Chỉ cách nhau con đèo Hải Vân nhưng phía Đà Nẵng một thời được ví như thiên đường đáng sống, nhiều năm ở Huế được nghe không biết bao nhiêu chuyện trà dư tửu hậu về cái gọi là con đường phát triển. Khi người hàng xóm phía Nam vùn vụt tiến thì Huế vẫn êm ả như điệu hò nam ai nam bằng.
Thầy tôi, một người dành cả đời để sống, cống hiến và chứng kiến tất tần tật mọi chuyện lớn nhỏ ở thành phố mộng mơ này từng nói, không biết Huế sẽ xoay xở ra sao khi những công trình cha ông để lại biến mất trong một ngày nào đó. Tôi hiểu ý thầy về hai phương diện. Một là cách tu bổ như muốn khoác lên tấm áo hiện đại cho những công trình cổ kính. Hai là Huế chẳng có gì nhiều ngoài nguồn thu từ cơ ngơi nhà Nguyễn để lại.
Cách đây chục năm, thời còn sinh viên bọn chúng tôi thường đạp xe thăm chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, lăng Tự Đức, Đại nội mỗi khi nghỉ học. Huế có diện tích không lớn nên với sức trẻ và chiếc xe cà tàng có thể ngao du mọi ngõ ngách trong vài giờ đồng hồ.
Có đi có biết, dạo qua những con phố nhỏ nhắn trong thành phố, những xóm nhà lụp xụp vùng ven đô mới thấy Huế chưa hẳn mộng mơ như người ta nghĩ. Vẫn còn nhiều lắm những cung đường chỉ đủ vài ba cái xe máy tránh nhau, mặt đường lởm chởm đá khiến chiếc xe đạp chồm lên rồi lao xuống. Con đường chạy qua khu trọ tôi ở ngày đó còn tệ hơn, nghe nói đã có dự án mở rộng tráng nhựa nhưng mãi chẳng thấy làm.
Bà chủ trọ có thằng con lái xe dịch vụ chở khách du lịch, mỗi tháng phải mất cả triệu đồng tiền gửi xe vì xe không thể vào đến nhà; cư dân xóm trọ cứ thỉnh thoảng lại có người bị va quệt, nặng thì gãy chân tay, nhẹ thì trầy xước vì đường quá chật.
Ra trường, đi làm, sau nhiều năm trở lại Huế thăm “chiến trường xưa”, thăm bà chủ trọ béo lùn, da trắng, tóc xoăn vàng, môi son đỏ kiểu đại gia, nói huyên thuyên cả ngày như loa phường nhưng rất tốt bụng. Ấn tượng đầu tiên về Huế là tòa cao ốc xây dở trong khu trung tâm, bà chủ trọ già đi đôi chút, khu trọ được xây mới khang trang hơn nhưng con đường chạy qua đây vẫn lổm nhổm ổ gà ổ vịt, đọng từng vũng nước nhỏ, kêu lên chen chét mỗi khi xe chạy qua.
Sau nhiều năm Huế vẫn còn nhiều con đường như thế dù cách khu trung tâm không xa lắm, không ít con đường trong số ấy đã được quy hoạch xong “treo” vô thời hạn, có lẽ vì không có vốn!
Mặc cho nhiều con đường nát bét im ỉm trong mưa phùn, xứ Huế vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt qua năm này tháng nọ. Những ngày đầu năm mới Thành phố Huế quyết chi hơn 60 tỷ đồng làm đoạn đường 380m, rộng 4m, bằng 3.518 mét khối… gỗ lim ăn ra bờ sông Hương.
Thế giới đang kêu gọi bảo vệ thiên nhiên hoang dã thì ở nước ta lấy gỗ quý lót đường, sang chảnh lãng phí đến thế là cùng! Chưa kể con đường ăn ra bờ sông có nguy cơ biến đoạn sông này thành hố chứa rác. Phố đi bộ cũng chỉ là một con đường, chỉ là để tản bộ. Một con đường đi bộ có nhất thiết phải làm bằng gỗ quý trong khi hạ tầng cơ sở nhiều nơi còn ọp ẹp.
Con đường gỗ lim đánh một phát đau vào nỗ lực bảo vệ rừng đang cạn kiệt ở nước ta, ngốn một phần kinh phí không hề nhỏ, chừng ấy tiền đủ để cải tạo những con đường như gần khu trọ tôi từng sống. Người ta đưa ra con số đẹp, 75% ý kiến đồng tình xây dựng phố đi bộ bằng gỗ lim, tạm tin. Nhưng không biết có tính đến bao giờ con đường này thu lại đủ 64 tỷ. Hay là người ta không cần nghĩ đến lỗ lãi vì lãi có công trạng, lỗ không phải chịu!?
Huế mộng Huế mơ là câu nói đã trở thành slogan nhận diện thương hiệu du lịch. Nhưng để Huế có thể đi lên bằng du lịch và dịch vụ giáo dục, y tế cần những tính toán ít mơ mộng hơn.