Tài chính doanh nghiệp

Cơ hội từ tái cơ cấu doanh nghiệp

LÊ MỸ 06/08/2024 04:00

Đối với nhiều doanh nghiệp đang tái cơ cấu do gặp khó khăn, hoặc chỉ do yêu cầu cần thiết trong bối cảnh chung, thì nên được tạo điều kiện cho cơ hội làm lại.

novaland.jpg
Novaland đang cân nhắc và đàm phán với một số đối tác chiến lược về phương án chuyển nhượng một số dự án nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, cải thiện danh mục đầu tư.(Thi công dự án Aqua City của Novaland. Ảnh: VGP)

Trong những ngày vừa qua, liên tiếp và hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trên sàn nhận thông báo hủy niêm yết, bắt buộc chuyển sàn trong thời gian tới.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp gặp các vấn đề ngoài khả năng lường trước, đẩy đến bên bờ ranh giới hủy niêm yết hoặc hoạt động rất chật vật khó khăn. Niềm tin của nhà đầu tư đối với các nhóm doanh nghiệp này cũng trở nên hết sức mong manh, chỉ một tin tiêu cực nhẹ là cổ phiếu lao dốc bán tháo hoặc ngay cả việc doanh nghiệp công bố thông tin tích cực thì nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi nghi vấn, hoài nghi.

Nhóm doanh nghiệp như vậy, loại trừ các đơn vị đã bị khởi tố bắt tạm giam lãnh đạo từ năm trước như nhóm FLC, cũng còn rất nhiều đơn vị gặp tác động và chịu hệ lụy từ biến động chung của thị trường, thay đổi chính sách, lạm dụng đòn bẩy tài chính, lãnh đạo bị điều tra vi phạm pháp luật…

Ví dụ như trường hợp của HBC - Xây dựng Hòa Bình; hay khó khăn của LDG - Đầu tư LDG; câu chuyện tại NVL - Novaland, HNG - HAGL Agrico rời sàn, hay QCG - Quốc Cường Gia Lai, DLG - Đức Long Gia Lai… và không ít các doanh nghiệp chưa đại chúng, niêm yết khác nữa.

Miệt mài tái cơ cấu

Thực tế, các doanh nghiệp cụ thể như nêu không phải bây giờ mới lộ diện khó khăn. Có doanh nghiệp khó trong kinh doanh từ nhiều năm trước còn lũy kế, như HNG. Có đơn vị gần như “phá sản” kỹ thuật hoặc bị đệ đơn yêu cầu mở thủ tục vì nợ đọng, bị đặt vấn đề về khả năng thanh toán như LDG, DLG. Có doanh nghiệp gặp “sốc” vì liên tiếp liên đới các vụ việc điều tra như QCG; hay có đơn vị lại khó khăn cân đối giữa đòn bẩy tài chính, pháp lý dự án, thị trường như Novaland… Tất cả doanh nghiệp này đã và đang phải tái cấu trúc - cơ cấu lại.

Trong một chia sẻ gần nhất nhân KQKD quý II với nhà đầu tư, đại diện Novaland cho biết, đã gần như hoàn thành cơ cấu lại phần lớn các khoản nợ. Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ còn khoảng 54.635 tỷ đồng. “Kế hoạch dòng tiền để Novaland có thể trả nợ gốc và lãi cho các trái chủ, các đơn vị cho vay khác, thì trong quá trình tái cấu trúc, Tập đoàn đánh giá thời điểm dòng tiền mạnh mẽ, có thặng dư để trả nợ sẽ rơi vào khoảng nửa đầu năm 2026”, ông Dương Văn Bắc, Giám đốc Tài chính (CFO) chia sẻ.

Để có được điều này phải nói rằng, nhờ khung đàm phán giãn nợ từ chính sách của Chính phủ dành cho trái phiếu doanh nghiệp qua Nghị định số 08/2023/NĐ-CP; cũng như thái độ cộng tác và sẵn sàng hỗ trợ để đàm phán giãn nợ của trái chủ, chủ nợ. Không phải trái chủ nào cũng chấp nhận các điều kiện đàm phán cũng như không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đàm phán được. Việc dự phóng dòng tiền đẩy về 2 năm tương lai, nếu nhìn tích cực là một sự thẳng thắn, thậm chí dũng cảm trong bối cảnh nhà đầu tư không dễ đón nhận quãng thời gian tái cơ cấu như vậy.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ của HNG mới đây, Chủ tịch HĐQT HNG - ông Trần Bá Dương cũng khẳng định với 33.000 cổ đông về việc tiếp tục minh bạch công khai thông tin và trở lại sàn HoSE ngay khi đủ điều kiện. “Cổ đông cứ ngại việc hủy niêm yết, tôi thấy việc minh bạch và hình thành giá trị thực là quan trọng, cho dù xuống UPCoM khi làm tốt giá cổ phiếu vẫn có thể đi lên", Chủ tịch HNG khẳng định.

Đối với HNG, Thaco thực tế đã “đưa than ngày tuyết” - cứu doanh nghiệp bên bờ phá sản, chính thức tiếp quản từ 2021 và từng bước xử lý hệ quả quá khứ, không ngừng đầu tư với định hướng phát triển để trở thành mảnh ghép lớn trong thực hiện chiến lược đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp với quy mô lớn trên diện tích 84.000 ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Lỗ và hủy sàn niêm yết lớn của hiện tại theo đó, khi chỉ cần còn Thaco tiếp tục dẫn dắt, thì vẫn còn dư địa “làm mới” lại.

Cơ hội phía thị trường

Trên thế giới, cần phải nói rằng phá sản kỹ thuật là một cụm từ không hề gây sốc khi nhìn nhận và đánh giá các doanh nghiệp. Ngay như trường hợp “bom nợ” của Trung Quốc là Evergrande China cũng phải qua quá trình kéo dài hàng nhiều năm mới thực sự phá sản.

Trong khi đó, trở lại với các doanh nghiệp đang nỗ lực tái cơ cấu ở Việt Nam, họ không có quy mô nợ quá “chúa chổm”, không ở mức gây rủi ro cho hệ thống; phần lớn doanh nghiệp - nhất là khối có gốc BĐS, có tài sản để dễ bề gỡ nợ, cơ cấu lại hiệu quả.

Qua các trường hợp HBC bị hủy niêm yết, còn lỗ lũy kế nhưng tính riêng KQKD quý II ghi nhận lãi; hay NVL vừa có lãi dịch vụ vừa có doanh thu hàng bán; LDG, QCG còn nhiều dự án có thể bán được… thấy rõ điều này. Và nếu quay lại quá khứ chưa xa, những nỗ lực tái cơ cấu, quyết tâm “cắt thịt” bán dự án như Phát Đạt để sạch nợ, có tiền sẵn sàng vào các dự án khi quỹ đạo mới của thị trường bắt đầu.

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia tài chính phân tích cho rằng, thay vì hành động theo tâm lý số đông, ở một khía cạnh nào đó, chính là các nhà đầu tư đang chủ động trước rủi ro và cơ hội cho chính mình. Các quyết định của nhà đầu tư trên thị trường sẽ có tác động lớn đến vốn hóa, giá trị tài sản thế chấp bằng cổ phiếu, một phần chi phối định giá tài sản vốn chủ, khả năng đàm phán cơ cấu nợ, chuyển đổi nợ…, hay có tác động quyết định điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại, ở phía bất thành hoặc thành công.

Theo Cơ hội từ tái cơ cấu doanh nghiệp
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội từ tái cơ cấu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO