Bức tranh toàn cảnh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI từ đầu năm đến nay cho thấy sự bứt phá vượt trội của Nghệ An khi liên tục đón thêm “tín hiệu vui” đến từ nhà đầu tư lớn đến từ nhiều quốc gia.
Theo đó, trong khuôn khổ buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An diễn ra vào ngày 28/11 vừa qua, Công ty Radiant Opto - Electronic Corp đến từ Đài Loan dự kiến lựa chọn Khu công nghiệp VSIP Nghệ An để nghiên cứu địa điểm và đề xuất đầu tư dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 120 triệu USD; quy mô sử dụng đất khoảng 8,2ha. Dự kiến cuối năm 2024, dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động.
Nhiều "đại bàng" dịch chuyển về Nghệ An
Công ty Radiant Opto - Electronic Corp là một doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất linh kiện quang học, tấm dẫn hướng ánh sáng, modun hình nền, lắp ráp modun tinh thể lỏng... Với gần 30 năm xây dựng và phát triển, doanh nghiệp này có nhiều nhà máy hoạt động tại Đài Loan, Trung Quốc và đang là đối tác chiến lược quan trọng của những tập đoàn công nghệ lớn như: Foxconn, Apple, LG...
>>Miền Trung “show” lợi thế hút vốn FDI từ Hàn Quốc
Lãnh đạo Công ty Radiant Opto-Electronic Corp thông tin rằng, trong định hướng 30 năm tới, Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng là địa điểm để công ty phát triển ổn định, lâu dài. Việc công ty lựa chọn Nghệ An là nơi đầu tư dự án vì đây là địa phương có nguồn nhân lực tốt, chính sách thương mại toàn cầu linh hoạt. Hy vọng rằng, doanh nghiệp và chính quyền sẽ cùng nhau sát cánh để cùng phát triển
Có thể thấy, nếu đúng như dự kiến, Nghệ An sẽ tiếp tục nối dài danh mục các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào địa phương, đồng thời khẳng định vị thế vượt trội so với các “hàng xóm” ở khu vực miền Trung như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… về thu hút vốn FDI ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và công nghệ.
Bởi lẽ, đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đã có sự hiện diện của 8 tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ, năng lượng xanh hàng đầu thế giới, bao gồm: Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Sunny, Runergy, Shandong. Trong số đó, nổi bật nhất là 2 tập đoàn kinh tế lớn Luxshare – ICT đầu tư 4 dự án với tổng vốn đăng ký là 359 triệu USD và Everwin đầu tư 1 dự án với tổng vốn đạt 200 triệu USD, dự kiến tăng vốn lên 400 triệu USD…
Do vậy, nếu thêm sự góp mặt của Công ty Radiant Opto - Electronic Corp, địa phương này sẽ khẳng định vị thế, trở thành một trong những trung tâm sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử và công nghệ hàng đầu của cả nước chứ không chỉ riêng ở khu vực miền Trung.
>>Toan tính của Trung Quốc khi “tháo rào” cho FDI
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An bày tỏ vui mừng khi Công ty Radiant Opto - Electronic Corp lựa chọn Khu công nghiệp VSIP Nghệ An là nơi đầu tư và qua đó góp phần hình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ hàng đầu của khu vực. Đồng thời, tin tưởng rằng Công ty Radiant Opto - Electronic Corp sẽ thành công trong việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Thành quả nhờ phương châm “5 sẵn sàng”
Dựa theo biểu đồ FDI trong 11 tháng năm 2023 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vừa qua, Nghệ An đang dẫn đầu các tỉnh, thành phố lân cận ở khu vực miền Trung với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,3 tỷ USD, ước thực hiện đến hết năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Về tổng thể chung, hiện trên địa bàn có 131 dự án của các nhà đầu tư đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4 tỷ USD. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp nói tiếng Trung khá lớn với 52 dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 2,6 tỷ USD, chiếm 2/3 tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh.
Riêng tại VSIP Nghệ An, đại diện khu công nghiệp này cho biết: Tính đến giữa tháng 11/2023, tổng vốn đầu tư đạt 23.497,8 tỷ đồng, tương đương 1.012,8 triệu USD; trong đó có 24 dự án đầu tư nước ngoài FDI với tổng vốn đăng ký lên đến 948,4 triệu USD.
>>“Tính toán” lại chính sách thu hút đầu tư FDI
Hiện, khu công nghiệp đã thu hút 42 nhà đầu tư (43 dự án), với diện tích đất cho thuê gần 238ha trên tổng diện tích đất xây dựng nhà máy 250,63ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 95%. Trong số 43 dự án ở VSIP Nghệ An thì có 27 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho gần 16.000 lao động địa phương. Còn 7 nhà đầu tư khác thì đang trong quá trình xây dựng nhà máy, 9 nhà đầu tư còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang thực hiện thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng.
Dự kiến khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An sẽ thu hút khoảng hơn 60.000 lao động địa phương.
Lý giải về những thành quả trong thu hút đầu tư FDI trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương đã thực hiện tốt phương châm “5 sẵn sàng”, đó là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ.
Thực hiện phương châm này, Nghệ An xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI...
Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính sớm hơn 20% so với quy định với những hồ sơ nộp trực tuyến và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chậm trễ. Bên cạnh những nỗ lực về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hệ thống hạ tầng của Nghệ An cũng đang ngày càng hiện đại và đồng bộ; góp phần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn ở các nước có nền kinh tế mạnh quan tâm, tìm hiểu và đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp nào giúp ngành dệt may ở Nghệ An khởi sắc?
05:29, 28/11/2023
Nghệ An: Hàng lậu có dấu hiệu “nở rộ” dịp cuối năm?
02:50, 23/11/2023
Nghệ An: WB tiếp tục "bơm vốn" hơn trăm triệu USD để nâng tầm đô thị Vinh
01:42, 29/11/2023
Nghệ An đặt nhiều kỳ vọng vào kinh tế vùng ven biển
07:27, 21/11/2023