Chứng quyền đảm bảo (CW) vừa là sản phẩm đầu tư, vừa là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả với chi phí đầu tư thấp hơn các sản phẩm truyền thống là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ…
Theo ông Trần Văn Dũng-Chủ tịch UBCK Nhà nước, sản phẩm mới chứng quyền có đảm bảo (CW) sẽ chính thức ra mắt thị trường vào tháng 6 tới. Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị của cơ quan quản lý, cũng như các thành viên thị trường đã gần hoàn tất, sẵn sàng chuẩn bị cho ra mắt sản phẩm CW.
Hoàn thiện khung pháp lý cho CW
Ông Trần Văn Dũng cho biết, về khung pháp lý, UBCK Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn cuối cùng rà soát các quy chế hướng dẫn về CW trước khi chính thức ra mắt thị trường. Bộ Tài chính đã xây dựng các văn bản hướng dẫn về chế độ kế toán và chính sách thuế về CW.
Có thể bạn quan tâm
Về hệ thống giao dịch, HOSE cũng như các công ty chứng khoán thành viên đã hoàn tất 3 lần chạy thử nghiệm. Nhóm công ty chứng khoán dự kiến triển khai CW đợt đầu tiên bao gồm SSI, HSC, VND và MBS đã hoàn thiện hệ thống tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro; chuẩn bị đầy đủ về nhân sự, quy trình nghiệp vụ. Hiện các thành viên đang tích cực mở rộng kế hoạch đào tạo về sản phẩm đến nhà đầu tư.
Do CW là sản phẩm mới, có tính đòn bẩy cùng khả năng sinh lời cao hơn so với cổ phiếu thông thường, nên sẽ tạo ra thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao. Để giảm thiểu rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự hiểu biết nhất định trước khi tham gia giao dịch sản phẩm này.
Trong giai đoạn đầu triển khai, để có thể thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với sản phẩm mới, chứng quyền mua với tài sản cơ sở là cổ phiếu, thực hiện quyền kiểu châu Âu và thanh toán bằng tiền sẽ được triển khai. Sau đó, HOSE sẽ thực hiện đánh giá thị trường, xem xét chỉnh sửa và hoàn thiện các quy định, rồi tiến đến triển khai các loại chứng quyền khác phức tạp hơn...
Phương thức giao dịch mua bán CW
CW là sản phẩm do công ty chứng khoán phát hành và được niêm yết trên sàn chứng khoán có mã giao dịch riêng và có hoạt động giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở. Công ty chứng khoán được phát hành CW là công ty được UBCK NN cấp phép. CW luôn gắn liền với 1 mã chứng khoán cơ sở để làm căn cứ tham chiếu xác định lãi/lỗ.
Việc xác định giá của chứng quyền khi IPO sẽ do Công ty chứng khoán phát hành tại một mức giá xác định. Sau niêm yết, giá biến động trên cơ sở tăng/ giảm của mã chứng khoán cơ sở làm tham chiếu.
Theo ông Dương Văn Chung- Giám đốc MBS miền Bắc, nhà đầu tư mua CW có thể bán khi chứng quyền niêm yết trên sàn giao dịch, hoặc có thể giữ đến đáo hạn. Nhà đầu tư giữ chứng quyền đến đáo hạn sẽ được nhận lãi chênh lệch. Tiền lãi được tính bằng tiền mặt giữa giá thanh toán chứng quyền tại ngày đáo hạn và giá thực hiện của CW.
Giá thanh toán CW được xác định là giá trung bình 5 phiên giao dịch trước ngày đáo hạn của chứng khoán cơ sở. Trong khi đó, giá thực hiện của CW xác định trước tại thời điểm mua CW và không đổi theo thời gian.
Những công ty chứng khoán nào được phép giao dịch CW?
Cho đến nay, chỉ có 10 trong số 70 Công ty chứng khoán tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu bán CW. Theo đó, những công ty này phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu ít nhất là 1 nghìn tỷ đồng. Các công ty chứng khoán này cũng không được có lỗ lũy kế và phải có hoạt động chứng khoán được cấp phép đầy đủ. Trong số đó, chỉ có 4 công ty được cổ đông chấp thuận phát hành CW trong năm nay.
Ông Lê Hải Trà- Phó Chủ tịch HĐQT HOSE hy vọng rằng 20 cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 sẽ được cắt giảm cổ phiếu cho các CW đầu tiên. Các cổ phiếu này phải đáp ứng được yêu cầu về vốn hóa thị trường (trên 5.000 tỷ đồng), đủ thanh khoản, tỷ lệ dự do chuyển đổi (free float) và có hiệu quả kinh doanh tốt.
VN30 được đánh giá lại 6 tháng một lần và bao gồm 30 cổ phiếu blue-chips, trong đó có VNM, FPT, VIC, SSI, REE. Nhóm 30 cổ phiếu này chiếm 80% tổng vốn hóa thị trường.
CW sẽ là sản phẩm thứ 4 được giao dịch trên thị trường, cùng với cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ. CW được giao dịch và thanh toán giống như cổ phiếu, việc triển khai CW được kỳ vọng sẽ đáp ứng đa dạng các nhu cầu và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư trên thị trường. Mặt khác, việc CW không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại cũng tạo điều kiện góp phần thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.