Dù cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo dự phóng năm nay có thể đạt được kỳ vọng, các chuyên gia vẫn đặt câu hỏi “có nên cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng”?
Đạt room hay chất lượng tăng trưởng?
Nguyên do, theo phân tích của Khối Phân tích CTCP VPBank (VPBankS), tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam cao so với các nước thuộc dải thu nhập tương đương và tiệm cận với các nước thu nhập cao. Đây cũng là vấn đề mà World Bank đã từng lưu ý, khuyến nghị đối với Việt Nam và cho rằng cần kéo giảm tỷ lệ này, giảm sự phụ thuộc tăng trưởng với tín dụng của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo sức khỏe của hệ thống tài chính.
Tại 2021, theo thống kê của World Bank, tỷ lệ tín dụng/ GDP đã lên tới 124% - mức cao như cảnh báo. Thế nhưng tới cuối năm 2023, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng vẫn tiếp tục tăng, lên khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng không ít lần nêu vấn đề này khi các đại biểu Quốc hội chất vấn về vấn đề tiếp tục điều hành hay bỏ điều hành trên cơ chế cấp room tín dụng và cho rằng trước mắt, nhà điều hành không thể bỏ cơ chế quản hạn mức cấp tín dụng. Tuy nhiên năm 2024, NHNN cũng đã loại trừ các yếu tố lo ngại về cấp room tín dụng có thể nảy sinh xin - cho, hạn chế chủ động của các NHTM, bằng giải pháp cấp hạn mức tín dụng 1 lần cho cả năm.
Dù vậy, với bức tranh phân hóa tăng trưởng tín dụng của các NH trong hệ thống, trong tổng mức tăng trưởng cho vay đạt 6% của nửa đầu năm 2024 với nhiều nhà băng đạt mức cao, song cũng có những ngân hàng “dẫm chân tại chỗ” về cho vay mới… NHNN cũng đã khẳng định có thể thu hồi room tín dụng đã phân bổ để linh hoạt tái phân bổ, điều tiết theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đặt ra, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo VPBankS, năm 2024, tăng trưởng tín dụng đặt ra ở mức 14-15%/năm là thách thức lớn do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Thêm nữa, khi tăng trưởng tín dụng được coi là một tiêu chí để đánh giá ngân hàng làm cơ sở giao room tín dụng cho năm tiếp theo cũng sẽ gián tiếp khiến các ngân hàng cố gắng đẩy hết room tín dụng.
“Khi tăng trưởng phải thỏa hiệp bằng chất lượng tài sản thì mức tăng trưởng đó không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, áp lực lạm phát cao và các vấn đề về nợ xấu tồn đọng khó xử lý hơn.
Việt Nam đang tiệm cận tới mức của các đất nước phát triển như Úc, Trung Quốc, Thái Lan, và còn đang cao hơn rất nhiều so với các nước có nền kinh tế tương đồng như Indonesia hay Philippines”, chuyên gia VPBankS phân tích tại báo cáo về ngành ngân hàng 2H2024.
Động lực cho tăng trưởng tín dụng bền vững
Theo các chuyên gia VPBankS, trên thị trường, động lực tăng trưởng tín dụng bền vững chính là từ nhu cầu vốn của người dân. Trong đó, chủ yếu phần lớn tín dụng được thúc đẩy bởi ngành bất động sản (BĐS). Thống kê cho thấy dư nợ cho vay BĐS cuối quý II/2024 đạt 3,083 triệu tỷ, tăng 6,8% ytd, chiếm tỷ lệ 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
“Đây cũng là lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng. Bất động sản là một lĩnh vực hấp dẫn đối với hoạt động cho vay ngân hàng do nhu cầu cao và ổn định, cùng với tài sản thế chấp mạnh, giúp giảm rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường có thể không bền vững, gây ra rủi ro nếu giá trị tài sản giảm. Ngoài ra, các khoản vay bất động sản là dài hạn, có thể ràng buộc vốn và hạn chế khả năng theo đuổi các cơ hội sinh lời khác của ngân hàng. Do nhu cầu vốn cho nhà ở là rất lớn nên còn rất nhiều dư địa cho vay cho ngành ngân hàng, tuy nhiên, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng”, nhóm phân tích lưu ý.
Trong khi đó, dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm tích cực trong 1 năm qua nhưng do giá nhà vẫn neo ở mức cao so với thu nhập và ngành ngân hàng cần nguồn lực xử lý nợ xấu tồn đọng nên tình hình giải ngân cho vay mua nhà chưa quá tích cực. Dự phòng nợ xấu của hệ thống còn thấp khi LLR ngành chỉ đạt 81%, LDR cũng đã tăng lên trên 103,8% từ cuối quý II/2024, cùng với đó, bối cảnh thu hồi nợ xấu chưa thực sự phục hồi do thị trường BĐS vẫn neo giá cao, chưa có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Riêng về tỷ lệ LDR, như đã thống kê từ BCTC của các ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi thấp, CASA thấp khiến nhiều ngân hàng nhỏ phụ thuộc vốn trên thị trường 2, gặp khó khăn trong giai đoạn lãi suất liên ngân hàng tăng cao. VIS Rating cũng đánh giá một số ngân hàng nhỏ vẫn còn rủi ro đối với một số vấn đề của nợ xấu và thanh khoản.
