Trong bối cảnh VN ngày càng chú trọng đến tính bền vững và đổi mới sáng tạo, công nghệ khí hậu đang dần trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Juhern Kim, Trưởng đại diện quốc gia tại Việt Nam của Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) đã có cuộc trao đổi với DĐDN về cách Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội từ lĩnh vực giàu tiềm năng này.
- Theo ông, triển vọng của hệ sinh thái startup công nghệ khí hậu tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ như thế nào?
Cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ khí hậu. Theo báo cáo mới nhất của BloombergNEF, quá trình chuyển đổi này có thể mở ra cơ hội đầu tư trị giá 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2050, với mức đầu tư trung bình hàng năm 46 tỷ USD trong 5 năm tới.
Trong khi đó, New Energy Nexus, nguồn vốn đầu tư vào startup công nghệ khí hậu tại Việt Nam đã tăng hơn gấp 3 lần mỗi năm trong giai đoạn 2020-2023, đạt tổng cộng 92,6 triệu USD từ năm 2015. Tuy nhiên, lĩnh vực này chỉ chiếm 4% tổng vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2023, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 10%, cho thấy dư địa phát triển vẫn còn rất lớn.
Những cơ hội này không chỉ giới hạn ở các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà còn mở rộng tới các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, nơi các giải pháp sáng tạo do doanh nghiệp khởi xướng sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng đầu tư vào startup công nghệ khí hậu tại Việt Nam? Những chiến lược nào có thể được triển khai để tạo ra môi trường thuận lợi hơn?
Ở cấp độ vĩ mô, tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ khí hậu là rất lớn. Sự đồng bộ với chương trình nghị sự về phát thải ròng bằng 0 toàn cầu không chỉ tạo cơ hội cho các lĩnh vực tăng trưởng mới mà còn thể hiện cam kết chủ động của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, trước hết, chuyển giao công nghệ sẽ là động lực then chốt cho sự phát triển của ngành công nghệ khí hậu. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong thời gian ngắn, Việt Nam cần tiếp cận công nghệ tiên tiến từ quốc tế.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiệu quả, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các liên doanh, qua đó thu hút nguồn vốn mạo hiểm toàn cầu thông qua nâng cao tính minh bạch của chính sách và đơn giản hóa quy trình hồi hương vốn.
Ngoài ra, việc áp dụng nhiều ưu đãi hơn cho các công ty công nghệ khí hậu sẽ giúp tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.
- Các chính sách hiện tại hỗ trợ startup công nghệ khí hậu tại Việt Nam có hiệu quả ra sao và vai trò của các tổ chức quốc tế như GGGI trong việc củng cố hệ sinh thái này là gì, thưa ông?
Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Một số sáng kiến nổi bật bao gồm việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) vào năm 2019 và mở rộng trung tâm này tại Hòa Lạc vào năm 2023, hợp tác với các công ty công nghệ quốc tế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, chương trình quốc gia về khởi nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn dắt, cùng với các nghị quyết liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng góp phần đáng kể vào sự phát triển của hệ sinh thái startup.
Tuy nhiên, để tối ưu hóa tác động, cần có các chương trình khuyến khích mang tính chuyên biệt hơn, nhắm tới từng lĩnh vực và loại hình startup khác nhau. Ví dụ, GGGI hiện đang tư vấn cho Bộ Công Thương về các chính sách khuyến khích startup trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng…
- Những hoạt động nào từ Chính phủ và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hệ sinh thái startup công nghệ khí hậu tại Việt Nam vào năm 2025, thưa ông?
Dù vẫn ở giai đoạn đầu, hệ sinh thái startup công nghệ khí hậu của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để bứt phá. Bối cảnh đầu tư toàn cầu cũng cho thấy Việt Nam đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các tập đoàn công nghệ lớn.
Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư là yếu tố mang tính quyết định. Chính phủ có thể đóng vai trò then chốt bằng cách tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường cho các startup công nghệ khí hậu.
Đồng thời, việc thành lập quỹ đổi mới sáng tạo và triển khai các chính sách ưu đãi tài chính sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn quốc tế. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ liên doanh giữa startup trong nước và các doanh nghiệp toàn cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ.
- Trong thời gian tới, GGGI sẽ triển khai những sáng kiến nào tại Việt Nam để hỗ trợ startup công nghệ khí hậu, thưa ông?
Năm 2024, GGGI đã có bước tiến quan trọng trong việc củng cố hệ sinh thái công nghệ khí hậu của Việt Nam với việc ra mắt chương trình tăng tốc dành riêng cho hiệu quả năng lượng – mô hình đầu tiên tại Việt Nam. Sáng kiến này đã hỗ trợ 14 startup từ Việt Nam và các nước lân cận, cũng như 13 nhóm thanh niên khởi nghiệp, giúp họ nâng cao kỹ năng gọi vốn và chuẩn bị đầu tư.
Tiếp nối thành công này, GGGI đặt mục tiêu mở rộng sáng kiến tăng tốc sang các lĩnh vực khác như nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, năng lượng và giao thông. Đồng thời, tổ chức này cũng sẽ đóng vai trò nền tảng kết nối giữa startup với các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư tác động, thông qua các chương trình hỗ trợ toàn diện bao gồm cố vấn, phát triển kinh doanh, tài trợ và huy động vốn.
- Trân trọng cảm ơn ông!