Trường học mất an toàn là thế, song, chưa khi nào việc ngăn chặn bạo lực, xâm hại học sinh may mắn rôm rả như chuyện thu, chi...
Không biết từ khi nào cây phượng vĩ và màu hoa đỏ chót của nó trở thành một biểu tượng đáng nhớ nhất trong lòng tuổi học trò. Phượng nở, ve kêu tức là hè đến, là mùa “chia tay” bịn rịn bùi ngùi...
Cũng chẳng biết ai “bày” ra cái chuyện sân trường phải có cây phượng vĩ, nhưng khắp từ Bắc chí Nam, hầu như trường nào cũng có, đó là loại “đồng phục” đã đi vào văn học nghệ thuật.
Cho đến khi, cây phượng vĩ cổ thụ bỗng chốc trở thành nỗi ám ảnh mấy ngày nay tại THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) gãy đổ đè 18 học sinh khiến 1 em tử vong!
Tưởng chừng sẽ có một “trận bóng đá” được bày ra từ việc này khi vị Hiệu trưởng nói: “Cây phượng được trồng từ năm 1996 - từ đời hiệu trưởng trước. Còn ông mới về trường được 3 năm nay...”- dường như đó là một lời bào chữa?
Tuy nhiên, vị này nói thêm: “Cây phượng bị đổ nếu nhìn bên ngoài sẽ không nghĩ là có thể bị đổ. Bởi ở phía ngoài cây rất tươi tốt. Khi cây đổ, chúng tôi đã trích xuất camera và rất bất ngờ việc cây này bị đổ. Nếu nói về trách nhiệm thì tôi xin nhận vì là hiệu trưởng”.
Đúng rồi, tất cả sự việc nếu nhìn bên ngoài sẽ chỉ thấy lớp vỏ được ngụy trang mà thôi. Nhà trường, cái nôi của nền giáo dục, nếu nhìn bên ngoài cũng uy nghi, sắc son nhưng khi bước qua cổng, vào sâu bên trong sẽ còn vô số chuyện nhức nhối.
Đó không chỉ là chuyện cây phượng vĩ già cỗi đổ sập - mà chỉ là một trong vô vàn những biểu hiện đáng lo ngại về sự an toàn của học sinh ngay chính trong nhà trường.
Năm 2018, cổng một ngôi trường tiểu học tại Lào Cai cũng...bất ngờ đổ sập đè chết một học sinh. Điều đau đớn nhất khi người ta phát hiện ra là trụ hoàn toàn không có thép!
Ngay tại Hà Nội, trường Mầm non Vườn Xanh ở Khu đô thị Mỹ Đình bị sập tan hoang trong quá trình thi công. Trời thương, sự cố xảy ra khi công trình chưa đưa vào sử dụng.
Cách đây chưa lâu, tại Đà Lạt, sàn phòng học đột nhiên sập, 10 học sinh trộn với bàn ghế rơi từ độ cao 5m, tất cả phải nhập viện cấp cứu!
Mới năm ngoái, tại Quảng Bình có trường hợp sập sàn bê tông nhà vệ sinh khi đang thi công tại trường THCS Đức Ninh, khiến 1 người chết. Và nếu tiếp tục thống kê, e rằng tốn không ít thời gian!
Xem thử, cụm từ “sập trường học” trên Google cho thấy những gì, nó có tới 14 triệu kết quả, nhưng nổi bật nhất là những trường hợp tai nạn thảm khốc từ châu Phi - nơi được xem chậm phát triển nhất thế giới, và phần lớn Google hướng kết quả về Việt Nam! Bạn đọc tự khắc logic lại vấn đề.
Thật buồn, cứ mỗi đầu năm học, câu chuyện được bàn tán rôm rả nhất chính là tiền! Thu ít, thu nhiều và lạm thu, sau đó có nơi trả lại, nơi chống chế, đã cấm, thế mà có được đâu! Nguyên do đôi khi được đá sang “hội phụ huynh”.
Trường học mất an toàn là thế, song, chưa khi nào việc ngăn chặn bạo lực, xâm hại học sinh may mắn trở thành rôm rả như chuyện thu, chi. Và, tôi có cảm giác rằng, chuyện đó không quan trọng bằng thành tích, năm nay bao nhiêu giỏi, khá, giấy khen các kiểu, tỷ lệ tốt nghiệp, lên lớp...
Nói về cây phượng vĩ cổ thụ kia, đúng là không ai biết trong ruột nó đã mục ruỗng nếu nhìn cái thân vạm vỡ. Nhưng, đầu óc của nhà quản trị mẫn tiệp phải nghĩ rằng, đó là mối nguy treo lơ lửng ngay trên đầu của cả chính ông ta.
Vì thế, bao năm nay chữ “tâm” được đặt lên đầu tiên trong bộ ba “tâm - tầm - tài” khi luận về tiêu chí chọn người lãnh đạo. Để bảo vệ học sinh, đôi lúc không cần tốn kém quá nhiều tiền bạc, mà xuất phát từ cái tâm của nhà giáo.
Có 2 người thầy rất nổi tiếng ở Hàn Quốc sau vụ chìm phà Sewol, một người cởi áo phao nhường cho học sinh trong khi vụ chìm xảy ra, thầy đã chết; và một người dù được cứu sống, nhưng quá xót xa trước hàng trăm sinh mạng nhỏ bé nên đã tự vẫn!
Có thể bạn quan tâm
19:52, 12/05/2020
06:00, 12/05/2020
07:00, 04/05/2020
14:07, 29/04/2020
12:41, 02/04/2020