Cơn bĩ cực của nghề giáo

Trương Khắc Trà 10/03/2018 13:04

Cả tuần qua dư luận rúng động chuyện một giáo viên bị phụ huynh hạ nhục, chính xác là bị bắt quỳ 40 phút để “trả đũa” giáo viên đã phạt con mình. Hồi cuối câu chuyện đã ngã ngũ, nhưng vết thương “cứa” vào nghề giáo còn lâu mới lành lại.

Chuyện thứ hai, hơn 500 giáo viên ở Đắc Lắc bị cắt hợp đồng! Hóa ra “nghề cao quý” giờ không còn đẹp như cái tên người ta phong cho nó. Hóa ra bây giờ ai kiếm được việc dạy học đều bị nghi ngờ “đi đêm đi ngày”, vì giáo viên đã quá ế ẩm, bị đối xử như mớ rau con cá phiên chợ chiều.

Có nhiều cái quỳ gối khác nhau trong đời sống. Tôi không có ý so sánh những cái "quỳ gối" ở những bối cảnh khác nhau, nhưng tựu trung lại quỳ gối như thế nào đi nữa cũng thể hiện hoàn cảnh cùng đường, bất lực, còn khó coi hơn nhiều lần khi một nhà giáo quỳ gối trước phụ huynh vì lỡ phạt con em họ.

Ngôi trường - nơi xảy ra việc giáo phải quỳ gối trước phụ huynh vì lỡ phạt con em họ.

Luật pháp không cho phép ai có thể trừng phạt ai vì điều đó đã có cơ quan tư pháp đảm nhiệm. Hành động của vị phụ huynh kia có thể liệt vào tội xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác như nhận xét của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Mạng xã hội và tai bay vạ gió vô tình làm tăng quyền lực của học sinh, mọi hành động của giáo viên đều có thể được ghi lại, một cái đánh khẽ vào tay, một ánh mắt chưa hài lòng, một thái độ bực bội…có thể trở thành bằng chứng chống lại chính họ.

Không nơi nào trong luật pháp cho phép giáo viên đánh học sinh, thậm chí chê bai học sinh, vì thế không có quy tắc nào nói giáo viên giận dữ với học sinh như thế nào là vừa đủ. Vậy giáo viên phải làm gì để xả hết cơn bực tức?

Điều này phụ thuộc vào nghệ thuật sư phạm cao thấp của mỗi nhà giáo. Thời học sinh, cách đây hơn chục năm, thời chưa có mạng xã hội, chúng tôi không ít lần bị phạt kiểu gõ gáy thước gỗ vào những ngón tay vì không thuộc bài, có đứa còn bị véo đỏ lỗ tai vì nói chuyện riêng…nhưng tất cả không ai cảm thấy oán hận giáo viên.

Một phần vì chúng tôi coi thầy cô là một cái gì đó rất lớn, rất đáng kính, phần vì chúng tôi thấy được cái sai của mình. Môi trường giáo dục ngày nay khác xưa nhiều, giáo viên cũng năm bảy kiểu, học trò có vẻ tinh ranh hơn. Không ai cổ xúy dùng bạo lực với học sinh nhưng không phải con em mình có tí xây xát là sẵn sàng ăn thua đủ với thầy cô.

Hàng xóm tôi có anh bạn, có đứa con gái học mẫu giáo, cứ chiều chiều đón về anh lại vật đứa bé ra kiểm tra xem có bị "sứt mẻ" gì không. Kể cả bị kiến cắn hay xây xước nhỏ anh liền lao vào trường bắt đền nhà trường, bung ra vô số lời lẽ dọa dẫm.

Tất cả chúng ta đều ủng hộ môi trường giáo dục không bạo lực, nhưng phụ huynh không nên lý tưởng hóa đến mức cắt hết quyền giáo dục, uốn nắn học sinh của giáo viên. Bố mẹ dạy con ở nhà đôi lúc phải cần đến cái cán chổi lông, ánh mắt nghiêm nghị, thậm chí quát mắng. Thế mà vẫn quá nhiều những đứa con bất trị, huống hồ giáo viên đâu phải là bụt mà chỉ cần đọc thần chú là tất cả nghe theo!?

Trả thù người dạy con mình chỉ tiêm nhiễm thêm vào đầu con trẻ tâm thế ỷ lại, coi thường giáo viên. Xưa nay chưa ai nghĩ nghề giáo áp lực, nhưng tình hình này phải đánh giá lại để có chế độ phù hợp cho giáo viên. Học sinh đương nhiên phải được bảo vệ nhưng giáo viên cũng rất cần.

Giáo viên bị bắt quỳ gối ở Long An, học sinh bóp cổ giáo viên ở Bến Tre, hàng trăm giáo viên bỗng nhiên mất việc ở Đắc Lắc…tất cả những điều đó buộc xã hội phải nhìn nhận lại nghề giáo. Nó có vẻ liên quan đến cái ngó lơ của học sinh giỏi với ngành sư phạm, sự thừa mứa thầy cô và nhiều thứ khác nữa…

Những câu chuyện, sự việc từ nhỏ đến lớn trong giáo dục, từ đâu đó trong những ngôi trường ở vùng sâu vùng xa cho đến chuyện rà soát lại chất lượng hàng ngàn giáo sư, phó giáo sư vừa được phong. Tất cả vẻ nên bức tranh giáo dục còn nhiều gam màu tối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơn bĩ cực của nghề giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO