Theo VCCI, hiện tại, vẫn có những thông tư thiếu minh bạch, chưa hợp lý, cản trở một cách bất hợp lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đó là đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo “Chất lượng của thông tư, công văn – Góc nhìn từ doanh nghiệp”, sáng 25/6/2021.
Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam-Aus4Reform), đã khởi động hoạt động thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh về những vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định tại thông tư, nội dung công văn của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi pháp luật thông qua Hội thảo “Chất lượng của thông tư, công văn – Góc nhìn từ doanh nghiệp”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh trong vài năm trở lại đây, tình trạng “luật khung”, “luật ống” đã được hạn chế, các quy định tại văn bản cấp nghị định trở lên cụ thể, rõ ràng hơn, nhưng thông tư vẫn phải ban hành để đảm bảo được tất cả các quy định trong luật, nghị định được thực thi trên thực tế. Đặc biệt tình trạng này diễn ra ở các văn bản pháp luật có diện tác động rộng, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.
Nhưng, theo đại diện của VCCI, khi rà soát ở các văn bản cấp thông tư, vẫn còn những quy định chưa thể hiện đúng tinh thần của các cải cách trên.
“Vẫn có tình trạng cài cắm điều kiện kinh doanh vào thông tư. Tôi được tham dự vào các cuộc họp bàn về việc xây dựng các nghị định, thông tư mới thì nhận thấy rằng tình trạng này vẫn còn xuất hiện. Các thông tư được bộ ngành xây dựng dựng về 1 ngành hàng, nó có thể đúng và tốt với một ngành hàng, một lĩnh vực nhưng về tổng thể chưa chắc đã có lợi”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một hiện tượng đáng quan ngại là một số nội dung của công văn có tính chất quy định hay chất lượng công văn thể hiện việc hiểu, áp dụng, thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có vấn đề.
“Điều này vô hình trung làm suy giảm tính hiệu quả trong các “chiến dịch” cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi”, ông Tuấn lo ngại.
Theo ông Tuấn, Hội thảo này là bước khởi đầu cho quá trình thu thập thông tin kéo dài hơn 01 tháng để đánh giá chất lượng của thông tư, công văn. Qua các thông tin từ thực tiễn, VCCI sẽ phác thảo bức tranh về chất lượng của hai dạng văn bản này từ đó đưa ra các kiến nghị để góp phần hoàn thiện chất lượng của thông tư, công văn. Các thông tin này sẽ được gửi tới các cơ quan hữu quan để các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách có thêm thông tin để cải thiện hơn hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, số lượng thông tư lớn rất nhiều so với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Điều đáng lưu ý là dù trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của Thông tư rất thấp, nhưng trong thực tế thì… lại không phải như vậy.
“Luật ban hành, nhưng phải chờ thông tư thì các quy định mới thực sự được thực thi. Ví dụ, các luật về thuế, hầu như trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp chủ yếu xem quy định tại thông tư để áp dụng”, ông Tuấn đưa hiện trạng.
Không những vậy, dù trong luật quy định rằng, thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh, nhưng thực tế tình trạng này vẫn còn. Ông Tuấn đưa dẫn chứng là Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định về điều kiện cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.
Thông tư hiện cũng quy định về thủ tục hành chính, trong khi không được Luật, Pháp lệnh giao. Điển hình như Thông tư quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép xuất khẩu trong hoạt động kinh doanh vàng.
“Có tình trạng thông tư không thống nhất với nghị định, như Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT quy định về việc lắp camera phải theo dõi được khoang hành khách, trong khi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP lại không yêu cầu về vấn đề này”, ông Tuấn đưa thông tin và dẫn chứng.
Ngoài ra, việc thông tư quy định thiếu rõ ràng tạo cách hiểu không nhất quán giữa các cơ quan áp dụng đang tồn tại.
“Ví dụ Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT đưa ra định nghĩa về giáo viên của trung tâm ngoại ngữ trong đó có sử dụng khái niệm “người bản ngữ” nhưng không giải thích thêm về khái niệm này - không biết thực hiện thế nào”, đại diện VCCI dẫn chứng.
Từ thực tế với doanh nghiệp, ông Tuấn nhấn mạnh cơ quan quản lý nhà nước đã ra quyết định ngừng hiệu lực của thông tư trước thời điểm phát sinh hiệu lực để xem xét sửa đổi, như Thông tư 20/2014/TT-BKHCN về nhập khẩu dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng. Tuy nhiên, nhiều văn bản chưa có động thái sửa đổi hoặc mất một thời gian dài mới sửa đổi.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 12/03/2021
04:50, 25/01/2021
02:43, 29/12/2020
15:26, 24/11/2020