Báo cáo 9 tháng 2023 của nhiều doanh nghiệp ngành tôm ghi nhận kết quả thua lỗ, trong khi một số đơn vị vẫn trụ vững... Đây là sự thử thách khả năng vượt "cơn gió ngược" của doanh nghiệp ngành này.
>>>Doanh nghiệp ngành tôm gặp khó khăn "kép"
Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần quý 3/2023 của MPC giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022, xuống mức 2.993 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, MPC lỗ ròng 26 tỷ đồng trong khi năm 2022 lãi lớn 332 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ của MPC ở mức 23,4 tỷ đồng.
Lý giải thua lỗ trong quý 3/2023, MPC cho biết do doanh thu giảm. Ngoài ra, do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm như Công ty TNHH nuôi trồng thuỷ sản Minh Phú Lộc An, Công ty TNHH thuỷ sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất giống thuỷ sản Minh Phú Ninh Thuận do đầu tư lớn nhưng chưa đem lại kết quả khả quan.
Như vậy, luỹ kế 9 tháng, MPC ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.466 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, lỗ ròng hơn 114 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2022 vẫn lãi đến gần 574 tỷ đồng. Được biết, năm 2023, MPC đặt kế hoạch doanh thu 12.790 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến hơn 639 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 23%. Có thể nói, với việc thua lỗ sau 9 tháng đầu năm, MPC này vẫn còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận đề ra cả năm 2023.
Lĩnh vực nuôi tôm cốt lõi gặp khó, MPC lấn sân sang đầu tư chứng khoán cũng không khả quan.Thời điểm cuối quý 3, MPC dành ra 8,8 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu nhưng đang phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, MPC còn đang có gần 123 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và nắm 18 tỷ đồng trái phiếu của các ngân hàng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/11 cổ phiếu ngành tôm chỉ còn 17.000 đồng/cp.
Trong khi MPC thua lỗ thì các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta- FMC lại tăng trưởng. FMC đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023, ghi nhận 1.793 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế FMC là 89 tỷ đồng, tăng 11% so với quý 3/2022. Công ty cho biết, lợi nhuận của tăng trưởng nhờ mảng kinh doanh tôm của công ty thành viên Khang An hoạt động lãi gần 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 21 tỷ đồng. Đồng thời, công ty này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023,doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.835 tỷ và 213 tỷ đồng, giảm 11-15% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với kế hoạch sau điều chỉnh, FMC đã thực hiện được 79% mục tiêu doanh thu, 72% chỉ tiêu lợi nhuận. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/11, cổ phiếu FMC tăng lên 44.800 đồng/cp.
Đánh giá về ngành nuôi tôm của các các doanh nghiệp trong ngành, báo cáo chuyên sâu của Công ty Chứng khoán KIS cho rằng, Việt Nam là nhà xuất khẩu tôm lớn thứ 3 trên thế giới, cùng với Ecuador và Ấn Độ. Ngành tôm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD, chiếm khoảng 10,1% thị phần giá trị ngành xuất khẩu tôm toàn cầu. Không thể phủ nhận xuất khẩu tôm là mũi nhọn quan trọng nhất của ngành thủy sản, đóng góp 39,1% giá trị xuất khẩu thủy sản. Mỹ, Nhật Bản và EU là những thị trường trọng điểm của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.
Tuy nhiên đánh giá về triển vọng ngành tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn và cho rằng sản lượng xuất khẩu và giá bán trung bình sẽ giảm trong năm 2023 do nhu cầu từ các thị trường lớn giảm, áp lực từ nguồn cung từ các đối thủ cạnh tranh và giá đầu vào ở mức cao nhưng nhu cầu tôm cao của thị trường Nhật Bản và Trung Quốc có thể bù đắp phần nào cho kim ngạch xuất khấu tôm 2023…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thua lỗ như MPC và nhiều doanh nghiệp khác phải chịu áp lực từ các đối thủ cạnh tranh. Năm 2023, Ecuador dự kiến sẽ tăng mạnh sản xuất sản phẩm tôm hơn 1,5 triệu tấn, gấp đôi sản lượng nuôi trồng tôm chân trắng dự kiến của Việt Nam (700.000 tấn). Các nước có thế mạnh phát triển nuôi tôm như Indonesia, Ecuador, Trung Quốc hướng đến tăng sản lượng nuôi. Nguồn cung dồi dào từ các nhà cung cấp nhưng nhu cầu yếu hơn sẽ làm giảm giá bán bình quân xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là Mỹ và EU. Từ nửa cuối năm 2022, giá bán tôm toàn cầu đã giảm và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong 2023 khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn.
Như vậy, tôm Việt Nam vốn có giá bán tôm bình quân cao hơn so với các nước xuất khẩu cùng ngành đang bị cạnh tranh gay gắt bởi tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ. KIS dự báo giá bán trung bình xuất khẩu tôm sẽ giảm 3% /năm xuống 4,5%/ năm trong 2023. Đây là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp nuôi tôm của Việt Nam. Vậy lời giải cho tôm MPC và nhiều doanh nghiệp còn đang bỏ ngỏ…
KIS cho rằng tốc độ tăng trưởng của thị trường tôm sẽ chậm lại để phản ánh những "cơn gió ngược" khiến tiêu dùng tôm thấp trong năm 2023. KIS dự đoán nhu cầu thấp hơn ở nhiều thị trường, đặc biệt là Mỹ và EU sẽ làm giảm sản lượng xuất khẩu các sản phẩm tôm. Đồng thời, giá bán trung bình sẽ giảm, dẫn đến tổng xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ giảm tốc.
Mức tiêu thụ sản phẩm tôm tốt hơn dự kiến tại các thị trường trọng điểm sẽ là một yếu tố tăng giá trong khi giá bán trung bình thấp hơn dự kiến sẽ là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng của chúng tôi. Do triển vọng thận trọng đối với ngành tôm, KIS dự đoán chỉ những công ty đủ chất lượng mới giành được thị phần cao nhất tại các thị trường chính bao gồm Mỹ, EU và Nhật Bản. Do đó, công ty như FMC sẽ giành được nhiều thị phần hơn tại thị trường Nhật Bản và EU trong khi vẫn duy trì vị thế tại thị trường Hoa Kỳ. Còn những doanh nghiệp thua lỗ khác như MPC sẽ khó tồn tại trên thị trường...
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu hồi phục, cổ phiếu ngành thủy sản có được hưởng lợi?
04:45, 07/10/2023
“Chìa khóa” giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản
22:14, 05/10/2023
Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản lấy lại đà cân bằng
03:00, 02/10/2023
Nhiều tín hiệu tích cực, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 38 tỷ USD
01:00, 29/09/2023
Thiếu vốn, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn khó khăn trong quá trình phục hồi
16:00, 22/09/2023