Cổ phiếu giá bèo cổ tức cao dậy sóng thị trường

Hoàng Yến 12/04/2018 05:45

Những ngày đầu tháng 4/2018, hàng chục doanh nghiệp đã công bố mức cổ tức bằng tiền mặt cao ngất ngưỡng, có trường hợp cao gấp cả chục lần so với thị giá.

Những thông tin này được giới đầu tư ráo riết săn đón và khiến thị trường dậy sóng. Nhưng liệu có nên rót tiền vào những cổ phiếu này?

Đằng sau mức cổ tức khủng

Tuần đầu tiên của tháng 4/2018, có gần 20 doanh nghiệp công bố mức cổ tức khủng bằng tiền mặt. Mức trung bình cỡ 15% cho, tức 1.500 đồng/cổ phiếu, cao nhất đến 120%, tức 12.000 đồng/cổ phiếu.  Điểm qua một vài doanh nghiệp công bố chia cổ tức sẽ thấy, hầu hết các doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh khả quan so với năm trước đó và niêm yết trên sàn Upcom.

Sức hấp dẫn của các công ty quảng cáo như Vinexad có thực đến từ hoạt động kinh doanh lõi hay mức chia cổ tức đột biến?

Sức hấp dẫn của các công ty quảng cáo như Vinexad có thực đến từ hoạt động kinh doanh lõi hay mức chia cổ tức đột biến?

Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad (VNX, sàn Upcom). Doanh thu năm 2017 của Vinexad đạt gần 150 tỷ đồng (tăng trưởng 18% so với năm 2016 và vượt 29% kế hoạch đặt ra), lợi nhuận sau thuế đạt gần 8,8 tỷ đồng (tăng trưởng 46% so với cùng kỳ và thực hiện gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận được giao). Với kết quả này, Vinexad thông qua mức cổ tức 35% thay vì mức 20% trước đó.

Công ty Cổ phần Cơ khí Luyện kim (SDK, sàn Upcom) cũng chia cổ tức bằng tiền đến 40% cho năm 2017. Đặc biệt là nhất có lẽ là Công ty May xuất khẩu Phan Thiết (PTG, sàn Upcom). Năm 2017, doanh thu của PTG đạt hơn 305 tỷ đồng (vượt 2% mục tiêu), lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 29 tỷ đồng (vượt 30% mục tiêu cả năm). Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận trình đại hội cổ đông 2018 sắp tới, PTG dự định chi trả cổ tức năm 2017 bằng 120% vốn điều lệ, tương đương số tiền chi hơn 55 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận năm 2017 chưa đủ, PTG dự tính gom hết nguồn lợi nhuận giữ lại từ các năm trước để làm hài lòng cổ đông.  

Điểm đáng chú ý là mức cổ tức PTG chi ra gấp 8 lần thị giá, vì cổ phiếu PTG hiện chỉ có giá 1.500 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa công ty khá nhỏ, đến đầu tháng 4/2017 chỉ tương đương 7 tỷ đồng. Với Vinexad, tỉ lệ cổ tức xấp xỉ thị giá là 4.200 đồng/cổ phiếu. Tức nhà đầu tư sẽ lãi gần 100% sau khi được chia cổ tức. Tuy nhiên, chia cổ tức 35% sẽ khiến công ty chi ra hơn 10 tỷ đồng tiền mặt, trong khi lợi nhuận năm 2017 chưa tới 9 tỷ đồng. Thanh khoản của Vinexad cũng là điều đáng chú ý khi khối lượng giao dịch trung bình trong vòng một năm qua là 1 cổ phiếu/phiên.

Có nên đầu tư?

Ngoài yếu tố chênh lệch giá, nhà đầu tư cũng quan tâm đến cổ tức khi chọn mua cổ phiếu. Nếu mua được cổ phiếu có cổ tức cao, sau đó lại bán được giá tốt nữa thì coi như lần đầu tư đó khá thành công. Tuy nhiên, với nhiều cổ phiếu trả cổ tức cao, nhà đầu tư có khi trả giá cao cũng không mua được.

Đơn cử như với cổ phiếu của Vinexad, khối lượng giao dịch trung bình trong vòng một năm qua là 1 cổ phiếu/phiên. Ngoài ra, từ cuối năm 2017 đến nay, cổ phiếu PTG không có giao dịch nào được khớp lệnh. Sở hữu phần lớn cổ phiếu các công ty này là các lãnh đạo công ty đó, một hình thức của công ty gia đình. Một yếu tố chính yếu khác là quy mô các công ty này khá nhỏ, lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường vì thế cũng khá hiếm hoi.

Vậy có nên mạnh tay rót tiền để mua những cổ phiếu giá thấp, quy mô nhỏ nhưng trả cổ tức cao?

Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư khối Khách hàng cá nhân, CTCK Maybank Kim Eng VN, trong giai đoạn hiện nay thì rất nên đầu tư. Trong quý I/2018, thị trường chứng khoán tăng mạnh và thuộc nhóm thị trường tăng mạnh nhất thế giới. Có khoảng hơn 300 mã có mức tăng cao hơn mức tăng của VN-index, phần lớn là các mã có vốn hóa vừa và nhỏ. “Dòng tiền đang hướng về các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và vừa”, ông Khánh đánh giá.

Nếu chọn đúng thời điểm, không chỉ hưởng cổ tức cao, nhà đầu tư còn hưởng lợi từ mức tăng của thị trường chung và gặt hái được khoản lợi nhuận lớn. Nổi bật nhất trong quý đầu năm là cổ phiếu KPF của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Hoàng Minh. Đầu năm 2018, KPF chỉ có giá trên 5.000 đồng/cổ phiếu. Sau hàng chục phiên tăng trần liên tiếp, thị giá KPF được đẩy lên ngưỡng 42.000 đồng và hiện được giao dịch xoay quanh giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm, thị giá KPF đã tăng gấp 8 lần. Đáng chú ý, KPF chỉ là một doanh nghiệp vật liệu xây dựng với số vốn hơn 176 tỷ đồng và lợi nhuận hàng năm chỉ trên dưới 10 tỷ đồng.

"Tuy nhiên, với những cổ phiếu có quy mô quá nhỏ hoặc thanh khoản thấp thì nhà đầu tư cần dè chừng. Bởi vì dù có mua được nhưng lúc bán ra không có người mua thì dù cổ phiếu có tăng giá cũng không còn ý nghĩa nữa. Nếu muốn đầu tư vào những cổ phiếu loại này vì lợi nhuận tốt thì chỉ nên đầu tư dài hạn" - ông Khánh nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu giá bèo cổ tức cao dậy sóng thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO