Cafe địa ốc

Cơ hội định hình siêu đô thị TP HCM

LS Trương Anh Tú 09/07/2025 20:30

TP HCM mở rộng chính thức bước vào cuộc chơi của những siêu đô thị toàn cầu – nơi ranh giới hành chính trở nên mờ nhạt và luật chơi thật sự là thể chế, chuỗi giá trị và năng lực điều hành vùng.

truong anh tu
LS Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Với hơn 14 triệu dân, GRDP gần 111 tỷ USD, cảng nước sâu chiến lược và tam giác công nghiệp – tài chính – logistics hiếm có ở châu Á, TP HCM mới không chỉ là cực tăng trưởng, mà đang trở thành bài kiểm tra lớn nhất cho tư duy phát triển quốc gia trong thập kỷ tới.

Siêu vùng kinh tế

Việc hợp nhất TP HCM với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã tạo nên một đô thị có quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử hành chính Việt Nam. Với diện tích hơn 6.770 km², dân số vượt 14 triệu người và tổng GRDP hợp nhất đạt khoảng 110,91 tỷ USD (chiếm hơn 23% GDP cả nước), TP HCM mở rộng không còn là một đô thị đơn lẻ, mà đang từng bước trở thành một “siêu vùng kinh tế” với cấu trúc đa trung tâm, đa chức năng và tiềm năng vươn ra khu vực.

Cấu trúc kinh tế của thành phố mới không phải là sự chắp vá hành chính, mà là một hệ sinh thái kinh tế có tính cộng hưởng cao. TP HCM mới tiếp tục giữ vai trò trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghệ và giáo dục; là điểm tựa công nghiệp chế biến, sản xuất sạch và FDI chất lượng cao; đồng thời phát huy thế mạnh về cảng biển nước sâu, logistics và năng lượng. Không gian phát triển rộng, nguồn nhân lực trẻ và đa dạng chức năng đang tạo điều kiện lý tưởng để TP HCM mở rộng trở thành cực tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Bộ, và là đầu mối kết nối chuỗi giá trị quốc tế.

Nếu nhìn ra thế giới, với GRDP hợp nhất gần 111 tỷ USD, TP HCM mới tiệm cận hoặc ngang bằng với Busan và Kuala Lumpur, nhưng vẫn thấp hơn so với các đô thị lớn như Bangkok, Metro Manila hay Vancouver và bỏ xa nhiều thủ đô khu vực về dân số và diện tích. Trong khi đó, các thành phố như Seoul, Hongkong, Tokyo vẫn áp đảo về GDP, nhưng đều đã bão hòa hoặc gặp thách thức lớn về già hóa dân số, quỹ đất giới hạn, và chi phí vận hành cao. TP HCM mở rộng tuy chưa đạt ngưỡng đó, nhưng đang có lợi thế lớn: tốc độ tăng trưởng ổn định trên 7%/năm, dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hóa cao và dư địa cải cách còn rộng.

Về cơ chế, TP HCM không bị “trạm trần thể chế” như nhiều địa phương khác. Thay vào đó, thành phố đang được Quốc hội và Chính phủ trao cơ hội thử nghiệm hàng loạt chính sách mới mang tính đột phá. Nghị quyết 98/2023/QH15 cho phép TP HCM áp dụng cơ chế đặc thù trong 7 nhóm lĩnh vực từ đầu tư công, ngân sách, tài chính đến đất đai, thu nhập cán bộ, tổ chức bộ máy… Đây là lần đầu tiên một đô thị được trao cơ chế linh hoạt mang tính “đặc khu mềm” nhưng ở quy mô vùng. Các đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo và logistics liên vùng đang được xúc tiến, hứa hẹn tái định hình lại không gian đầu tư của cả miền Nam.

Thời điểm vàng cho doanh nghiệp

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đây là thời điểm vàng để tái cấu trúc chiến lược đầu tư theo trục tăng trưởng đang định hình lại toàn vùng. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã lọt top 20 cảng nước sâu lớn nhất toàn cầu, trở thành điểm trung chuyển quốc tế hiếm hoi tại Đông Nam Á. Với tỷ lệ FDI công nghệ cao dẫn đầu cả nước, TP HCM đang chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình khu công nghiệp xanh - tuần hoàn. TP HCM, sở hữu hệ sinh thái công nghệ - khởi nghiệp năng động bậc nhất Việt Nam, đang nổi lên như một trung tâm Fintech - AI mới của khu vực. Dòng vốn toàn cầu đang ưu tiên các chuỗi giá trị tích hợp theo vùng và TP HCM mở rộng chính là “tọa độ vàng” cho các nhà đầu tư chiến lược, nếu hạ tầng và thể chế kịp thời bật mở.

Tuy nhiên, điều kiện đủ cho một siêu vùng kinh tế không nằm ở quy mô địa lý hay tăng trưởng GRDP, mà là năng lực quản trị. Việc điều hành một đô thị hơn 14 triệu dân, với gần 170 đơn vị hành chính cấp xã, đòi hỏi tư duy thể chế mới. Cần nhanh chóng ban hành các cơ chế phân quyền linh hoạt, mô hình quản lý vùng hiệu quả, và khung pháp lý điều chỉnh đặc thù cho các đô thị đa cực. Nếu làm được, TP HCM mở rộng có thể trở thành “vùng phát triển kiểu mẫu” đầu tiên của Việt Nam, nơi chính quyền và doanh nghiệp đồng hành trên nền tảng chính sách minh bạch, liên thông, bền vững.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế gắn với nâng tầm đô thị hóa. TP HCM mở rộng không chỉ là một thành phố, mà là cơ hội để thí điểm mô hình phát triển vùng - mô hình mà thể chế, quy hoạch, hạ tầng và nhà đầu tư không còn vận hành theo tỉnh, theo quận, mà theo chuỗi liên kết đa trung tâm. Nếu tận dụng đúng cơ hội này, đây sẽ không chỉ là thành phố lớn nhất Việt Nam, mà là bản lề kinh tế quốc gia trong ít nhất hai thập kỷ tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội định hình siêu đô thị TP HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO