Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã và đang phục hồi khá tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên ưu tiên một nhóm ngành nào mà chỉ nên giải ngân một cách thăm dò.
>>Khối ngoại mua vào cổ phiếu GEX nhờ triển vọng kinh doanh cốt lõi
Với đà phục hồi vừa qua, VN-Index đã có thời điểm leo lên mức 1.099 điểm, với khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Tuần giao dịch trước là một trong những tuần mà thị trường chứng khoán (TTCK) có cú phục hồi vĩ đại. Thanh khoản tăng mạnh trên 70% cộng với biên độ cũng tăng mạnh lên 11%, nhiều nhóm cổ phiếu như bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng,... đều có mức bật hai con số đầy ấn tượng.
Xung lực tăng từ tuần trước đã giúp cho phiên giao dịch trên thị trường ngày 5/12 khá tích cực. Diễn biến này có thể tiếp tục kéo dài, đưa VN-Index lên ngưỡng kháng cự cao hơn, khoảng 1.128-1.140 điểm.
Có thể thấy nỗi lo sợ của nhà đầu tư đã không còn, thay vào đó là kỳ vọng lớn hơn. Nhiều nhà đầu tư tham gia trên thị trường thường sợ mua đuổi cổ phiếu nếu gặp một cú rơi, nhưng nếu không mua mà thị trường lại tiếp tục tăng thì sẽ bỏ lỡ cơ hội. Và để chiến thắng tâm lý này, chúng ta phải có một phương pháp đầu tư rõ ràng, có tầm nhìn dài hạn hơn.
Trong giai đoạn này, với xung lực tăng điểm từ tuần trước, nhà đầu tư có thể chia một phần tiền, tiếp tục giải ngân từ 20 - 25%. Khi thị trường giảm thì không giải ngân tiếp, nhưng cũng không nên đua lệnh trần mà chờ những nhịp chỉnh để mạnh dạn mua vào với tỷ trọng thấp sẽ an tâm hơn.
Vừa qua, có một số ngân hàng thương mại đã công bố giảm lãi suất cho vay, đây là thông tin rất tích cực với các doanh nghiệp và có thể là cú hích giúp các doanh nghiệp có nguồn tiền tốt hơn, từ đó tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất đang trong xu hướng tăng cao.
>>>VN-Index sẽ đạt 1.300-1.350 điểm trong nửa cuối 2023
Đặc biệt trong tháng 12 này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ công bố mức tăng lãi suất mới, giới chuyên gia nhận định mức tăng của FED khoảng 0,5% sau bốn lần tăng 0,75%. Đây có thể là xu hướng chung để tiếp tục duy trì đà phục hồi kinh tế và được coi như một cú “hạ cánh mềm” của Mỹ. Ngược lại, nếu FED có sự đột biến tăng 0,75% lãi suất, thì cũng gây ra một cú sốc tác động đến thị trường, vì nhiều người vốn đang kỳ vọng mức tăng nhẹ nhàng hơn.
Trên thị trường ngoại hối, năm 2022, VND mất giá hơn 9% so với USD tính từ đầu năm; xu hướng mất giá này có thể kéo dài thêm, nhưng sẽ không lớn khi FED bắt đầu có hành động giảm nhiệt đà tăng lãi suất. Đồng thời tại Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng có những chính sách phù hợp, như NHNN đã hai lần tăng lãi suất điều hành và bán ra một lượng lớn ngoại hối. Trong thời gian tới, để ổn định tình hình này, việc mất giá của VND sẽ không bị đẩy lên cao, tỷ giá có thể ở mức 25.000 VND/USD và trong năm 2023 tỷ giá sẽ còn bình ổn hơn.
Đối với nhà đầu tư, trước khi xác định nắm giữ cổ phiếu thì phải đưa ra một mức cắt lỗ phù hợp, còn khi thị trường đang phục hồi thì họ phải xác định được mình đang ở vùng nào.
Chúng ta đã trải qua giai đoạn thị trường giảm hơn 10 tháng và mới chỉ hồi phục trong hai tuần trở lại đây, nhưng mức phục hồi cũng như thời gian phục hồi chưa nhiều so với khối lượng giảm điểm. Vì vậy, nếu các cổ phiếu trong danh mục đầu tư đang có sự hồi phục thì nhà đầu tư nên chờ đợi thêm.
Sau khi VN-Index vượt qua mốc một 1.080 điểm thì sẽ tăng lên một nhịp nữa là vùng 1.128 – 1.140 điểm. Do đó, nhà đầu tư cũng có thể hạ thấp danh mục khoảng 50% về tiền mặt; sau khi tâm lý lạc quan hơn, sẽ có những quyết định sáng suốt hơn trong đầu tư.
Trong giai đoạn phục hồi, mạnh nhất là những những nhóm ngành đã bị giảm sâu như thép, bất động sản. Và hai tuần gần đây có nhóm “cổ phiếu vua” là ngân hàng đang có dòng tiền chảy vào mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của khối ngoại liên tục mua ròng; tiếp đó là đến nhóm ngành chứng khoán.
Riêng nhóm bất động sản có nhiều mã cổ phiếu đã tăng gấp 2-3 lần, mức tăng 50-60% tính từ đáy khá nhiều. Nhưng trong một hai phiên trở lại đây, chúng tôi cũng khuyến nghị nhà đầu tư có thể giảm bớt tỷ trọng, vì các cổ phiếu đã có quá trình tăng trong thời gian ngắn sẽ không bền. Giai đoạn này, tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) đã làm cho cổ phiếu tăng một cách mạnh mẽ, tuy nhiên sau quá trình tăng như vậy sẽ có nhịp chỉnh, vì vậy chúng ta không nên mua vào.
Còn nhóm cổ phiếu ngân hàng từ đợt phục hồi trước vẫn chưa có mức tăng mạnh, song đây vẫn là nhóm “cổ phiếu vua” khi phục hồi và để đi đường dài, thì đây thực sự là nhóm dẫn dắt thị trường.
Với nhóm cổ phiếu dầu khí vừa qua cũng có sự bứt phá rất tốt. Tuy nhiên, không nên ưu tiên một nhóm ngành nào mà chỉ nên giải ngân một cách thăm dò.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, kết quả kinh doanh quý 3/2022 sụt giảm mạnh và trong quý 4 này cũng không tăng trưởng, thậm chí còn sụt giảm hơn. Bởi vì trong thời gian vừa qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán bị tác động từ việc bán giải chấp dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi thị trường phục hồi mạnh thì cũng không thể thiếu chứng khoán.n
Có thể bạn quan tâm