Cùng với xu thế của thị trường, cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã giảm gần 80%so với khi chào sàn đã gây thiệt hại nặng cho giới đầu tư.
Tại mức giá 6.950 đồng hiện nay, HSG đã mất tới 76% giá trị so với giai đoạn đỉnh điểm giữa năm 2017 (thị giá gần 30.000 đồng). Mức giá đóng cửa phiên 23/11 của HSG cũng là thấp nhất kể từ đầu năm 2013 tới nay.
Từng là Bluechips trên sàn chứng khoán và là doanh nghiệp tôn hàng đầu Việt Nam nhưng trong những năm gần đây, cổ phiếu HSG càng tuột dốc không phanh. Vậy điều gì đang diễn ra đối với HSG từng làm mưa làm gió một thời trên sàn chứng khoán...
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện bài toán khó của HSG chính là dư nợ tăng khủng, đi cùng hàng tồn kho ứ đọng khiến biên lãi giảm mạnh nhiều quý trở lại đây. Chưa hết, giá nguyên liệu và tính cạnh tranh tăng cao cũng đang là khó khăn cho toàn ngành nói chung.
Kết quả là, 9 tháng đầu năm 2018, giá HRC (thép cán nóng) nhập khẩu tăng mạnh 16%, kéo theo nhuận ròng HSG giảm mạnh 55%, xuống còn 512 tỷ đồng. Biên lãi Tập đoàn cũng điều chỉnh mạnh, cụ thể tỷ suất lợi nhuận gộp của HSG giảm về mức thấp nhất trong lịch sử là 10% trong quý 2/2018.
Hơn nữa, tình trạng nợ vay ở mức cao do hàng tồn kho tăng, dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng đáng kể từ 2,3x vào cuối năm tài chính trước lên 3x vào cuối tháng 6/2018, càng khiến HSG dễ bị tổn thương hơn trước áp lực giá nguyên vật liệu so với đối thủ.
Theo giới đầu tư, khó khăn đầu tiên mà HSG gặp phải là tình hình cạnh tranh gay gắt trong nước và rào cản thương mại đối với thép. Việc tăng công suất nhanh trong giai đoạn 2016-2018 của những công ty hàng đầu như HSG (tăng 1,5 triệu tấn, tương đương 121% so với cuối năm 2015), NKG (tăng 800.000 tấn, tương đương 190% so với năm cuối năm 2015) và sự xuất hiện mới của HPG (400.000 tấn vào đầu năm 2018) đã khiến cạnh tranh trong thị trường tôn mạ trong nước trở nên gay gắt. Cộng với lượng tồn kho hơn 6.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 31% tổng tài sản sẽ là áp lực không nhỏ cho HSG trong bối cảnh thị trường tôn thép ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu đầu vào thép cán nóng (HRC) tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận doanh nghiệp. Trong niên độ tài chính quý 4/2018 (1/7-30/9), biên lãi gộp của HSG chỉ là 8,5%, mức thấp nhất trong lịch sử. Cùng kỳ năm trước, biên lãi gộp của công ty lên tới hơn 16%.
Ngoài ra, nợ vay cao cũng là yếu tố bào mòn lợi nhuận của HSG. Tính tới cuối niên độ tài chính 2018 (1/7/2017 – 30/9/2018), nợ vay của HSG lên tới hơn 14.000 tỷ đồng, chiếm gần 70% cơ cấu nguồn vốn doanh nghiệp. Riêng trong năm 2018, chi phí lãi vay của HSG lên tới 812 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm trước đó.
Do vậy, HSG chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận 410 tỷ đồng trong năm 2018, giảm 69% so với năm trước đó và là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Riêng trong quý 4, công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 100 tỷ đồng và điều này đã khiến giới đầu tư "tháo chạy" khỏi cổ phiếu HSG trong những tháng cuối năm 2018.