Có nên dùng ngân sách để "giải cứu" Vietnam Airlines?

THY HẰNG 23/07/2020 05:00

Kinh tế trưởng VEPR cho rằng dùng ngân sách để “cứu” Vietnam Airlines là biện pháp cuối cùng. Thay vào đó, Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách trợ giá vé máy bay...

Trong khi còn nhiều ý kiến khác nhau về câu chuyện “cứu” Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lại cho rằng trong đại dịch lần này, không chỉ riêng ngành hàng không thiệt hại. 

Hỗ trợ chi phí thay vì lợi nhuận

Không những vậy, vị chuyên gia còn cho rằng, hàng không là ngành may mắn hơn khi đã khôi phục được đường bay nội địa. Vì vậy, nếu Vietnam Airlines được hỗ trợ thì các ngành bị ảnh hưởng khác cũng cần được hỗ trợ tương tự, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước.

“Đối với doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ của nhà nước nên hướng vào chi phí thay vì lợi nhuận, vì điều này mang lại sự công bằng”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Thậm chí, với Vietnam Airlines, Kinh tế trưởng VEPR còn nêu quan điểm rằng dòng tiền của doanh nghiệp này còn tốt hơn các doanh nghiệp khác, trong bối cảnh chịu tác động chung của đại dịch.

“Tôi nghĩ Vietnam Airlines có thể thu được dòng tiền nhờ bán vé trả trước. Họ đã bán vé cả năm và thu trước. Thực tế là nhu cầu mua vé năm cũng khá cao. Trường hợp dòng tiền kém, tôi nghĩ họ có thể bán cả năm sau. Đó là lợi thế của Vietnam Airlines so với các doanh nghiệp khác”, ông Phạm Thế Anh nói.

Do đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, dùng ngân sách để “cứu” Vietnam Airlines là biện pháp cuối cùng. Thay vào đó, Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách trợ giá vé máy bay thay vì rót tiền vào Vietnam Airlines.

“Ví dụ vé máy bay 2 triệu đồng, nhà nước bù cho dân 500.000 đồng. Cũng là dùng ngân sách nhưng cách này ‘đẹp’ hơn”, ông Phạm Thế Anh đề xuất.

Hỗ trợ cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết đã khảo sát 83 nước và nhận thấy chính phủ các nước này đều có các biện pháp hỗ trợ ngành hàng không. Tựu trung, có 5 giải pháp chính.

Một là giãn hoãn thuế. Hai là giãn hoãn các nghĩa vụ trả nợ khác (ví dụ lãi ngân hàng). Ba là giảm các loại chi phí cho ngành hàng không (ví dụ phí thuê sân đỗ, phí môi trường trong xăng dầu). Bốn là trợ cấp trả lương cho người lao động. Năm là cho vay để hỗ trợ vượt qua khó khăn thanh khoản. 

Theo ông Lực, “giải cứu” ngành hàng không là việc làm cần thiết và phù hợp, nhưng về lý, nhà nước phải hỗ trợ cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân theo nguyên tắc không phân biệt. Mức độ hỗ trợ tùy thuộc vào thị phần và đóng góp của mỗi doanh nghiệp.

“Cái này Cục Hàng không biết rõ hơn ai hết. Giả như nhà nước cứu riêng Vietnam Airlines và thiếu công bằng với các hãng khác thì họ có quyền phản ánh”, ông Cấn Văn Lực nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Đức Thành cho rằng, có thể những hãng hàng không tư nhân khác trong nước cũng đang gặp khó nhưng chưa lên tiếng "kêu cứu". Do đó, nếu nhà nước hỗ trợ thì nên hỗ trợ cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Được biết, Vietnam Airlines đang rất khó khăn. Doanh nghiệp này cần nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng. Phương án được đề xuất là Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, các nước khác cũng hỗ trợ theo mô hình như vậy, kể cả các quốc gia đã vận hành hoàn toàn theo mô hình kinh tế thị trường.

“Ngay với ngành hàng không, ở Đức hỗ trợ Lufthansa, Mỹ cũng hỗ trợ 4 hãng hàng không, Nhật Bản hỗ trợ hãng ANA. Ở Úc, giữa hãng hàng không quốc gia và Virgin Australia thì họ hỗ trợ hãng hàng không quốc gia. Vì Virgin Australia có quy mô nhỏ, nên tác động đến nền kinh tế cũng ít, còn cứu hãng hàng không quốc gia thì tác động rất lớn đến nền kinh tế, tính lan tỏa, phổ thông là lớn”, TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Điểm nghẽn trong việc "cấp cứu" cho Vietnam Airlines

    16:00, 16/07/2020

  • Vietnam Airlines mở đường bay Điện Biên - Hải Phòng

    15:17, 15/07/2020

  • Giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiêu liệu bay để cứu Vietnam Airlines?

    20:19, 14/07/2020

  • Vietnam Airlines ‘xin’ 12.000 tỷ đồng. Thương hiệu Việt nào ‘hot’ nhất Facebook?

    06:28, 14/07/2020

  • Thế khó của Vietnam Airlines: SCIC nếu đầu tư phải được cấp "cơ chế đặc thù"

    19:30, 13/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Có nên dùng ngân sách để "giải cứu" Vietnam Airlines?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO