Cổ phiếu nhóm công nghệ tiếp tục "dẫn sóng" thu hút dòng tiền của nhà đầu tư. Vậy nhóm này có đặc thù gì, liệu còn dư địa tăng?
>>>Ngành Công nghệ Thông tin: Triển vọng vững chắc trong dài hạn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5, nhiều cổ phiếu trong nhóm công nghệ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng kể từ đầu năm, thậm chí thiết lập mức đỉnh mới. Đầu tiên có thể kể đến cổ phiếu VGI của Công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) tăng 7,6% lên mức giá 92.600 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất lịch sử của cổ phiếu này. Theo tính toán, thị giá của VGI đã tăng 200% kể từ đầu năm.
Với mức giá này, giá trị vốn hóa của VGI đã đạt mức 300.000 tỷ đồng (khoảng 12 tỷ USD), tăng mạnh so với đầu năm. Giá trị của doanh nghiệp này đã vươn vị trí thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tiếp theo cổ phiếu FPT - Công ty Cổ phần FPT đóng cửa ở vùng giá 133.000 đồng/cp. Có thể nói sự tăng giá của cổ phiếu này đang được giới đầu tư quan tâm, nhất là khi SCIC thoái vốn. Cổ phiếu công nghệ "nóng" nhất Việt Nam là FPT cũng ghi nhận mức tăng chóng mặt từ đầu năm, vớigần 40%. Theo đó, vốn hóa của FPT cũng đã đạt mức 170.000 tỷ đồng (khoảng 6,5 tỷ USD), tăng 48.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Hiện FPT cũng vừa vượt qua Techcombank (TCB) để vươn lên thứ 9 trong các công ty giá trị nhất thị trường chứng khoán Việt. Như vậy trong top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường hiện đang có có 2 công ty công nghệ là VGI và FPT.
Có thể nói, kết quả kinh doanh khả quan trong những năm qua là cơ sở để giá cổ phiếu của những công ty này tăng giá mạnh trong năm nay. Với FPT, trong quý I/2024, báo cáo tài chính ghi nhận lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.798 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi lịch sử của FPT trong nhiều năm qua.
Bước sang năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng ( gần 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước. Sau quý đầu năm, FPT đã thực hiện khoảng 23% kế hoạch đề ra.
Ngoài ra còn có cổ phiếu CMG - Công ty cổ phần Tập đoàn CMG cũng tăng giá mạnh vùng giá 59.000 đồng/cp. Đây cũng là vùng giá cao nhất của CMG trong vòng 01 năm qua. CMG là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông lớn thứ hai tại Việt Nam với trên 25 năm kinh nghiệm. CMG được giới đầu tư chú ý sau “cú bắt tay” với Tập đoàn Nvidia trong lĩnh vực AI. Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, CMC và Nvidia cam kết xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lâu dài nhằm mục đích đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Nvidia mới đây, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch CMC cho biết, thời gian tới, công ty có kế hoạch đầu tư mở rộng AI DC tại Khu Công nghệ cao TP HCM với quy mô lớn 40MW, đảm bảo sẵn sàng hạ tầng AI Cloud cũng như hạ tầng Cloud riêng cho từng khách hàng, thông qua đó giúp cộng đồng AI có hạ tầng và môi trường phát triển ứng dụng.
Trước đó, CMC công bố kế hoạch đầu tư 1.000 GPU Nvidia GH 200 trị giá 250 triệu USD trong giai đoạn 2024-2025, tập trung hệ sinh thái sản phẩm công nghệ tương tác ở 6 lĩnh vực chính: Thiết kế chip, AI, dữ liệu lớn (bigdata), dữ liệu mạng xã hội (social data), internet vạn vật - thiết bị thông minh - xử lý ảnh (IoT) và công nghệ chuỗi khối/an toàn thông tin (blockchain).
Về tình hình kinh doanh, CMG ghi nhận tăng trưởng tuy không bứt phá nhưng khá đều đặn. Doanh nghiệp vừa kết thúc niên độ tài chính năm 2023 (từ 1/4/2023-31/3/2024) với doanh thu thuần đạt 7.323 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 4% so với năm 2022. Tuy nhiên nhờ biên lợi nhuận gộp tốt hơn, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn tăng trưởng 10%, đạt 391 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất CMC đạt được kể từ khi hoạt động.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đang có 14 dự án FDI đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dự án hợp tác Mỹ - Hàn Quốc - Việt Nam về khai thác, chế biến đất hiếm đang được thương thảo, trong đó một số dự án được thực hiện trong năm 2024.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán KBSV dẫn dự báo của Gartner cho thấy, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin trong năm 2024 trên thế giới sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8%, đạt 5.100 tỷ USD nhờ kỳ vọng đầu tư vào Cloud, bảo mật thông tin, AI và tự động hoá. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin được cho là sẽ tăng trưởng lần lượt 13,8% và 10,4%.
Như vậy, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam là lớn nhờ dư địa nhiều cho phát triển. Báo cáo của Savills Châu Á Thái Bình Dương cho thấy Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít trung tâm dữ liệu hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số gấp hơn 30 lần. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng.
Về dài hạn, KBSV cho rằng chi tiêu cho lĩnh vực ccông nghệ thông tin sẽ tiếp tục tăng trưởng do sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu; thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ thông tin; Chính phủ các nước ưu tiên phát triển công nghệ để bắt kịp sự thay đổi của thế giới.
Với triển vọng vững chắc về nhu cầu, nhóm phân tích của KBSV dự báo các công ty công nghệ vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số. Do vậy nhóm cổ phiếu công nghệ còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2024 và 2025.
Có thể bạn quan tâm
Grab đạt doanh thu kỷ lục nhờ công nghệ dữ liệu?
03:05, 19/05/2024
Audi Q8 thế hệ mới đột phá với nhiều công nghệ hiệ đại
04:03, 19/05/2024
Meey Land "bắt tay" Nirva - Land cung cấp giải pháp công nghệ bất động sản
18:27, 16/05/2024
Thủ tướng: Khoa học công nghệ - một trong ba đột phá chiến lược phát triển đất nước
15:14, 15/05/2024
Doanh nghiệp tận dụng sức mạnh công nghệ mới
00:10, 15/05/2024