Còn đâu “hồn” phố cổ Hội An!

Nguyễn Hoàng 10/07/2019 16:10

Hội An quá mong manh vì nó quá đẹp với những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử đầy bản sắc. Trong khi, văn hóa chỉ bền vững giá trị khi được chăm chút, gìn giữ để nó không bị vụn vỡ.

Văn hóa bền vững đó chính là hồn phách của đô thị cổ Hội An trường tồn suốt  mấy trăm năm qua...

Cựu Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự lo lắng khi nhìn thấy sự mai một hồn phố cổ Hội An trước nguy cơ biến mất do áp lực phát triển du lịch thiếu bền vững.

Trong báo cáo của Phòng Văn hóa Thể thao và du lịch Hội An trong 6 tháng đầu năm 2019 lượng khách tiếp tục gia tăng, doanh thu vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên điều dễ nhận thấy, du lịch Hội An đang đối diện với những tồn tại, thách thức trong quá trình phát triển nhưng chưa giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều để phát triển bền vững.

Sự kiện ngày văn hóa các dân tộc thiểu số tổ chức ở Hội An là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống đặc sắc của tỉnh Quảng Nam.p/

Sự kiện ngày văn hóa các dân tộc thiểu số tổ chức ở Hội An là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống đặc sắc của tỉnh Quảng Nam.

Hội An quá tải

Để du lịch Hội An phát triển bền vững, phải hạn chế những bất cập khi lượng du khách “bùng nổ” khiến Hội An quá tải và phát sinh các hệ lụy tiêu cực. Di tích Chùa Cầu là biểu tượng của phố cổ Hội An và được xây dựng cách đây hơn 400 năm. Do tác động của thời gian, Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy vậy, mỗi ngày di tích này phải "cõng" trên mình hơn 4.000 lượt khách đến tham quan.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, cho biết, các hệ dầm đỡ thân cầu mục nát, dầm thép bị mục rỉ, móng trụ bị nứt, ván sàn cầu đang bị ăn mòn nhanh chóng do có sự tác động thường xuyên liên tục của khách tham quan lên mặt cầu.

Còn ông Nguyễn Xuân Hùng cùng hàng trăm cư dân Hội An bảo rằng mấy năm nay Hội An tràn ngập khách du lịch đổ về. Người ta làm du lịch bằng mọi giá đã khiến nhân tình thuần hậu nơi đô thị cổ đang dần phai nhạt.

"Người Hội An chỉ ra phố đi dạo buổi sáng sớm khi du khách còn đang ngủ thì mới cảm nhận được sự hiền hòa, thân thiện vốn có của người dân nơi phố cổ bằng cái vẫy tay, lời chào hỏi thăm nhau thân tình. Đó là cốt cách của người Hội An xưa nay vậy. Còn bây giờ áp lực của du lịch, người từ các nơi đổ về mua nhà kinh doanh làm giàu bằng mọi cách đã khiến một đô thị cổ Hội An bao đời nay hiền hòa bỗng chốc náo nhiệt và mất dần một Hội An xưa cũ."-Ông Hùng nói.

Nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng từ bán vé thăm quan và ngành khách sạn, lữ hành, thương mại, dịch vụ đang là "quả ngọt" người dân Hội An dày công tạo dựng.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Ban Tuyên giáo trung ương đã từng lo lắng rằng, Hội An đang mất dần những giá trị văn hóa vốn có khi làn sóng du lịch bùng nổ. Ông kể rằng cách đây hơn 20 năm, ra Hội An đi đến đâu cũng nhận được nụ cười và lời chào chân thật của cư dân phố cổ. Có lần ông đưa người bạn từ Sài Gòn ra Hội An chơi ghé vào chợ hỏi mua thịt heo mang về. Bà bán thịt hỏi cặn kẽ người mua là mua thịt heo về làm món gì? Nếu mua về làm chả thì qua hàng bên, còn mua về luộc ăn ngay thì bà bán.

Ông Hoàng bảo đó là cốt cách, là văn hóa là cái hồn của Hội An bắt đầu từ bà bán thịt, bán rau ở chợ. Còn bây giờ, khách đến là tranh nhau bán, miễn sao bán được nhiều và lời cao là được chẳng cần biết đến ai.

Hồn cốt Hội An đang dần biến mất trong cơn lốc thị trường. Việc tranh mua tranh bán, việc cạnh tranh kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đang bắt đầu bùng nổ như việc hạ giá đưa khách du lịch ra đảo Cù Lao Chàm vừa qua đã khiến chất lượng dịch vụ không đảm bảo, còn du khách thì một đi không trở lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Hội An đưa ra giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

    Hội An đưa ra giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

    17:52, 05/07/2019

  • Thủ tướng gửi thư chúc mừng 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới

    Thủ tướng gửi thư chúc mừng 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới

    17:10, 24/05/2019

  • Du lịch Hội An vừa mừng vừa lo (kỳ 2): Bài toán phát triển bền vững

    Du lịch Hội An vừa mừng vừa lo (kỳ 2): Bài toán phát triển bền vững

    12:48, 27/03/2019

  • Du lịch Hội An vừa mừng vừa lo (kỳ 1): “Giàu nhưng chưa sang”

    Du lịch Hội An vừa mừng vừa lo (kỳ 1): “Giàu nhưng chưa sang”

    12:26, 26/03/2019

Giữ hồn cốt Hội An

Bà Phan Thị Mười, người bán những chú tò he bé xinh bên Chùa Cầu ngót nghét hơn 70 năm nay đã "níu chân" du khách bằng nụ cười và những con tò he nhỏ bé bằng đất nung. Bà Mười cùng hàng trăm, hàng nghìn cư dân Hội An, từ cụ già gánh nước thuê xuyên hai thế ký, đến gánh xí mà của lão ông 80 tuổi, ông đạp xích lô già nơi góc phố... những hồn cốt mà mỗi cư dân phố cổ lưu giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác đã làm nên một sự khác biệt khiến du khách từ khắp nơi trên Thế giới tìm về để cảm nhận sự bình yên nơi đô thị cổ này.

Thế nhưng, hãy nhìn vào con số chỉ tiêu 5,6 triệu khách đến trong năm 2019 mà chính quyền đặt ra thu hút khách du lịch mới hiểu áp lực đè nặng lên đô thị cổ như thế nào nếu ngay từ bây giờ không đặt ra chiến lược để bảo vệ khu đô thị cổ Hội An sau làn sóng bùng nổ du lịch. Trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 của chính quyền Hội An về lượng khách du lịch đến Hội An hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú tại di sản văn hóa Hội An, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngay điểm đến Cù lao Chàm hiện có đến gần 50 doanh nghiệp với hàng trăm tàu thuyền vận chuyển du khách mỗi ngày. Ước tính hơn 213.000 lượt khách mua vé ra đảo Cù Lao Chàm trong 6 tháng đầu năm 2019 so với năm 2018 có hơn 415.000 lượt khách du lịch ra đảo. Tất cả đang là thách thức và đang tàn phá môi trường, hệ sinh thái của một khu dự trữ sinh quyển độc đáo mà Hội An đang nắm giữ.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Du lịch Hội An" gần đây, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, biển và hải sản ở Hội An thì rất tuyệt nhưng dịch vụ hay các trò thể thao biển thì còn khá đơn điệu và tẻ nhạt. Du khách truyền thống đến Hội An trong nhiều năm qua như Âu, Mỹ, Úc có dấu hiệu sụt giảm mạnh. Hội An đang trở thành thị trường khách giá rẻ, đặc biệt là tour 0 đồng đã xuất hiện. Điều đáng báo động là đã xuất hiện tình trạng cò mồi, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở du lịch, bắt chẹt và đánh du khách. Vệ sinh môi trường không bảo đảm... đây là những lời cảnh báo cần sớm được chấn chỉnh.

Để du lịch Hội An phát triển bền vững, phải hạn chế những bất cập khi lượng du khách “bùng nổ” khiến Hội An quá tải và phát sinh các hệ lụy tiêu cực. Thu hút, phát triển du lịch nhưng không đánh đổi. Đó là mục tiêu mà chính quyền địa phương đặt ra.

Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao du lịch Hội An cho rằng, trong phát triển luôn kèm theo mặt trái và những phát sinh, khách tăng là vui nhưng cũng tạo nên nhiều thách thức. Nếu không có phương án và kế hoạch hành động ngay từ bây giờ thì nguy cơ "vỡ trận" du lịch Hội An là điều khó tránh khỏi.

Nguyễn Văn Vinh - Phó Chủ tịch HĐND thành phố:

Thời gian gần đây, trật tự kinh doanh buôn bán, mỹ quan đô thị có lúc có nơi bị buông lơi gây phiền hà cho du khách. Sự phát triển các dịch vụ có dấu hiệu quá tải dẫn đến lấn át những công năng truyền thống của khu phố cổ và từng di tích cấu thành nên khu di sản. Trong giá trị di sản văn hóa Hội An không chỉ có những bờ hồi, bờ nóc, những vẻ đẹp kiến trúc không trùng lắp mà còn có cả nét đẹp cái nghĩa, cái tình, lòng hiếu khách, sự cố kết giềng mối, cung cách, thái độ ứng xử của người Hội An. Hiện nay vẫn còn có một số người buôn bán chụp giựt nhất thời, giá cả chặt chém, lấn chiếm vỉa hè, trưng bày hàng hóa kinh doanh, xả rác ra đường phố, khu vực công cộng cần phải được xử lý.”

Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam:

Lượng khách tăng nhưng không ổn định vì đa số khách đại trà. Khách cao cấp, khách đoàn lớn theo tour đang dần chuyển đi nơi khác. Điều này tạo sức ép lên phố cổ, tác động xấu đến giao thông, an ninh trật tự... Nghịch lý hiện nay là khách du lịch đại trà thường thích phố cổ, trong khi khách cao cấp thì thích vùng ven, đồng quê, nhưng sản phẩm du lịch nơi đây lại chưa đạt yêu cầu, do đó khách đến Hội An tăng nhưng chất lượng thấp, nên phải nâng cao giá trị vùng ven lên, phát triển những sản phẩm có chiều sâu văn hóa và hướng đến du lịch bền vững. Đã đến lúc, Hội An nên xây dựng một chương trình, kế hoạch hành động lâu dài, cụ thể. Kế hoạch đó phải chỉ ra được Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, người dân làm gì. Qua đó tạo ra một thông điệp rõ ràng, xuyên suốt, có sự cộng hưởng của các bên liên quan, kể cả nhà đầu tư nhằm hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Còn đâu “hồn” phố cổ Hội An!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO