Hiện nay còn hơn 40.000 tỷ đồng vốn ODA, nhưng đến kỳ họp thứ 4 – là kỳ họp gần nhất vẫn không phân bổ được. Do đó, yêu cầu phải thúc đẩy để giải ngân nguồn vốn này.
>>Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 6/11.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã nêu "khẩn trương xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh" và trong năm 2021 sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Bộ trưởng làm rõ công tác này đã được thực hiện như thế nào và đến ngày 4/5/2023 mới ban hành Nghị định 20 (Nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 04/5/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) thì có ảnh hưởng gì đến tiến độ giải ngân vốn ODA không?
Trả lời về các chính sách hỗ trợ Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã ban hành 2 chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
>>Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Thể chế tốt thì "khai thông" các nguồn lực và giúp “tiền đẻ ra tiền”
>>Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh tại Quốc hội
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Đây là 2 nghị quyết rất quan trọng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh, bền vững, nhằm đáp ứng phát triển kinh tế chung.
Về dự án ODA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tiến độ hiện của các dự án này đang chậm so với yêu cầu. Ngoài những nguyên nhân giống đầu tư công nói chung, các dự án ODA phải thực hiện theo rất nhiều quy định khác nhau.
Đơn cử, quy trình, thủ tục phức tạp hơn khi phải thực hiện theo các quy định trong nước về đầu tư công, cũng như các quy định của nhà tài trợ nước ngoài, các quy trình thủ tục đàm phán các hiệp định vay, thoả thuận vay... điều chỉnh các nhiệm vụ này mất rất nhiều thời gian.
Các dự án sau khi hoàn tất thủ tục mà có sự điều chỉnh thì phải thực hiện lại phải lặp lại vòng thủ tục cả trong nước và điều chỉnh các hiệp định. Do đó, các dự án này mất nhiều thời gian, từ đó gây ra chậm tiến độ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nghiên cứu một cách căn cơ hơn nữa để hài hoà thủ tục trong nước và nước ngoài để vừa đảm bảo chặt chẽ và rút ngắn được thời gian.
"Bình quân, hiện nay mỗi một dự án hiện nay phải mất ít nhất 2 năm mới chuẩn bị xong thủ tục đầu tư. Sau đó nếu phải điều chỉnh thì lại mất một quy trình làm thủ tục từ 1 đến 2 năm nữa. Nguyên nhân, do ở đây có tính đặc thù nên quy trình rất phức tạp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay còn hơn 40.000 tỷ đồng vốn ODA. Nhưng đến kỳ họp thứ 4 – là kỳ họp gần nhất vẫn không phân bổ được.
Quốc hội “buộc” phải cho phép dồn vào dự phòng đầu tư công trung hạn, còn gần 2 tỷ USD không thể “nhúc nhích” được.
Trong khi, còn có rất nhiều dự án về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông cửu Long. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói rõ có giao được nguồn vốn này không hay phải huỷ?
“Chúng ta đã chờ đợi từ rất lâu nhưng cuối cùng Quốc hội phải chấp nhận không huỷ dự toán mà đưa vào dự phòng chung”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu phải thúc đẩy để giải ngân nguồn vốn này.
Có thể bạn quan tâm
13:09, 01/11/2023
15:28, 25/10/2023