổ chức ươm tạo và nhấn mạnh liên kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái đó.
Ông Từ Minh Hiệu chia sẻ thêm, chúng ta cũng đặt ra vấn đề về liên kết nguồn lực như thế nào khi các tổ chức khác nhau cùng hợp lực lại, để các nguồn lực không bị trùng lặp và sử dụng một cách hiệu quả. Đồng thời, tạo thành mạng lưới bởi vì khởi nghiệp sáng tạo rất khó khăn, phải trải qua nhiều giai đoạn, từ hạt giống, ý tưởng ban đầu đến hình thành phát triển doanh nghiệp, sau đó là mở rộng. Trong chuỗi hành trình đó các startup không thể đứng một mình.
Chính vì vậy, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp thế giới tiên tiến như các chương trình ươm tạo thúc đẩy kinh doanh thì đều cần nguồn lực cả bên trong và bên ngoài hỗ trợ từ câu chuyện liên quan đến hoàn thiện mô hình kinh doanh hỗ trợ nguồn lực kể cả về tài chính từ cho vay thậm chí là hỗ trợ tài chính không hoàn lại rồi đầu tư mạo hiểm đều là sự liên kết các nguồn lực với nhau.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng kết nối các nguồn lực đặc biệt là quốc tế thông qua các hoạt động như Techfest, đưa các startup của Việt Nam đi thi ở các đấu trường quốc tế, kết nối các mạng lưới tri thức kiều bào phối hợp với Bộ Ngoại giao, để hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, hay việc kết nối với hàng chục đối tác quốc tế khác nhau.
"Từ phía Bộ KH&CN, chúng tôi tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý, chính sách, phát triển các chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái nói chung như phát triển khai thác các nguồn lực từ sở hữu trí tuệ, phối hợp với các địa phương. Đặc biệt từ năm ngoái đến năm nay là lần đầu tiên ba địa phương lớn nhất ở nước ta đều có chính sách thí điểm rất đột phá ở cấp Luật, Nghị quyết Quốc hội, trong đó có phần rất lớn cho cơ chế chính sách, ưu đãi đặc thù cho khởi nghiệp sáng tạo”, ông Hiệu chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Đồng Mạnh Cường, Trưởng bộ môn Kinh doanh, Tài chính Kế toán của trường Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam - British University (BUV), chia sẻ rằng trường luôn đặt mục tiêu đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là trọng tâm trong chiến lược đào tạo.
BUV không chỉ sử dụng các giáo trình quốc tế mà còn tích hợp những kiến thức phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện về kinh doanh và khởi nghiệp.
Ông nhấn mạnh rằng việc phát triển tư duy sáng tạo là rất quan trọng, và sinh viên cần sẵn sàng đối mặt với thất bại và rủi ro để có thể tìm ra những giải pháp đột phá. Điều này giúp sinh viên có thể nêu lên ý tưởng và quan điểm cá nhân một cách mạnh mẽ và khác biệt.
Trường BUV cũng đặc biệt chú trọng vào việc khởi nghiệp với các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, bao gồm việc đưa môn học Khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số khó khăn, như việc thiếu các tài liệu giáo trình chuyên sâu về các vấn đề thuế, bảo hiểm và các khía cạnh khác liên quan đến khởi nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, BUV đã tích hợp các kiến thức này vào các môn học khác nhau, tổ chức các buổi ngoại khóa, các chương trình chuyên biệt và các khóa học ngắn hạn, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên tham gia thực tập và học hỏi từ môi trường làm việc thực tế, từ đó phát triển các ý tưởng khởi nghiệp.
TS Đồng Mạnh Cường khẳng định rằng, với những nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới chương trình đào tạo và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, BUV đang tạo ra một môi trường học tập năng động, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển kỹ năng thực tiễn.
Những cơ hội học hỏi từ thực tế và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chương trình chuyên biệt sẽ giúp sinh viên tự tin chinh phục các thử thách và đưa ý tưởng khởi nghiệp của mình trở thành hiện thực.
Ở góc độ lãnh đạo địa phương, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã bày tỏ niềm vui khi VCCI trong thời gian qua đã xây dựng và thúc đẩy một cộng đồng doanh nghiệp tự tin và mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên đổi mới.
Ông khẳng định: Là một tỉnh có nền tảng phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Đồng Tháp từ lâu đã gắn liền với hình ảnh của những người nông dân cần mẫn và sáng tạo.
Tinh thần khởi nghiệp tại Đồng Tháp khởi nguồn từ công cuộc khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, biến nơi đây thành một vựa lúa trù phú của cả nước.
Tiếp nối tinh thần này, Đồng Tháp đang hướng tới một giai đoạn mới: nâng cao giá trị nông nghiệp thông qua các chuỗi giá trị hiện đại hơn. Mục tiêu là giúp người dân không chỉ trồng lúa mà còn khai thác tối đa giá trị từ sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm thu nhập và cơ hội phát triển bền vững.
Với quan điểm “Khởi nghiệp là khởi đầu của nghề nghiệp", Đồng Tháp chú trọng đơn giản hóa quy trình và khái niệm khởi nghiệp để người dân, đặc biệt là nông dân, có thể dễ dàng tiếp cận. Tinh thần khởi nghiệp được phổ biến rộng rãi, không giới hạn lứa tuổi, vùng miền, giới tính hay trình độ kiến thức. Mọi người từ nông dân lớn tuổi đến những bạn trẻ đam mê đổi mới đều có cơ hội tham gia và hiện thực hóa ý tưởng.
Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất mà Đồng Tháp phải đối mặt là tâm lý tiểu nông e ngại chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, Đồng Tháp đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên phải thay đổi cái tư duy lớn nhất, mạnh dạn phát huy từ nguồn tài nguyên bản địa. Thông qua những chương trình vào cuộc của hệ thống chính trị để tạo niềm tin cho nông dân thực hiện khởi nghiệp.
Theo ông Nghĩa, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, Đồng Tháp đã sáng lập những tổ chức hỗ trợ đặc biệt, điển hình như mô hình Hội quán nông dân và Café doanh nghiệp... Đây là nơi kết nối những cá nhân, tổ chức có ý tưởng sáng tạo, giúp họ gặp gỡ, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp, tạo sân chơi và cơ hội để người dân trình bày ý tưởng và hiện thực hóa chúng. Những sáng kiến này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng nông dân hiện đại, tự tin và gắn bó hơn với vùng đất quê hương.
Khởi nghiệp tại Đồng Tháp không chỉ dừng lại ở mục tiêu kinh tế mà còn là một cuộc cách mạng về tư duy và cách làm, đưa nông nghiệp lên tầm cao mới.
Với nền tảng sẵn có cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức, chính quyền và doanh nghiệp, Đồng Tháp hứa hẹn sẽ tiếp tục là hình mẫu đi đầu trong phong trào khởi nghiệp nông nghiệp bền vững của cả nước.
Chia sẻ về kinh nghiệm từ quốc tế, ông Yayren Teo - Giám đốc Điều hành Mạng lưới Khởi nghiệp Singapore - GEN Singapore chia sẻ, từ khi còn rất trẻ ông đã đặt ra câu hỏi băn khoăn rằng làm thế nào để chúng ta tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp, mà người trẻ có thể đến đó chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm cùng nhau.
Vì vậy, cần thiết phải sáng lập một hội đồng đưa ra các chương trình liên quan đến cố vấn, tư vấn giúp các bạn học sinh sinh viên có thể khởi nghiệp. Vào năm 2016, hội đồng này đã trở thành một tổ chức quốc tế, thu hút được rất nhiều đối tượng học hỏi liên quan tới khởi nghiệp sáng tạo đến với Singapore.
“Chúng tôi hy vọng thông qua đó sẽ tìm kiếm những dự án tiềm năng về khởi nghiệp và trao cho các bạn cơ hội về nguồn vốn để xây dựng doanh nghiệp trong tương lai”, ông Yayren chia sẻ.
Về sơ đồ liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore năm 2017, ông Yayrren cho biết số lượng công ty ở đây lên tới 1.100 công ty. Để có thể đạt được những thành tựu như vậy cần có sự hợp tác không chỉ giữa Chính phủ, giữa các đối tác liên quan, mà còn cần các tổ chức về tài chính, học thuật, cùng phối hợp với nhau trong hành trình này.
Thông qua hệ sinh thái này, các tổ chức khởi nghiệp có thể hiểu được những cơ chế hoạt động, văn hóa của hệ sinh thái từ đó sẽ hợp tác với nhau tốt hơn. Singapore không có nhiều dân số như Việt Nam, chỉ có khoảng 6 triệu dân, vì vậy rất cần chính sách của Chính phủ để hỗ trợ cho công dân trong quá trình khởi nghiệp.
Một trong những điều chính phủ Singapore tập trung là làm là tạo điều kiện không gian chính sách cho những tài năng liên quan đến lĩnh vực công nghệ có cơ hội được phát triển. Singapore cũng có các công ty kỳ lân về công nghệ chiếm một nửa trong khu vực Đông Nam Á.
“Năm 2023, Singapore xếp hạng số 8 về môi trường kinh doanh với rất nhiều ưu thế liên quan đến quỹ đầu tư, kinh nghiệm phát triển nhân lực trong lĩnh vực công nghệ, hay nghiên cứu về thị trường. Chúng tôi cũng có rất nhiều chương trình giải thưởng để hỗ trợ khuyến khích cho các nhân tài phát triển trong lĩnh vực của họ.
Đến năm 2024 Singapore đã vươn lên vị trí cao hơn so với năm ngoái là xếp thứ 7 với chương trình GEN Program. Giá trị tổng hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore đạt 144 tỷ đô la Mỹ và những con số xung quanh liên quan, cũng chứng minh Singapore là một môi trường khởi nghiệp rất thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực công nghệ.
Một trong những chính sách tiếp theo của Singapore đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp chính là chính sách liên quan đến ưu đãi về thuế. Nếu trong 3 năm đầu tiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nhận được những khoản giảm trừ thuế từ 5 -15%, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơngiúp tạo ra giá trị và tận dụng các nguồn doanh thu của mình”, Giám đốc Điều hành Mạng lưới Khởi nghiệp Singapore chia sẻ.
Rõ ràng, để có một hành trình khởi nghiệp suôn sẻ và thuận lợi, ngoài tiềm lực kinh tế và trình độ, công nghệ sản xuất… các startup cũng rất cần chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức về quản trị nhân sự; tích lũy kinh nghiệm từ các tình huống thực tế cũng như biết vận dụng cách thức quản lý sao cho linh hoạt và hiệu quả.
Với thực tế hiện nay, đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, hành trình ấy dù còn nhiều thách thức, nhưng Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia hy vọng với các gợi mở của các diễn giả qua phiên thảo luận sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp tìm ra hướng đi và giải pháp cho mình.