Cổ phần hóa minh bạch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Bảo Lam 06/01/2018 09:40

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  tại buổi thăm, làm việc với lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), chiều 5/1.

Thủ tướng làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, ngành cao su Việt Nam có truyền thống lâu đời, là một trong những ngành hình thành giai cấp công nhân Việt Nam, có nhiều đóng góp, hy sinh xương máu cho cách mạng.

“Tôi đã đi thăm nhiều cơ sở, các công ty thuộc Tập đoàn từ nhà máy MDF Quảng Trị đến các nông trường, công ty cao su ở Tây Bắc, miền Trung, miền Nam, rất thấu hiểu hoàn cảnh, diễn biến của Tập đoàn qua các thời kỳ”, Thủ tướng chia sẻ và đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn, nhất là trong thời kỳ giá cao su rớt mạnh nhưng vẫn cố gắng, quyết tâm, vượt khó đi lên.

Với 88.000 người lao động, diện tích 415.000 ha cao su, Tập đoàn có những bước phát triển tốt. Năm 2017, Tập đoàn có lợi nhuận sau thuế là 3.600 tỷ đồng. Đời sống công nhân ổn định với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Có thể bạn quan tâm

  • "Ông lớn" cao su VRG có "bật" được giữa cơn bão?

    06:30, 06/01/2018

  • Cổ phần hóa Cty mẹ Tập đoàn Cao su: Tìm nhà đầu tư chiến lược trong nước

    01:05, 27/12/2017

Thủ tướng khẳng định dù thế giới có tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì cũng vẫn cần đến cao su, vì thế tương lai của ngành này là rất lớn. Song Tập đoàn phải tăng cường quản trị, đổi mới quản lý và tái cơ cấu. Trong lần Tập đoàn bán vốn đợt đầu ra công chúng vào tháng 2 tới đây phải được thực hiện minh bạch, công khai như với Vinamilk và Sabeco nhằm bảo đảm không thất thoát vốn nhà nước.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tăng cường quản trị, đổi mới quản lý, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu với tinh thần phải minh bạch, công khai, bảo đảm không thất thoát vốn nhà nước.

Đồng thời Tập đoàn phải đi sâu vào công nghiệp chế biến để có giá trị gia tăng cao hơn với lộ trình, bước đi tính toán chặt chẽ. Quan tâm chăm lo cuộc sống cho công nhân, nhất là lao động nữ, trong đó tạo lập thiết chế văn hóa cho công nhân. Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo Công đoàn Cao su Việt Nam làm một số khu cho công nhân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. “Nếu công nhân cao su Việt Nam có thiết chế văn hóa ở một số lĩnh vực như nhà trẻ, nhà ở, nhà văn hóa, căng tin thì rất đáng quý, cần quan tâm”, Thủ tướng nói.

Trên tinh thần Nghị quyết 01 năm 2018 của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu VRG cũng như các tập đoàn khác phải có chương trình hành động thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018, nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao, đóng góp vào thành tích chung của đất nước.

Sau nhiều lần trì hoãn, thương vụ IPO của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) sau nhiều lần trì hoãn đã được "chốt" thời điểm IPO vào 09 giờ 00 ngày 2/2.

Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, VRG có vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng, tương ứng với 4 tỷ cổ phần. Trong đó, 3 tỷ cổ phần nhà nước, chiếm 75% vốn điều lệ; 475.123.761 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 11,88% vốn điều lệ; 475.123.761 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 11,88% vốn điều lệ; 48.921.710 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động, chiếm 1,22% vốn điều lệ; 830.769 cổ phần bán cho tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, chiếm 0,02% vốn điều lệ.

Tại mức giá khởi điểm 13.000 đồng, vốn hóa của VRG đạt 52.000 tỷ đồng; cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn bộ phần vốn nhà nước là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đáng chú ý, nhà đầu tư chiến lược của VRG phải ở trong nước, không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; bảo đảm nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Trong đó bảo đảm điều kiện không chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 5 năm và quy định rõ quyền ưu tiên của nhà nước được mua cổ phần nếu nhà đầu tư chiến lược bán cổ phần sau 5 năm cổ phần hóa.

Lý giải vì sao không bán cổ phần của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài,Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, có rất nhiều lý do nhưng cơ bản nhất là vì đất đai, tập đoàn này có hơn 300.000 ha, có những nơi có vị trí rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng an ninh, đất đai ở đô thị cũng có những vị trí rất đắc địa.

Thêm nữa, hơn 100.000 ha của Tập đoàn này được Chính phủ Lào và Campuchia cho phép đầu tư. Vì vậy muốn cổ phần hóa đưa thêm nhà đầu tư khác ở nước ngoài cần có sự đồng ý theo thông lệ quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phần hóa minh bạch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO