Cổ phiếu penny “nhỏ nhưng có võ”

PHẠM HOÀNG QUANG KIỆT – Phó trưởng Phòng Nghiên cứu và Phân tích FIDT 24/05/2024 03:23

Mặc dù chỉ số VNSML không phải là chỉ số có sự phục hồi mạnh nhất, nhưng đây lại là nhóm có tăng trưởng mạnh nhất về thanh khoản, thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư.

>>>Cơ hội cho cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết khi mở rộng công suất nhà máy

Sau khi có nhịp điều chỉnh, cổ phiếu ở cả 3 mức vốn hóa lớn, vừa, nhỏ đều phục hồi. Theo đó tính đến 16/05/2024, chỉ số VNMID tăng 9,7% so với đáy, chỉ số VNSML (+8,39%), VN30 (+8,99%).

Sóng Penny có dài?

Xét trong ngắn hạn, các khảo sát của chúng tôi cho thấy, trong khoảng 3 tháng đầu tiên kể từ sau phiên giảm thì VNSML đều tăng trưởng tốt.

Về mặt thanh khoản, trong suốt thời gian từ khi có cú sụp đến T+90, dòng tiền vẫn đổ vào cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Tuy nhiên, trong khoảng T+60 thì dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu này có phần chậm lại.

Những điều này hàm ý rằng, cổ phiếu vốn hóa nhỏ sau nhịp điều chỉnh sẽ vẫn có tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ có một số giai đoạn dòng tiền không nhập cuộc mạnh mẽ nữa, khả năng cao thường sẽ rơi vào giai đoạn T+60 từ sau phiên điều chỉnh. Điều này có thể đến từ việc dòng tiền sẵn sàng nhập cuộc bắt đáy đã tạm thời hài lòng với những thành quả có được và hiện thực hóa lợi nhuận của mình.

Tuy nhiên, xét về dài hạn thì các cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn có khả năng tăng trưởng. Những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn không sẵn sàng “bán lúa non” vẫn tiếp tục ở lại, hay những nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng dài hạn của các cổ phiếu này vẫn nhập cuộc khi có những mức chiết khấu hợp lý. Điều này có thể nhìn thấy bởi thanh khoản hầu hết đều tăng sau cú sụp, kể cả sau khi dòng tiền có sự điều chỉnh.

Ở thời điểm hiện tại, chỉ số VNSML đã hồi phục về vùng trước cú sụp. Những cơ hội giải ngân với lợi nhuận cao cũng đã hẹp hơn trước nhiều. Trong ngắn hạn, một số nhà đầu tư sẽ có động thái hiện thực hóa lợi nhuận và tận hưởng thành quả. Mặt khác, vùng giá hiện tại cũng chưa phải là quá hấp dẫn để những dòng tiền bị lỡ con sóng trước đó có thể nhập cuộc.

Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có thể sẽ cần những mức chiết khấu phù hợp để cung và cầu có thể gặp nhau. Những nhà đầu tư đã mua được ở vùng giá thấp, tự tin về triển vọng dài hạn của doanh nghiệp thì vẫn có thể tận hưởng thành quả. Những nhà đầu tư đã lỡ cơ hội trước đây, có thể chờ đợi những mức chiết khấu phù hợp để nhập cuộc.

Cũng phải nói thêm rằng, các thống kê của chúng tôi cho thấy trong 10 năm qua, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình là nhóm có xác suất tăng trưởng cao nhất, đồng thời có tăng trưởng mạnh nhất về giá trong cả 3 phân khúc vốn hóa.

>>>Chiến lược đầu tư 2024: Kế hoạch tài chính dựa trên hiệu suất rủi ro

Đầu tư về bản chất là kinh doanh vốn, nguyên tắc đầu tiên là tuyệt đối không được để mất vốn và thứ hai là không được quên nguyên tắc này. Do đó, một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ có thể hứa hẹn về mức lợi tức cao, nhưng nhà đầu tư cũng cần phải tính đến quy mô vốn của mình.


Lưu ý với nhà đầu tư

Cổ phiếu penny là một thuật ngữ dùng để chỉ những mã cổ phiếu của các công ty có vốn hoá nhỏ niêm yết trên sàn chứng khoán. Các mã cổ phiếu này được giao dịch với giá trị rất thấp, có thể ở mức dưới 10.000đ/cp.

Chính nhờ giá trị thấp này nên cổ phiếu penny có khả năng mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư khi nó tăng giá. Tuy nhiên, rủi ro đầu tư cổ phiếu này cũng rất lớn nếu nhà đầu tư không có chiến lược đầu tư rõ ràng. Do đó, các nhà đầu tư cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất là thanh khoản cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu penny có thanh khoản không được tốt, nếu nhà đầu tư phân bổ vốn quá lớn vào những cổ phiếu này thì rất có thể dẫn đến tình trạng “kẹp hàng”.

Thứ hai là phân tích kỹ cơ hội – rủi ro. Nhà đầu tư cần phân tích kỹ cổ phiếu penny mà mình đầu tư và hiểu rõ là đầu tư vì lý do gì hay chỉ đơn thuần là đầu cơ, từ đó rút ra được chiến lược mua bán, cắt lỗ cụ thể, đồng thời tránh được nguy cơ bị “dắt mũi” từ các thông tin không chính thống.

Thứ ba là không tham lam chỉ vì giá “rẻ”. Nhiều nhà đầu tư thường mắc sai lầm khi cho rằng giá cổ phiếu quá rẻ và “bắt đáy” với hy vọng sinh lời lớn. Tuy nhiên, những cổ phiếu giảm sâu thường có những câu chuyện không tốt đi kèm. Do đó, rất có thể nhà đầu tư đang đối mặt với những rủi ro rất lớn như cổ phiếu bị huỷ niêm yết, mất thanh khoản.

Với vùng giá dưới 10.000 đồng/cp, nguyên nhân khiến giá cổ phiếu giảm có thể đến từ việc thị trường chung đang tiêu cực khiến giá nhiều cổ phiếu bị giảm mạnh hay cũng có thể đến từ nội tại bản thân của doanh nghiệp đang hoạt động kém hiệu quả. Đối với việc đầu tư cổ phiếu penny ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên tìm kiếm những doanh nghiệp có câu chuyện riêng để đầu tư sẽ có khả năng sinh lợi lớn. Nhắc đến câu chuyện này, thì chắc chắn nhà đầu tư có thể cân nhắc chọn lọc một số cổ phiếu bất động sản và những nhóm ngành liên quan trực tiếp đang sẵn sàng trở lại trong chu kỳ mới sau thời gian khó khăn vừa qua của thị trường bất động sản.

Có thể bạn quan tâm

  • Vietnam Report công bố “5 ngành tiềm năng có cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất năm 2024”

    Vietnam Report công bố “5 ngành tiềm năng có cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất năm 2024”

    17:54, 23/05/2024

  • Cổ phiếu nhóm công nghệ “làm mưa làm gió” trên thị trường

    Cổ phiếu nhóm công nghệ “làm mưa làm gió” trên thị trường

    05:30, 21/05/2024

  • Cổ phiếu SHB duy trì đà tăng

    Cổ phiếu SHB duy trì đà tăng

    05:24, 18/05/2024

  • Kiên nhẫn “dò sóng” cổ phiếu

    Kiên nhẫn “dò sóng” cổ phiếu

    03:53, 17/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu penny “nhỏ nhưng có võ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO