PGS.TS. Đặng Văn Thanh nhấn mạnh, Nhà nước cần có sự điều hành một cách thống nhất TTCK Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang điều hành trên nền tảng số.
>>CƠ HỘI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN: Chọn cổ phiếu phòng thủ hay đầu tư phòng thủ?
Thảo luận tại Toạ đàm “Đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 29/06/2020, nhiều nhà đầu tư đã đặt ra câu hỏi, chứng chỉ quỹ ngày càng phổ biến trên thị trường nhưng nhà đầu tư cần lưu ý gì khi tham gia?
Trả lời cho câu hỏi này, bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK VNDirect cho biết, chứng chỉ quỹ là một trong những công cụ đầu tư chuyên nghiệp, giúp cho nhà đầu tư cá nhân không có nhiều thời gian, nhiều kiến thức để được tham gia thị trường.
Ở các nước như Thái Lan hay Malaysia, đây là những thị trường có tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia rất cao và sản phẩm chứng chỉ quỹ của họ cũng rất phát triển. Bởi vì ở đó nhà đầu tư cá nhân sẽ quản lý được sự minh bạch do các công ty quản lý Quỹ thường là những đơn vị có đội ngũ quản lý, phân tích chuyên nghiệp, có thể đánh giá, tham gia, tìm hiểu sâu vào những doanh nghiệp họ đầu tư. Đồng thời có các công bố thông tin thường xuyên. Hầu như hàng tháng, các công ty chứng chỉ quỹ sẽ có thông tin rõ để giúp nhà đầu tư nắm bắt được mình đầu tư vào danh mục như thế nào.
“Mỗi công ty quản lý quỹ đều có chiến lược đầu tư nhất định và mỗi chứng chỉ quỹ đều hướng đến nhóm đối tượng khách hàng cụ thể. Vì thế tôi cho rằng, nhà đầu tư cần phải đọc kỹ thông tin về công ty quản lý quỹ, để xem chiến lược của họ ra sao, có định hướng đầu tư dài hạn hay nhóm cổ phiếu có cổ tức cao, hoặc đầu tư vào những nhóm cổ phiếu đầu ngành, thậm chí có những sản phẩm đầu tư chuyên biệt nghĩa là chỉ chuyên đầu tư vào một vài ngành nhất định.
Nhà đầu tư nên quan tâm đến những chiến lược này nhiều hơn là so sánh xem tỷ lệ lãi suất từ đầu tư chứng chỉ quỹ so với đầu tư trực tiếp trên thị trường. Nhìn lại các đợt biến động của thị trường vừa qua, một số công ty quản lý quỹ vẫn giữ được các chỉ số tốt hơn so với VNIndex, đó cũng là điều mà nhà đầu tư nên quan tâm”, bà Hiền phân tích.
>>CƠ HỘI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN: Chú trọng phát triển thị trường theo hướng bền vững
Cũng tại Toạ đàm, ông Nguyễn Đức Lâm, Trưởng nhóm đầu tư MBS kiến nghị, hiện nay giao dịch T+3 gây rủi ro cho nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán trồi sụt theo ngày, vì thế cần thiết phải đưa về giao dịch T+0. “Nhà đầu tư không biết sau 3 ngày mua cổ phiếu liệu có lãi hay không, dẫn đến giảm cuộc chơi của mọi người. Muốn tăng được thị trường buộc phải có T+0 thì nhà đầu tư mới dám mua, rủi ro họ có thể bán ngay trong ngày”.
Về vấn đề này, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường UBCKNN lý giải, theo thông lệ quốc tế, cũng áp dụng phổ biến chu kỳ thanh toán T+2 và T+3. Tuy nhiên, với thị trường chứng khoán thế giới, họ cho phép các giải pháp giao dịch như cho phép bán khống, cho phép sử dụng biện pháp mua bán trong ngày. Việc không phát sinh nghĩa vụ thanh toán cuối ngày như vậy làm giảm đi yêu cầu của nhà đầu tư về việc phải được bán chứng khoán ngay sau khi mua.
“Hiện nay, về mặt pháp lý, Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho những giải pháp giao dịch như vậy, bao gồm bán khống, mua bán trong ngày, hoặc bán chứng khoán đang trên đường về. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng có một nền tảng giao dịch mới để có thể hỗ trợ cho những giải pháp giao dịch đó được triển khai trên thực tế. Còn trước mắt, chúng ta sẽ cố gắng rút ngắn bớt chu kỳ thanh toán lại.
Ngoài ra, tôi muốn giải thích tại sao không thể thanh toán ngay, vì chúng ta không áp dụng thanh toán song phương từng giao dịch, mà thanh toán bù trừ dòng đa phương. Vậy nhanh nhất thì cuối ngày giao dịch, Sở giao dịch và trung tâm Lưu ký chứng khoán mới có thể thống kê được số lượng các giao dịch diễn ra, thực hiện bù trừ và tính toán ra số lượng chứng khoán, số lượng tiền cần phải chuyển giao của ngày hôm đó. Chúng tôi cũng đang nỗ lực cố gắng giảm hơn nữa thời gian nhưng trước mắt là rút bớt từng khâu trong quá trình thanh toán, mà như giải pháp tôi chia sẻ thì nó sẽ là khoảng T+1,5”, bà Bình nói.
Kết thúc toạ đàm, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, Toạ đàm hôm nay thực sự là diễn đàn mở, vấn đề đưa ra rất rộng. Tuy nhiên, các ý kiến của chuyên gia, cơ quan chức năng, các nhà đầu tư đã đưa ra được tổng thể về tình hình biến động trong và ngoài nước, từ đó đưa ra được dự báo và những khuyến nghị cho các nhà đầu tư.
Nhìn về thị trường chứng khoán ông Thanh cho rằng nên nhìn trong gian đoạn từ 2019-2021-2022 thì rõ ràng thị trường chứng khoán có bước phát triển, tuy rằng khả năng trồi sụt cao, đặc biệt là trong năm 2022. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng ông Thanh cho rằng, vấn đề lòng tin và cơ sở pháp lý (như Luật chứng khoán, các nghị định liên quan tới phát hành trái phiếu…) cần phải chặt chẽ hơn.
Nhà nước cần có sự điều hành một cách thống nhất TTCK Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang điều hành trên nền tảng số. Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính tích cực hoàn thích quản lý TTCK, tăng cường giám sát, thanh kiểm tra các hoạt động trên thị trường. Tôi tin tưởng rằng, với những điều này sẽ giúp cho TTCK khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
16:55, 29/06/2022
16:43, 29/06/2022
16:27, 29/06/2022
16:10, 29/06/2022