Mới đây, Công ty CP Thủy sản Bạc Liêu (HNX: BLF) đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình về việc cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết.
>>>Xuất khẩu hồi phục, cổ phiếu ngành thủy sản có được hưởng lợi?
Theo đó, nguyên nhân HNX xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu BLF là do “Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng".
Lãnh đạo BLF cho biết, do ảnh hưởng của tình hình đại dịch COVID-19 khiến việc xuất khẩu bị đình trệ và giảm lượng hàng xuất khẩu, dẫn đến tình hình hoạt động kinh doanh năm 2021 và 2022 bị lỗ nặng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tình hình kinh doanh của Công ty có khả quan hơn, khi trong quý II, công ty lãi 12,8 tỷ đồng (so với năm 2021 lỗ 4,5 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 6,9 tỷ đồng) và quý III/2023 lãi 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ 10,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cho rằng, việc cổ phiếu BLF đang bị hạn chế giao dịch dẫn đến việc thanh khoản và giao dịch cổ phiếu của công ty không có giao dich.
Trước đó, vào ngày 28/10/2022, HNX đã ra quyết định về việc hạn chế giao dịch chứng khoán đối với cổ phiếu BLF do Công ty chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022 quá hạn 45 ngày.
Về hướng khắc phục, BLF cam kết sẽ cố gắng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh xuất khẩu trong năm 2023 và các năm kế tiếp để mang lại lợi nhuận tối ưu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng rất mong nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của HNX.
Trên thị trường, cổ phiếu BLF đang đứng ở mức giá 3.200 đồng/cổ phiếu từ ngày 7/9/2022. Từ đó đến nay, cổ phiếu này không có bất kỳ giao dịch cũng như biến động thị giá nào.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2023, BLF ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 210 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Khẩu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp hơn 34 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng hơn 15% so với cùng kỳ, lên hơn 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí cho hoạt động này giảm hơn 27% so với cùng kỳ, xuồng còn hơn 2,7 tỷ đồng.
Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được cắt giảm một phần đáng kể. Tất cả các yếu tố trên đã giúp doanh nghiệp ngành thủy sản này có một quý kinh doanh khả quan hơn, khi ghi nhận lãi hơn 10 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ cũng hơn 10 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, BLF mang về hơn 491 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương với co số của cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi hơn 9,7 tỷ đồng, so với con số lỗ hơn 24 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10 năm 2023, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu tôm đạt khoảng 320 triệu USD, giảm 11% so với tháng 10/2022; xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ trong tháng 10 có chiều hướng khả quan hơn với mức tăng trưởng 2 con số, tăng lần lượt 13% và 40% so với cùng kỳ, đạt 87 triệu USD và 28 triệu USD. Tới hết tháng 10, cá ngừ đã mang về lượng ngoại tệ 704 triệu USD, giảm 20% và cua ghẹ thu về 164 triệu USD, ít hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận doanh số trên 540 triệu USD, giảm 14%, nhuyễn thể có vỏ đạt trên 109 triệu USD, giảm 10%. Xuất khẩu các loại cá biển khác trừ cá ngừ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 8%, riêng trọng tháng 10 đạt 166 triệu USD, giảm 11%.
Đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 là trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, theo VASEP, nếu tình hình tiêu thụ thuận lợi, các đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới sôi động hơn thì tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 có thể sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15 - 16% so với năm 2022.
Với kịch bản lạc quan này, dự báo tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5 - 3,6 tỷ USD, giảm 16 - 18% so với cùng kỳ năm trước. Cá tra cũng giảm 28% và đạt 1,7 - 1,8 tỷ USD. Xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc sẽ giảm khoảng 14 - 15%, đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD. Xuất khẩu cá biển sẽ ước đạt 1,9 - 2 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.
Với kịch bản kém lạc quan hơn, khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại, nhưng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... có thể dẫn đến dự đoán xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể chỉ mang về khoảng 8,5 - 8,7 tỷ USD. Trong đó, sụt giảm sâu nhất vẫn nằm ở hai ngành hàng cá tra và tôm.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu hồi phục, cổ phiếu ngành thủy sản có được hưởng lợi?
04:45, 07/10/2023
Cổ phiếu ngành thủy sản tăng “nóng” khi Trung Quốc cấm thủy sản Nhật Bản
04:30, 26/08/2023
Ngành Thuỷ sản: Nhu cầu yếu cản trở sự phục hồi
13:30, 08/06/2023
Ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023?
04:45, 12/01/2023
Ngành thủy sản và xu thế tất yếu chuyển đổi xanh
10:10, 29/11/2022