Có nên đầu tư 5.700 tỷ làm sân bay Sa Pa?

Tiến Minh 26/07/2018 15:19

UBND tỉnh Lào Cai vừa đề xuất xây dựng sân bay dân dụng kết hợp quân sự tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, với tổng vốn đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng, chưa bao gồm phí xây lắp trang thiết bị của quốc phòng.

Xây sân bay công suất 560 nghìn khách

Dự kiến dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2020 sẽ đầu tư 4.750 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) xây dựng sân bay công suất 560.000 hành khách và 600 tấn hàng mỗi năm với hai vị trí đỗ tàu bay, có thể khai thác các loại tàu A320, A321 và tương đương. Giai đoạn 2 đến năm 2030 sẽ đầu tư thêm 1.030 tỷ đồng nâng cấp để đạt công suất 1,5 triệu hành khách và 2.880 tấn hàng hóa mỗi năm.

Lào Cai muốn đẩy nhanh xây dựng Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng

Lào Cai muốn đẩy nhanh xây dựng Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng

UBND tỉnh Lào Cai cũng đề xuất hai phương án đầu tư. Phương án 1 tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng toàn bộ cảng hàng không bằng vốn ngân sách nhà nước hay các nguồn vốn xã hội hóa. Phương án 2 tỉnh là chủ đầu tư huy động vốn theo hình thức xã hội hóa.

Trong giai đoạn 1, Lào Cai sẽ kêu gọi đầu tư kết hợp hỗ trợ từ ngân sách địa phương phần khu bay (bao gồm cả hạng mục san lấp mặt bằng, giải phóng mặt bằng và tái định cư) với tổng kinh phí hơn 2.800 tỷ đồng. Tổng công ty Quản lý bay nghiên cứu đầu tư hạng mục quản lý bay với tổng kinh phí khoảng 160 tỷ đồng. Tổng công ty Cảng hàng không nghiên cứu đầu tư khu hàng không dân dụng với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2 sẽ triển khai khi có nguồn lực và nhu cầu.

Cụ thể, tỉnh Lào Cai sẽ kêu gọi đầu tư kết hợp hỗ trợ từ ngân sách địa phương phần khu bay cùng với giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tổng kinh phí khoảng 2.861 tỷ đồng.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nghiên cứu đầu tư hạng mục quản lý bay. Tổng kinh phí cho hạng mục này khoảng 160 tỷ đồng; Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu đầu tư khu hàng không dân dụng sẽ đầu tư các hạng mục còn lại. Tổng kinh phí khoảng 1.724 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Xây Cảng hàng không Sa Pa: Còn nhiều băn khoăn!

    Xây Cảng hàng không Sa Pa: Còn nhiều băn khoăn!

    05:30, 16/07/2018

  • Cận cảnh những hạng mục đầu tư hiện đại bậc nhất tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

    Cận cảnh những hạng mục đầu tư hiện đại bậc nhất tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

    17:24, 14/07/2018

  • Khánh thành nhà ga cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

    Khánh thành nhà ga cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

    10:42, 13/07/2018

  • Xây Cảng hàng không Sa Pa: Phải thận trọng!

    Xây Cảng hàng không Sa Pa: Phải thận trọng!

    11:05, 12/07/2018

  • Chuyến bay đầu tiên hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

    Chuyến bay đầu tiên hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

    16:52, 11/07/2018

Tỉnh Lào Cai kiến nghị, việc đầu tư theo Phương án 2 sẽ thu hút được nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư xây dựng CHK Sa Pa, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Do đó, tỉnh này đề nghị Cục Hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không và Tổng công ty Quản lý bay tư vấn, hỗ trợ về phương án đầu tư xây dựng CHK Sa Pa để dự án sớm triển khai giai đoạn 1 trước năm 2020.

Theo một số chuyên gia hàng không, nguồn khách chính cho sân bay Lào Cai là khách du lịch từ miền Nam ra phía Bắc và khách từ Vân Nam, Côn Minh (Trung Quốc) đi tiếp vào nội địa Việt Nam. Lượng khách này không lớn và ổn định như khu vực Vân Đồn, Phan Thiết, Đồng Hới, Chu Lai... Do đó, việc đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Năm 2016, Cục Hàng không đã công bố quy hoạch sân bay Lào Cai đặt tại huyện Bảo Yên. Đây là cảng nội địa dùng chung giữa dân dụng và quân sự, có khả năng đón các loại máy bay A320, A321 và tương đương.

Cần thận trọng

Phía Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị được UBND tỉnh Lào Cai đề nghị xây khu hàng không dân dụng, Chủ tịch Lại Xuân Thanh cho hay, tầm quan trọng của sân bay Lào Cai đã được khẳng định tại Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ở góc độ DN, bất kỳ khi đầu tư vào đâu cũng phải tính hiệu quả kinh tế.

“Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu việc đầu tư vào sân bay này và vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, là một DN Nhà nước vẫn nắm giữ tới 95% vốn, do đó, nếu Nhà nước giao, ACV sẽ cân đối vốn để làm”, ông Thanh khẳng định.

Về tính khả thi của dự án, theo các chuyên gia, nếu Nhà nước có đủ tiền, đủ nguồn lực thì việc có thêm một cảng hàng không đương nhiên tốt, không có gì phải bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chuyên gia này cho rằng cần cân nhắc hết sức kỹ càng.

Trả lời báo chí về vấn đề này, Đại tá Phan Tương - Nguyên Giám đốc Sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng cần phải thận trọng bởi nguyên tắc khi xem xét xây dựng quy hoạch cảng hàng không, các tỉnh, thành, địa phương phải có báo cáo luận chứng kinh tế rất cụ thể.

Đại tá Phan Tương cho biết, xây dựng sân bay không đơn giản như làm bãi đá bóng. Muốn làm sân bay phải đưa ra những luận chứng kinh tế đủ sức thuyết phục như: Dự kiến khai thác nguồn khách ở đâu? Sân bay vận chuyển nguồn hàng gì? Nguồn hàng đó ở đâu? Kết nối với những địa phương nào? Vì sao...?

Về nguồn vốn kêu gọi đầu tư, theo Nguyên Giám đốc Sân bay Tân Sơn Nhất, việc Lào Cai muốn xin được thực hiện dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa là không dễ bởi xin thực hiện theo chủ trương xã hội hóa thực chất là đổi đất lấy hạ tầng hoặc đổi dự án lấy dự án.

Nếu quá trình thực hiện công tác giám sát, kiểm tra thiếu chặt chẽ, khách quan rất dễ nảy sinh những tiêu cực, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nếu phân tích thấu đáu, dự án không giúp cải thiện nhiều cho cuộc sống của người dân, không đem lại động lực để phát triển kinh tế, trái lại, nó còn đổ thêm gánh nặng cho nền kinh tế, lên những người nộp thuế", Đại tá Phan Tương cảnh báo trên Đất Việt.

Về kinh tế, GS Đặng Đình Đào cũng cho rằng, dự án hoàn toàn không để phục vụ phát triển kinh tế, vì muốn thúc đẩy được kinh tế địa phương phát triển thì Lào Cai phải có được tiềm năng để cất cánh.

"Theo thuyết trình của Lào Cai, dự án sẽ là cầu nối vận chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một vành đai kinh tế trên cơ sở phát triển giao thương giữa các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc là không hợp lý. Lào Cai lấy đâu hàng hóa để vận chuyển nhiều như thế? Rõ ràng, các mắt xích để phục vụ cho thuyết trình kết nối, phát triển kinh tế là không thuyết phục, không hiệu quả.

Lào Cai thay vì phát triển hàng không, nên tập trung hiện địa hóa đường bộ, tập trung đầu tư nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường sắt cao tốc sẽ hiệu quả mà phù hợp với điều kiện của kinh tế, xã hội của Lào Cai hơn", GS Đặng Đình Đào phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Có nên đầu tư 5.700 tỷ làm sân bay Sa Pa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO