Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có thông báo về việc sẽ xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GMC của Công ty CP Garmex Sài Gòn.
Cụ thể, theo HoSE, cổ phiếu GMC hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm gần nhất (2022-2023) là con số âm.
Căn cứ Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2024 của GMC và văn bản số 735 ngày 16/12/2024 của Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam (AASCS) xác nhận thông tin: "Công ty đã bị tạm ngưng sản xuất kinh doanh chính từ tháng 5/2023 đến nay (đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán ngày 15/8/2024)".
Theo đó, GMC không có phát sinh doanh thu và chi phí sản xuất đơn hàng, chỉ phát sinh một số chi phí không đáng kể cho nhân viên bộ phận trực tiếp và gián tiếp được giữ lại, chi phí duy trì, bảo dưỡng tài sản cố định và hàng tồn kho.
Do đó, cổ phiếu GMC rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155 ngày 31/12/2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp: "Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 1 năm trở lên".
HoSE cho biết, đơn vị này sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GMC theo quy định.
Tiền thân của Garmex Sài Gòn là Công ty Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, được thành lập năm 1976. Năm 2004, công ty được cổ phần hóa và chính thức niêm yết trên sàn HoSE từ năm 2006 với mã cổ phiếu GMC.
Từng là một doanh nghiệp lớn và có tiếng tăm trong ngành dệt may Việt Nam, có thời điểm, doanh nghiệp này có doanh thu kỷ lục lên đến 2.000 tỷ đồng/năm, số lượng công nhân cũng lên đến gần 4.000 người. Doanh nghiệp cũng đã từng có các khách hàng lớn như Decathlon (Pháp), Columbia (Mỹ), Cutter & Buck (Mỹ)…
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, kể từ khi “mối lương duyên” với “gã khổng lồ” Amazon bị chấm dứt, cũng là lúc tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này xuống dốc không phanh, liên tục thua lỗ và gần như không còn có thể kiếm tiền từ mảng truyền thống.
Năm 2022, doanh thu của GMC sụt giảm đến 93% so với năm trước, khiến doanh nghiệp lần đầu tiên báo lỗ hơn 85 tỷ đồng. Để cắt giảm chi phí, doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất và tiến hành cắt giảm nhân sự trên diện rộng. Từ gần 4.000 nhân sự, đến cuối quý III/2024, doanh nghiệp này chỉ còn duy trì hơn 30 nhân viên. Công ty cho biết, trong năm 2022 đã cắt giảm 1.828 nhân sự và tiếp tục tục cắt giảm 1.947 nhân sự trong năm 2023.
Sang năm 2023, GMC ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất chỉ đạt 8,3 tỷ đồng, giảm 97% so với năm 2022. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng.
Trong quý III/2024, mặc dù doanh thu tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh nghiệp cũng chỉ đạt hơn 116 triệu đồng, chủ yếu là do phát sinh doanh thu từ việc may chăn từ nguyên phụ liệu tồn kho và kinh doanh nhà thuốc. Lợi nhuận sau thuế tiếp tục thua lỗ gần 9 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của GMC chỉ đạt hơn 1,7 tỷ đồng, giảm hơn 79% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng. GMC hiện đang phải “sống nhờ” vào việc mua bán tài sản đã qua sử dụng, lãi tiền gửi và thanh lý tài sản.
Với việc lỗ thêm 8 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này nâng lên 82 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu GMC vẫn bị nằm trong diện cổ phiếu bị kiểm soát từ cuối tháng 8/2024.
Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của GMC giảm hơn 5% so với hồi đầu năm, chỉ còn gần 398 tỷ đồng. Tổng nợ gần 10 tỷ đồng và âm vốn chủ gần 82 tỷ đồng.
Theo báo cáo cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh mới đây, lãnh đạo GMC cho biết, quý III và quý IV/2024, doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng may mặc, việc này đã kéo dài từ tháng 5/2023, tức hơn 19 tháng qua.
Trong thời gian tạm ngừng sản xuất, Công ty đã cơ cấu lại lao động, chỉ giữ lại một số nhân viên bộ phận gián tiếp và trực tiếp để quản lý tài sản, hàng tồn kho và tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, do đó vẫn phát sinh chi phí may mặc. Bên cạnh đó, rà soát lại tài sản và thanh lý một số ít tài sản cũ không có hiệu quả, nhưng không thanh lý hoàn toàn và sẵn sàng khôi phục sản xuất khi điều kiện thuận lợi.
Hiện tại, Công ty đang tiếp xúc với khách hàng, nếu có đơn hàng, dự kiến sẽ triển khai may tại nhà máy Quảng Nam vào tháng 3/2025 và nếu thuận lợi thì dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ khôi phục sản xuất tại nhà máy Quảng Nam với 1.200 lao động.