Cơ hội hút vốn ngoại của các ngân hàng

Lê Mỹ 02/11/2018 12:07

Vị thế cổ phiếu vua của các ngân hàng phản ánh rõ “hơi thở” thị trường chứng khoán (TTCK) với nhiều mã cổ phiếu “đổ đèo”.

Điều đó sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư ngoại rót vốn vào các ngân hàng Việt Nam.Trong tuần giao dịch cuối tháng 10/2018, TTCK Việt Nam đã trải qua những phiên “đỏ lửa”. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cùng với việc nhiều nhà đầu tư đua lệnh bán thì thị trường vẫn có thanh khoản. Điều đó có nghiã vẫn còn những nhà đầu tư không sợ rủi ro.

Cơ hội để mua vào

Ông Andy Hồ, Giám đốc Đầu tư của Quỹ đầu tư Vina Capital trong một chia sẻ gần đây nhất từng nói rằng, thị trường giảm điểm chính là cơ hội để mua vào cổ phiếu.

Hẳn nhiên, với những nhà đầu tư từng “tất tay” nhiều khoản đầu tư ngoạn mục trên TTCK Việt Nam, họ sẽ không mua bừa. Tùy chiến lược và khẩu vị, họ sẽ chọn những cổ phiếu có độ suy giảm hợp lý, quan trọng hơn là tiềm năng của cổ phiếu đó, ở giá mua hiện tại cho đầu tư trung hạn.

 Theo Cty Chứng khoán TP.HCM (HSC), giá cổ phiếu nhóm ngân hàng đã giảm mạnh từ mức đỉnh, sẽ là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng sớm hoàn tất kế hoạch phát hành riêng lẻ của mình.

Tại thời điểm này, nếu đánh giá về xu hướng thị trường, dòng tiền mới là yếu tố cần xem xét. Dòng tiền đã thực sự có xu hướng tháo chạy, hay chỉ tác động tâm lý từ những phiên rơi thẳng đứng của chỉ số Dow Jones? Nếu khoảng trống thông tin trên thị trường trong quý 3, khi các doanh nghiệp niêm yết lũ lượt công bố kết quả, được lấp bằng những tin tích cực, VN-Index có thể hồi phục với các tài khoản chực chờ nâng đỡ?

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là trong nhiều tuần qua, các quỹ ETFs liên tục có động thái bán ròng. Nhưng đây rõ ràng không phải là giai đoạn họ đánh giá lại danh mục mua bán để cân bằng giá và giá trị tài sản ròng (NAV). Việc bán ra khi giá giao dịch chứng chỉ quỹ ETF thấp hơn NAV hoặc rơi vào trạng thái chung khi độ lan tỏa tháo chạy của các nhà đầu tư trên TTCK Mỹ - đều có thể.

Giá rẻ, dễ bán

Các doanh nghiệp niêm yết vốn hóa lớn, như nhóm ngân hàng, thường không gọi vốn ngoại từ các quỹ ETFs hay các nhà đầu tư tài chính thông thường. Hiện có ít nhất 3 ngân hàng đang có kế hoạch gọi vốn ngoại, và cần đối tác lớn đầu tư dài hạn. Trong đó, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) đang có kế hoạch bán 10% vốn cho đối tác ngoại - một kế hoạch đã kéo dài kể từ 2016 khi họ “bắt mối” cùng Quỹ đầu tư cổ phiếu GIC nhưng bị trì hoãn thương vụ do giá cả không thuận lợi.

Nhìn lại vụ 7,73% cổ phần VCB được GIC trả giá trên 30.000đ/cp, dù giá thị trường đạt gấp đôi vào năm 2016. Thương vụ lúc đó nếu thành được cho là “thiệt thòi” với VCB. Nhưng tại thời điểm thị trường lao dốc hiện nay, cổ phiếu VCB đã về quanh 50.000đ/cp, là cơ hội để nhà đầu tư, mới hoặc cũ, “trả giá” VCB.

Tương tự như VCB, KEB Hana Bank trong thỏa thuận sơ bộ dự kiến sẽ trở thành đối tác chiến lược sở hữu 15% vốn BIDV. Cty Chứng khoán HSC cho rằng, thương vụ này của BIDV sẽ hoàn tất vào 2019, và đặc biệt “sẽ có triển vọng hơn nhờ giá cổ phiếu đã điều chỉnh mạnh gần đây.

Một chuyên gia đánh giá, với lĩnh vực ngân hàng, thực sự khó kỳ vọng xảy ra những thương vụ trả giá- trên cơ sở tham chiếu giá thị trường một cách “điên rồ” như đã diễn ra với Sabeco ở 2017. Techcombank là một trường hợp riêng biệt và có tính “kỹ thuật cao”. Nhưng nhìn chung vẫn sẽ có những nhà đầu tư sẵn sàng trả giá những món ngon tương lai, với một mức giá phù hợp, trên tầm ngắm xa khi cổ phiếu vốn hóa lớn của Việt Nam hứa hẹn sẽ đắt hơn, do chứng khoán Việt Nam sẽ nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Trong khi đó, phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu trong kỳ hạn vài năm, theo đó, là một kế hoạch gọi vốn ngoại khôn ngoan ở trường hợp của HDBank. Tổ chức phát hành dự kiến mang cho nhà đầu tư “quyền chọn” 2, bên cạnh tất toán trái phiếu, là tham gia vào ngân hàng. Ông Johan Nyvene, TGĐ HSC từng tiết lộ có đối tác Nhật muốn mua trọn hơn 300 triệu USD trong đợt HDBank IPO cuối 2017, nhưng ngân hàng này đã không chọn “bán hết cho một tổ chức”.

Cùng với hứa hẹn của một thị trường mới nổi tương lai, sự ổn định của kinh tế vĩ mô và chào đón nhà đầu tư ngoại, nỗ lực hội nhập tài chính toàn cầu của Việt Nam cũng được xem là yếu tố hỗ trợ khối ngân hàng khi đi tìm đối tác ngoại. Moody’s Investors Service mới đây đã nâng định hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Chính phủ Việt Nam lên mức Ba3 từ mức B1; và việc nâng định hạng tín nhiệm dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, sự cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng. Các tổ chức quốc tế theo đó, sẽ tham chiếu các đánh giá xếp hạng này để tìm những hạt giống đầu tư dài hạn, trong giai đoạn thị trường toàn cầu ủ bão.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội hút vốn ngoại của các ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO