Có phải lỗi ở cây phượng?

Đỗ Kim Dũng 29/05/2020 13:29

Đôi khi tôi tự hỏi, có phải lỗi bởi...cây phượng khi bật gốc trong sân trường Bạch Đằng gây thương tích cho nhiều học sinh?

Câu hỏi nghe chừng rất...ngây thơ, như câu trả lời sau đây là không "ngây thơ" tí nào: Cây phượng không hề có lỗi !.

Nhiều cây xanh ở Trường THCS Bạch Đằng bị cắt bỏ sau sự việc đau lòng (Ảnh phụ huynh cung cấp - Dân Trí))

Nhiều cây xanh ở Trường THCS Bạch Đằng bị cắt bỏ sau sự việc đau lòng (Ảnh phụ huynh cung cấp - Dân Trí))

Thầy Phúc (hiệu trưởng) nhận ra lỗi và nói rằng: cây đổ trong trường là do lỗi của thầy. Đó là một điều dễ hiểu và rất "thuận tai" trong một lý lẽ thông thường về chuẩn mực đạo đức và văn hóa/ giáo dục toàn cầu của mỗi thầy giáo hay mọi công chức. Nhưng tại sao, rất nhiều người "xao động con tim" và luôn ngợi khen về điều ấy?. Có lẽ, "điều bình thường" của các chuẩn mực đạo đức trong xã hội chúng ta đã quá... hiếm hoi và xa xỉ lâu nay rồi sao?

Đã quá xa (từ 40-50 năm trước), khi tôi còn học tiểu học, trung học: mỗi tuần chúng tôi có một buổi học... lao động. Thông thường chúng tôi ra vườn cuốc đất ươm cây, rồi mang chúng đi trồng xung quanh trường hay trên các con đường làng. Chúng tôi cuốc các hố đất rất rộng, đổ đất thịt, xốp trộn phân chuồng vào, đặt các cây con chừng 30-50 cm xuống nhẹ nhàng, cắm một cái cọc cứng giữa cây để giữ chúng luôn thẳng, tạo một hàng rào tròn chung quanh và hàng ngày chúng tôi phân công nhau mang nước tưới mỗi sáng sớm, trước khi mặt trời lên. Nhiều năm tháng cái cây ấy lớn lên, rễ mọc ra chung quanh, chúng tôi đo tán rộng của cành để làm cho đất xốp rộng theo, nước mưa thấm vào các đầu rễ để cây dễ hút nước (bài học sinh học này ai chả biết). Và như thế cây cứ lớn dần lên theo năm tháng...

Những mùa khai giảng mới hay cuối niên học, quay về sân trường chỉ để ngắm cây phượng đỏ tỏa bóng, vẫn hiên ngang đứng đó nhìn bao lứa học trò lớn lên, còn mình lại hồi ức nhớ về bạn bè, thầy cô hay chỉ đến choàng ôm...cây phượng xù xì như ôm một mối tình học trò xưa cũ luôn xanh tươi trước mọi biến đổi của thời gian già cỗi.

... Tôi lớn lên ở huyện Sơn Hòa/Sông Hinh, miền núi của tỉnh Phú Yên (cách Tuy Hòa tầm 60 km). Khi còn trẻ hàng ngày tôi bơi lội sông Ba, tắm truồng ở các dòng suối đầy ắp tôm cá và vào các cánh rừng già để hái trái quả tự nhiên, lắng nghe chim hót đầy thi vị. Bây giờ, tất cả những cánh rừng, dòng suối ấy trơ cạn, những triền dốc kia không còn cây cối gì nữa, họ biến chúng thành đất canh tác trồng mía và mì. Thiên nhiên tàn phá kinh khủng, rừng quốc gia chỉ còn gỗ tạp, những cơn mưa luôn tạo thành lũ cuốn với bùn đất và sỏi đá mạnh mẽ và hung tợn. Ai đã gây nên điều này trong suốt 35 năm qua khi tôi rời khỏi quê nhà ?. Câu hỏi này luôn làm tôi đau đáu lòng mình, dễ trả lời nhưng không dễ... chối bỏ(!).

Trở lại với cây phượng trường Bạch Đằng. Ai đã trồng cây phương này năm 1996? Chúng được trồng từ lúc bé tầm 30-50 cm hay chúng đã to đùng bằng nửa thân người, cao 3-5m rồi mới mang đến đây trồng cho nhanh ra tán lá? Tại sao các cây sao la trước Dinh Độc Lập đã có hàng trăm năm, cao vút 30-50 m, tán rộng to lớn kia không đổ bởi một cơn gió lúc trời mưa? Sân trường bằng xi măng, chỉ một lõm nhỏ vòng tròn đường kính 1-1,5m làm "cảnh" chung quanh cây phượng 24 năm tuổi thì ý nghĩa gì cho "vị thế đứng" của cây và rễ trong lòng đất?

Chúng ta học rất nhiều bài học về sinh học, về trồng trọt, về cây cối chung quanh, nhưng chúng ta quên đi bài học trách nhiệm hòa quyện lòng yêu thương tương lai con trẻ. Chúng ta chỉ hành động vì lợi ích trước mắt: Đó là mang một cái cây to đùng từ nơi khác về trồng để chỉ mong sao trong một khoảng thời gian ngắn nhất có ngay bóng mát ?. Đó là suy nghĩ "tham lam và ích kỷ" của con người chứ tự nhiên trong thiên nhiên đất Mẹ không ai cho phép.

Vì vậy, bất kỳ HÀNH ĐỘNG gì của bạn trong hôm nay, bạn hoặc chính con bạn sẽ gánh chịu HẬU QUẢ/ KẾT QUẢ trong tương lai hết thảy. Yêu con người, yêu đất nước, yêu thiên nhiên là vậy sao?. Đó không phải là một nguyên lý giáo dục của môn đời mà cha ông ta từng để lại...

Cây bật gốc, người lớn cứ loay hoay tìm xem trách nhiệm thuộc về ai. Hôm nay, một số trường đang lên kế hoạch “chặt luôn các cây lớn cho rồi”...

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyện giáo dục hay chuyện “bên trong cây phượng”?

    Chuyện giáo dục hay chuyện “bên trong cây phượng”?

    06:12, 27/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Có phải lỗi ở cây phượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO