Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm được Nghệ An thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển…
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, trong 2 năm trở lại đây, tỉnh này đã đưa bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) vào kế hoạch phát triển của tỉnh. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp Nghệ An ngày càng nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
“Điểm nhấn” DDCI…
Năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Nghệ An tổ chức công bố bộ chỉ số DDCI đánh giá năng lực của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Kết quả được thể hiện dựa trên tổng hợp ý kiến của 2.123 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn theo 2 hình thức điều tra, khảo sát trực tiếp và trực tuyến; trong đó có 1.268 phiếu đánh giá khối địa phương và 855 phiếu đánh giá khối các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
>>VCCI miền Trung – Tây Nguyên kiến nghị nhiều giải pháp cải thiện chỉ số DDCI Quảng Nam
Mức độ hoàn thành công việc của từng cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh cũng được DDCI Nghệ An đánh giá thông qua từng chỉ số cụ thể, bao gồm các chỉ số: Gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính; tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định của pháp luật; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; hiệu lực thiết chế và an ninh trật tự; tiếp cận đất đai.
Là đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng ở khối địa phương, huyện Nghi Lộc là minh chứng rõ nét nhất thể hiện sự đánh giá khách quan của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển.
Cụ thể, đơn vị này liên tiếp xếp thứ nhất về các chỉ số thành phần như: Hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh (8,47 điểm); tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin (8,51 điểm); chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật (8,42 điểm); tính năng động và hiệu lực của chính quyền địa phương (8,64 điểm).
Hiện nay, Nghi Lộc cũng là địa phương được tỉnh Nghệ An xác định là vùng trọng điểm về thu hút đầu tư khi có 9 xã nằm trong Khu kinh tế Đông Nam, cùng với đó là hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại khi bao gồm các tuyến trọng điểm như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7C, Quốc lộ 46, đường D4… với nhiều khu công nghiệp, cảng biển lớn trên địa bàn. Nhờ vậy, mặc dù chịu nhiều biến động, khó khăn chung, thế nhưng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các nhà máy, công ty, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của huyện Nghi Lộc trong năm 2022 vẫn đạt khoảng 14.500 tỷ đồng; đồng thời giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động địa phương.
Để có được thành quả đó, suốt thời gian qua, những người đứng đầu huyện nhận thức rất rõ doanh nghiệp chính là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. Do vậy, từ các phòng chuyên môn cấp huyện đến từng cơ sở của Nghi Lộc đã luôn nỗ lực hết sức trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, thực hiện tốt chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Đồng thời, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tiếp tục triển khai nhân rộng một số mô hình, ứng dụng hiệu quả.
>>Vì sao Cục Thuế Nghệ An xếp cuối bảng DDCI?
Trong báo cáo đánh giá kết quả DDCI Nghệ An năm 2022 nhận xét rằng, huyện Nghi Lộc là địa phương có nhiều cải cách trong chi phí thủ tục hành chính và tuân thủ pháp luật. “Áp dụng các mô hình cải cách hành chính thiết thực và nâng cao đạo đức công vụ là 2 giải pháp được Nghi Lộc theo đuổi trong một hành trình dài cải cách thủ tục hành chính, giảm các chi phí thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật”, DDCI Nghệ An nêu rõ.
Cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp
Trong khuôn khổ buổi công bố kết quả DDCI Nghệ An năm 2022 vào đầu tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mong muốn các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cần nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của chỉ số DDCI đối với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thẳng thắn nhìn nhận vào kết quả cuộc khảo sát để cải thiện đối với những chỉ số chưa đạt yêu cầu và để nâng cao chỉ số của các sở, ngành, địa phương thông qua kết quả đã đạt được.
Từ đó mới có thể tạo được bước chuyển đầy tích cực trong hành động, thực hiện nhiệm vụ, giải quyết các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên tinh thần “lắng nghe, thấu hiểu; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; gắn bó, chia sẻ với doanh nghiệp; coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh để giải quyết…
>>DDCI: “Chìa khóa” giúp Điện Biên nâng cao chỉ số PCI
Có thể thấy rõ những nỗ lực của toàn tỉnh trong năm 2022 vừa qua đã được đền đáp bằng những kết quả rất tích cực về thu hút đầu tư, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Cụ thể, trong báo cáo thống kê từ đầu năm đến nay, Nghệ An là địa phương dẫn đầu các tỉnh, thành phố lân cận ở khu vực miền Trung với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,3 tỷ USD; ước thực hiện đến hết năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Kiên định với phương châm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa qua, Nghệ An cũng đã ban hành kế hoạch xây dựng, khảo sát, đánh giá bộ chỉ số DDCI năm 2023 với mục đích là nhằm phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm điều hành của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị; để từ đó thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Nghệ An, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể, đó là: Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự cạnh tranh, thi đua và đánh giá về chất lượng điều hành quản lý giữa các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; nâng cao hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
Đồng thời, tạo kênh thông tin tin cậy và rộng rãi, minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bộ máy sở, ban, ngành và cấp huyện. Trên cơ sở kết quả DDCI, nghiên cứu giải pháp để nâng cao PCI những năm tiếp theo.
Theo dự kiến, kết quả được thể hiện dựa trên tổng hợp ý kiến từ 3.000 – 3500 mẫu khảo sát theo 2 phương pháp khảo sát trực tiếp và trực tuyến. Việc khảo sát, lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Có thể bạn quan tâm
Loạt công trình nghìn tỷ và dịch vụ 5 sao nâng tầm du lịch Nghệ An phát triển
09:55, 01/12/2023
Nghệ An tạo nhiều “hat - trick” thu hút dòng vốn FDI
14:50, 29/11/2023
Nghệ An tạo “điểm nhấn” để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
02:00, 03/12/2023
Nghệ An loay hoay với tiềm năng kinh tế vùng núi Tây Nam
15:32, 01/12/2023