Từ ngày 31/8/2020, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) chính thức được niêm yết cổ phiếu BCM trên sàn HOSE.
Đây là doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương (thuộc sở hữu của UBND tỉnh), với vốn điều lệ hiện tại là 10.350 tỷ đồng.
Cùng với việc chuyển sang niêm yết trên HOSE, HĐQT của BCM cũng vừa thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu và bán cổ phần với quy mô lớn. Công ty này có kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng mệnh giá lên tới 1.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2020.
Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, BCM quyết định phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Tổng số tiền thu được (tạm tính) sau khi phát hành là 3.105 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tái cấu trúc tài chính (thanh toán các hợp đồng phát hành trái phiếu tới hạn) và bổ sung vốn lưu động cho công ty.
Dự kiến sau khi phát hành thêm cổ phần, vốn điều lệ của BCM sẽ tăng lên tới 12.420 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước vẫn chiếm trên 70% vốn điều lệ.
Trong quý II/2020, BCM ghi nhận doanh thu là 1.254 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 248 tỷ đồng, lần lượt giảm 39% và 65% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 47,4% về 44,2%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu là 2.484 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 581 tỷ đồng, giảm 27% và 52% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, sau 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này vẫn hoàn thành được tới 62,4% kế hoạch lợi nhuận đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020.
Tính tới 30/06/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 3,2% lên 44.910 tỷ đổng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho trị giá 24.076 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn là 10.268tỷ đồng, chiếm 22,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn là 4.442 tỷ đồng, chiếm 9,9% tổng tài sản.
Đáng chú ý BCM là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất KCN lớn nhất Việt Nam. Nếu tính cả liên doanh VSIP mà BCM đang nắm 49%, thì tổng diện tích đất KCN mà BCM đang sở hữu lên đến gần 15.000 ha. Ngoài ra, BCM còn sở hữu gần 1.000 ha đất đô thị Dự án Thành phố mới Bình Dương. Hầu hết các dự án của BCM nằm ở tỉnh Bình Dương, nơi có vị trí ngay sát TP.Hồ Chí Minh và có tốc độ thu hút FDI thuộc nhóm cao nhất cả nước. Nhìn chung, các KCN cũ của BCM đều có tỷ lệ lấp đầy gần 100%, trong khi các KCN mới như KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng mới đi vào khai thác cũng được lấp đầy nhanh chóng.
Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cùng với Hiệp định EVFTA và EVIPA có hiệu lực, đã và đang có lợi cho các doanh nghiệp bất động sản KCN. Ngoài ra, chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ cũng sẽ giúp cho cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giúp kết nối hạ tầng, logistics của các KCN đến các thành phố trung tâm và cảng biển ngày càng hoàn thiện hơn. Đây cũng chính là động lực giúp ngành bất động sản KCN tăng trưởng.
Trước đó, toàn bộ 1 tỷ cổ phiếu BCM đã giao dịch phiên cuối trên UpCOM vào ngày 19/8/2020 và hủy đăng ký giao dịch để chuyển sàn sang niêm yết trên HoSE. BCM đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên UpCOM ở mức 30.100 đồng/cổ phiếu.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu BCM trên sàn HOSE là 28.000 đồng/cổ phiếu. Giá này được xác định trên cơ sở bình quân giá tham chiếu của cổ phiếu BCM trong 20 phiên giao dịch cuối cùng tại HNX từ ngày 23/7 đến 19/8/2020.
Dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của BCM giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do được hưởng lợi từ những yếu tố tác động nói trên đến ngành bất động sản KCN, nên trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE, cổ phiếu BCM đã tăng tới 20% đóng cửa ở mức 33.600đ/cp.
Có thể bạn quan tâm