Những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của ngành bao bì nhựa đã giảm sút nhiều và trước sự trỗi dậy của xu hướng “tiêu dùng xanh”, khó khăn đối với ngành này chắc chắn sẽ chưa dừng lại.
Ngày càng khó
Nhựa bao bì là ngành công nghiệp non trẻ và có nhiều cơ hội phát triển ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trước đây, tốc độ tăng trưởng của ngành này rất ấn tượng, đạt mức 16-18%/năm. Để tạo ra con số tăng trưởng ấn tượng như thế, ngành này đã phát huy tốt các thế mạnh vốn có như: công nghệ sản xuất ngắn, vốn đầu tư không lớn và thu hồi vốn nhanh, khả năng thâm nhập thị trường tốt, có vị thế với thị trường nội địa, chi phí nhân công rẻ, mẫu mã đa dạng, mạng lưới phân phối rộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của nhóm ngành nhựa bao bì đã giảm sút nhiều. Một số nguyên nhân chính có thể kể ra là: ngành chưa chủ động được nguồn nguyên liệu dẫn đến phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan, chưa có cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật của ngành, chưa có chiến lược phát triển thương hiệu, dây chuyền sản xuất lạc hậu so với thế giới, lực lượng lao động tay nghề còn kém, khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn còn hạn chế, tái chế và xử lý rác nhựa còn kém...
Có thể bạn quan tâm
15:39, 21/12/2018
05:39, 25/10/2018
11:03, 26/07/2018
13:00, 07/03/2018
Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas), ngành nhựa bao bì dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất của ngành này là phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất và luôn thụ động trước áp lực tăng giá. Nguyên liệu sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu, chủ yếu là các sản phẩm PVC, PET, PP. Do đó, giá thành sản xuất bao bì nhựa luôn bị biến động theo giá nguyên liệu nhập khẩu từ thế giới và biến động theo tỷ giá ngoại tệ.
Dù các nhà máy trong nước có lợi thế về chi phí lao động thấp và nhu cầu nội địa cao nhưng nhược điểm là công nghệ lạc hậu nên khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Kế đến là áp lực “thâu tóm” từ các công ty nước ngoài. Đơn cử như trường hợp của Công ty SCG Thái Lan, thông qua công ty con của mình là TC Flexible Packaging, đã gián tiếp chi ra trên 44 triệu đô la Mỹ để sở hữu 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), thuộc nhóm năm công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì.
Ngoài ra, cuộc cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm cho các công ty nhựa bao bì trong nước tổn hao nhiều nguồn lực. Dù các nhà máy trong nước có lợi thế về chi phí lao động thấp và nhu cầu nội địa cao nhưng nhược điểm là công nghệ lạc hậu nên khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Thêm một yếu tố mới xuất hiện gần đây là xu hướng “tiêu dùng xanh” dẫn đến việc sử dụng các sản phẩm nhựa bao bì không còn được ưa chuộng nữa. Người tiêu dùng ngày nay, đặc biệt tại các nước phát triển, có xu hướng tìm đến các loại bao bì, sản phẩm có thể tái chế được như ống hút giấy, túi giấy, túi nylon hữu cơ có thể phân hủy được...
Chỉ thấy một điểm sáng
Nhóm cổ phiếu ngành nhựa bao bì hiện chiếm tỷ trọng khá nhỏ trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Một số mã cổ phiếu trong ngành đang niêm yết hiện nay là AAA (Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh), MCP (Công ty cổ phần In và Bao bì Mỹ Châu), SPP (Công ty cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn), BTG (Công ty cổ phần Bao bì Tiền Giang), HBD (Công ty cổ phần Bao bì PP Bình Dương), HPB (Công ty cổ phần Bao bì PP). Do vốn hóa quá nhỏ nên ngoại trừ AAA (hiện đang niêm yết trên sàn HSX), hầu hết các cổ phiếu bao bì nhựa khác đều chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trên TTCK hiện nay, dẫn đến khối lượng giao dịch mỗi phiên của nhóm cổ phiếu này ở mức rất thấp.
Riêng Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh, doanh nghiệp này được đánh giá khá cao trong ngành do đang tiên phong trong lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa tự phân hủy tại Việt Nam, đồng thời cũng được biết đến là thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực kinh doanh thương mại hạt nhựa cho các nhà máy của Việt Nam.
Doanh thu năm 2018 của AAA tăng gấp đôi so với năm 2017 nhờ hai nhà máy số 06 và số 07 đi vào hoạt động. Mặc dù doanh thu tăng gấp đôi, nhưng giá vốn của AAA cũng tăng mạnh, khiến lợi nhuận sau thuế giảm 24%. AAA định hướng phát triển thị phần bằng việc cạnh tranh về giá bán và chi phí phát triển nhà máy. Ngoài ra, AAA cũng đang mở rộng hoạt động bán và cho thuê khu công nghiệp. Biên lợi nhuận gộp giảm trong năm 2018 do đẩy mạnh mở rộng thị trường cho khu An Phát Complex.
Thêm vào đó, hợp đồng bao tiêu đầu ra hạt nhựa PP từ Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) dự kiến được triển khai năm 2019 sau khi bị trì hoãn trong năm 2018. Hợp đồng này đến từ việc tập đoàn An Phát hợp tác với Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX) khởi động lại Nhà máy Sợi Đình Vũ. Cụ thể, AAA sẽ được đảm bảo phân phối tối thiểu 35% hạt nhựa PP từ BSR. Dự kiến giá bao tiêu sẽ rẻ hơn mua trên thị trường 20-30 đô la Mỹ/tấn. Giá vốn hạt nhựa thấp sẽ tạo điều kiện cho AAA cải thiện biên lợi nhuận gộp hoặc điều chỉnh giá bán tăng khả năng tiêu thụ.
Xuất khẩu cũng là một trong những điểm kỳ vọng ở hoạt động kinh doanh của AAA. Tháng đầu năm 2019 AAA xuất khẩu đạt kỷ lục 9.100 tấn bao bì màng mỏng chất lượng cao và túi vi sinh thân thiện môi trường AnEco đi các nước Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, tăng 137% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu khả quan của AAA trên chặng đường chinh phục mục tiêu doanh thu, lợi nhuận trong năm 2019. Trên sàn chứng khoán, từ đầu năm tới nay, cổ phiếu AAA đã tăng giá hơn 20%. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu bao bì nhựa nào cũng có diễn biến tích cực như AAA. Đa phần giao dịch kém sôi động với thanh khoản èo uột.