Với việc NHNN vừa tiếp tục có động thái nới lỏng lãi suất theo công cụ điều hành OMO, khả năng cơ quan quản lý đã và đang tiếp tục đặt mục tiêu hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống trong bối cảnh rất cần đẩy mạnh và khai thác nhu cầu vay vốn.
Theo VPBankS, trong nhu cầu vay vốn của người dân, nhu cầu “an cư lập nghiệp” – có nhà ở vẫn là nhu cầu chủ yếu của người dân, các hộ gia đình. Song hiện nay tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập của người dân Việt Nam trong đà tăng và đang ở mức khá cao so với các nước phát triển, và thậm chí so với nước đang phát triển như Indonesia.
Theo Fidelity, đối với hầu hết KHCN và hộ gia đình, tỷ lệ này thường nên ở mức 3 đến 5 lần. Tại Việt Nam tỷ lệ này đang gấp khoảng 4-5 lần so với tỷ lệ khuyến nghị.
“Chúng tôi kỳ vọng các chính sách hỗ trợ thúc đẩy TTTD bền vững hơn, điển hình từ các chính sách, cơ chế điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân và gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ. Đến đầu tháng 7/2024, tỷ lệ giải ngân mới đạt 1% (trong đó, số tiền giải ngân cho chủ đầu tư là khoảng 1.202 tỷ đồng tại 12 dự án, còn người mua nhà chỉ vay 32 tỷ đồng tại 5 dự án). Tỷ lệ giải ngân KHCN thấp là do điều kiện mua nhà còn khắt khe, chưa có nhiều hộ đủ điều kiện và vẫn còn cơ chế lãi suất thả nổi. Theo VARS, mỗi gia đình phải có thu nhập ít nhất 35-40 triệu đồng/tháng mới đảm bảo việc chi trả nợ vay và chi phí sinh hoạt hàng tháng, song mức thu nhập này lại nằm ngoài điều kiện vay gói này (thu nhập một người dưới 15 triệu/tháng hoặc cả 2 vợ chồng dưới 30 triệu/tháng).
Bên cạnh đó, những thay đổi trong Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở mới hỗ trợ tăng trưởng tín dụng kỳ vọng vào tăng trưởng an toàn, bền vững hơn khi các điều khoản thay đổi mới chủ yếu có lợi cho người mua nhà”, nhóm chuyên gia phân tích.
Động lực tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế cũng sẽ đến từ BĐS Khu công nghiệp, hưởng lợi từ FDI và Xuất nhập khẩu. Cụ thể, tỷ trọng lớn trong tín dụng BĐS vẫn là cho vay KHDN BĐS đầu tư XD dự án nhà ở và đầu tư kinh doanh BĐS khác (60%). Tuy nhiên, VPBankS nhận diện mảng cho vay KCN trong thời gian tới rất tiềm năng do quỹ đất KCN sẽ tiếp tục được bổ sung mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2030, với trọng tâm mở rộng là các khu vực được coi là trung tâm Khu công nghiệp, có khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước như Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ & Duyên hải miền Trung (QĐ 326/QĐ-TTg ngày 09/03/2022).
Hơn nữa, kể từ ngày 1/7, hệ số rủi ro tín dụng BĐS KCN giảm từ 200% xuống 160% (Thông tư số 22/2023/TT-NHNN). Cùng với đó, tín dụng khu chế xuất, KCN tăng 9,47% ytd, cao hơn trung bình ngành BĐS ở 6,8% ytd. Mặc dù tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực BĐS KCN còn thấp so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản nói chung và lĩnh vực nhà ở nói riêng, nhưng tín dụng tăng đã phản ánh xu hướng phát triển của BĐS KCN.
Các ngân hàng đã có chương trình riêng cho lĩnh vực BĐS KCN sẽ hưởng lợi từ xu hướng này, trong đó có VPB (ra mắt sản phẩm dành riêng cho BĐS KCN đầu tiên trên thị trường vào tháng 5/2024), CTG, VCB, BID, MBB.
Ngoài ra, với đặc thù của nền kinh tế có độ mở lớn, động lực cho tăng trưởng tín dụng cũng sẽ đến trực tiếp từ FDI và xuất khẩu. Nhóm chuyên gia dự phóng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc Fed hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược” thế giới của Việt Nam.
Cùng với đó, những thay đổi trong Luật TCTD cũng sẽ thúc đẩy TTTD, phát triển bền vững hệ thống ngân hàng, nâng cao tính minh bạch, phát triển tín dụng tiêu dùng. Đây cũng sẽ là pháp luật ngân hàng mới và bao phủ nhất được kỳ vọng góp phần đảm bảo hoạt động tài chính của các TCTD phát triển lành mạnh, ổn định.