Việc hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia liên tiếp “đổ bộ” vào Nghệ An trong thời gian vừa qua để đầu tư sản xuất đã mở ra cơ hội cực kỳ lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh này…
Theo đánh giá của Sở Công Thương Nghệ An, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn nhìn chung vẫn còn yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Do vậy, tập trung phát triển các doanh nghiệp CNHT có tiềm năng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNHT… là mục tiêu mà địa phương đang hướng đến.
Nhờ những đột phá trong cơ chế chính sách phát triển, quy hoạch hệ thống cơ sở ngày càng đồng bộ, hiện đại, cho nên bức tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nghệ An từ đầu năm đến nay ghi nhận nhiều điểm sáng nổi bật; liên tiếp nằm trong “tốp đầu” các tỉnh, thành phố trong nước.
Cụ thể, theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2023, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư FDI hơn 1,4 tỷ USD; với 16 dự án đầu tư mới và điều chỉnh cho 10 dự án. Đây cũng lần đầu tiên địa phương này vượt mốc thu hút vốn FDI trên 1 tỷ USD và vươn lên xếp thứ nhất khu vực miền Trung về thu hút FDI, khẳng định vị thế vượt trội hơn hẳn so với các địa phương lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…
Đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đã có sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu về các lĩnh vực công nghệ, năng lượng xanh, linh kiện điện tử, điển hình như: Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Sunny, Runergy, Shandong. Trong số đó phải kể đến nhà đầu tư Foxconn Interconnect Technology Singapore PTE.LTD thuộc tập đoàn Foxconn, một đối tác hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Apple với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD vào Khu công nghiệp WHA ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, còn có 2 tập đoàn kinh tế lớn khác là Luxshare – ICT đầu tư 4 dự án với tổng vốn đăng ký là 359 triệu USD và Everwin đầu tư 1 dự án với tổng vốn đạt 200 triệu USD, dự kiến tăng vốn lên 400 triệu USD…
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 131 dự án của các nhà đầu tư đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4 tỷ USD. Nổi bật nhất vẫn là Khu công nghiệp VSIP Nghệ An với tổng vốn đầu tư lên đến 23.497,8 tỷ đồng, tương đương 1.012,8 triệu USD; trong đó có 24 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ USD, góp phần tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương…
Có thể thấy, những con số nêu trên đã thể hiện rất rõ sự nỗ lực của các cấp ngành, chính quyền tỉnh Nghệ An trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút dòng vốn đầu tư, nhất là dòng vốn FDI chất lượng cao.
Lý giải về những kết quả nổi bật trong hoạt động thu hút đầu tư FDI, trong một phiên họp thường kỳ của HĐNĐ tỉnh Nghệ An vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng đó là nhờ thái độ của tỉnh đối với các nhà đầu tư đang được đánh giá tốt. Thời gian giải quyết thủ tục đối với nhà đầu tư rất nhanh gọn, đơn cử như việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology của Trung Quốc chỉ trong vòng 5 ngày làm việc.
Bên cạnh những chuyển động rất tích cực trong thu hút dòng vốn FDI, mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, địa phương này hiện đang yếu và thiếu về lĩnh vực CNHT cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng kịp thời cho các doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn.
Cụ thể, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất ở Nghệ An cho biết: Hiện nay, nhu cầu về nguyên phụ liệu, linh kiện phụ trợ là rất lớn, tuy nhiên, năng lực các nhà cung ứng trong nước chưa thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất nên đa phần nguyên vật liệu chúng tôi đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong một báo cáo gần đây của Sở Công Thương tỉnh Nghệ An về CNHT, toàn tỉnh có khoảng 81 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNHT, chiếm 5,58% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp, Trong đó, số doanh nghiệp CNHT nội địa chiếm số lượng lớn với 72 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; thế nhưng chủ yếu là những đơn vị có quy mô nhỏ thuộc các ngành gia công cơ khí, sản xuất bao bì chứ chưa có lĩnh vực nào đủ lớn để đáp ứng nguồn cầu nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, CNHT trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn yếu và thấp hơn mức bình quân của cả nước, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. “Thiếu các cơ sở sản xuất nguyên, vật liệu cơ bản như thép chế tạo, nguyên liệu nhựa, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản, linh kiện ô tô,… Trình độ công nghệ và năng lực về vốn, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, phạm vi thị trường rất hạn chế”- báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An nêu rõ.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, trong thời gian qua, cùng với hàng loạt chính sách thúc đẩy, ưu đãi được ban hành, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhanh chóng và đạt được những thành tựu nhất định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh; giải quyết nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Cụ thể, thực hiện chương trình phát triển CNHT, Nghệ An đã thu hút được một số dự án sản xuất CNHT quy mô vốn lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh, chủ yếu là doanh nghiệp doanh nghiệp vốn FDI và đặt nền móng phát triển, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa một số lĩnh vực như: Điện tử, công nghệ thông tin, may mặc, cơ khí,... Bước đầu đã hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư FDI, đón sóng CNHT tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm