Việc chuyển nhượng, mua bán nhà đất ở một số tỉnh miền Trung tăng nhiệt chưa từng có trong 10 năm qua nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và đang có nguy cơ “bể trận”.
>>Thấy gì từ khối tài sản thế chấp là bất động sản hơn 2 triệu tỷ tại Agribank?
Chưa bao giờ, thị trường môi giới nhà đất ở Nghệ An và một số tỉnh miền Trung lại sôi động như trong thời gian qua bởi số lượng người đi môi giới, làm “cò đất” tập trung quá lớn. Đang làm công nhân cũng tranh thủ đi giới thiệu mua-bán đất, thậm chí số lượng công chức, viên chức tranh thủ bằng mọi cách tham gia vào lĩnh vực này cũng không phải ít.
“Đi làm công ăn lương hàng chục năm cũng không bằng bán lời một suất đất chỉ trong một thời gian ngắn. Dù công việc ổn định nhưng tôi cũng quyết tâm bỏ việc mà mình gắn bó hơn 10 năm nay để dành thời gian đi liên hệ, buôn đất kiếm lời. Vừa nhàn hạ, lại có thể kiếm lời bằng việc trao tay hồ sơ, thủ tục chỉ trong vài giờ đồng hồ là có thể kiếm vài chục, thậm chí vài trăm triệu từ đất” – anh Đại, một môi giới nhà đất ở Tp Vinh, Nghệ An cho biết.
Thấy buôn đất, làm “cò” đất kiếm lời quá dễ nên từ cuối năm 2021 đến những tháng đầu năm 2022, khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều người dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh đổ xô vào lĩnh vực này. Nhiều người là công chức, viên chức cũng sẵn sàng bỏ việc để tập trung đầu tư thời gian vào buôn đất.
Thêm vào đó, do số lượng người tham gia vào lĩnh vực bất động sản ngày càng gia tăng đã đẩy thị trường này thêm sôi động chỉ trong một thời gian ngắn.
Thực tế, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán năm 2022, một số xã vùng ven TP. Vinh như Hưng Lộc, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Phong, Nghi Đức… giá đất nền tăng một cách ‘chóng mặt’ kể từ năm 2010 đến nay.
Thậm chí, nhiều xã vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn Nghệ An cũng xảy ra hiệu ứng sốt đất vì số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ ngày đêm đi săn lùng để mua đất đã đẩy giá đất lên cao, có nơi bằng và hơn giá trị đất ở đô thị.
Câu chuyện đất nông thôn nhưng giá thành phố đang là thực trạng của thị trường bất động sản ở Nghệ An trong những tháng đầu năm 2022.
>>Những “gọng kìm” siết chặt: Giá bất động sản sẽ hạ nhiệt?
Cơn “sốt đất” chưa bao giờ lại nóng như thời điểm những tháng đầu năm 2022 khi giá đất tăng gấp 1,5 cho đến 4,5 lần so với 2, 3 năm trở về trước. Thậm chí, giá đất ở đây không chỉ tăng theo ngày mà còn tăng theo từng giờ vì có những lô đất buổi sáng được rao bán với giá 5 - 6 triệu/m2 thì buổi chiều đã tăng lên 7,5-8 triệu/m2. Nắm bắt xu thế này, hàng ngày, các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ và giới cò đất nườm nượp đổ về các địa phương này để tìm đất mua rồi bán trao tay với nhau.
Các văn phòng công chứng tư trên địa bàn Tp Vinh cũng phải tăng thêm giờ làm việc, tuyển thêm cộng tác viên để đáp ứng nhu cầu chứng thực, hoàn thiện hồ sơ mua – bán đất cho khách hàng.
Nhận diện cơn sốt đất
Theo một số chuyên gia bất động sản, cơn sốt đất tăng nhiệt trong thời gian qua ở Nghệ An và một số tỉnh miền Trung có rất nhiều nguyên nhân trong đó xuất hiện những nhóm, hội hình thành các group riêng trên mạng xã hội để bắt tay nhau thổi giá, nâng giá đất bằng việc bán-mua xoay vòng với nhau.
Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện tượng giá đất nông thôn sốt cao không chỉ ở Nghệ An mà ở rất nhiều nơi trên cả nước, cho thấy nhu cầu đầu tư quá lớn của người dân trong thời gian qua.
Theo đó, việc lợi dụng cơn sốt đất để đầu cơ bất động sản sẽ để lại rất nhiều hệ quả dây chuyền về mặt cung - cầu bởi thực tế nhiều người mua đất là muốn bán nhanh, lãi nhanh chứ không phải phục vụ nhu cầu để ở. Điều này đã tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ giá trị thửa đất thực tế trước khi xuống tiền đặt cọc.
Thực trạng các sàn giao dịch bất động sản “ảo” tồn tại trên các trang mạng xã hội khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động cũng là một trong những nguyên nhân làm xáo trộn thị trường đất đai, nhà ở, gây hoang mang trong dư luận. Đã có không ít trường hợp thông qua các sàn giao dịch bất động sản “ảo”, không tìm hiểu kỹ liền đồng ý nộp tiền đặt cọc nhưng để có trong tay quyền sử dụng đất lại không thực hiện được do vướng thủ tục pháp lý…
Để ngăn chặn tình trạng sốt đất “ảo”, từ giữa tháng 5/2021, ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao trách nhiệm đối với Sở Xây dựng về công tác tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thành lập, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tỉnh này cũng đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng có liên quan đến hoạt động bất động sản.
>>Quảng Ninh: Xử nghiêm cán bộ, chủ đầu tư tiếp tay cho “cò đất”
Vậy nhưng, tình trạng “té nước theo mưa” vẫn xảy ra ở Nghệ An, các sàn giao dịch bất động sản lẫn nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn tung quân về các đô thị, thậm chí cả vùng nông thôn để thổi giá rồi mua đi, bán lại.
Khi việc bán – mua thực hiện trong một group riêng với số lượng thành viên lên đến hàng trăm người tham gia sẽ tạo hiệu ứng tò mò đối với các nhà đầu tư thứ cấp, nhỏ lẻ. Và giống như một quy luật, khi sự hình thành này lên đến đỉnh điểm thì các nhà đầu tư F0 sẽ lướt sóng, rút khỏi thị trường.
"Lúc đó, các F1 đến Fn sẽ dính bẫy khó có thể tạo cơn sốt đất được nữa vì cung - cầu đã lệch pha và nằm ở biên độ khoảng cách quá xa, thậm chí là đóng băng hoàn toàn” – anh Oai, một chuyên gia bất động sản ở Nghệ An cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản công nghiệp Hải Phòng: “Mỏ vàng” hấp dẫn nhà đầu tư
11:00, 22/04/2022
Cơ hội cho bất động sản công nghiệp vùng Duyên hải Bắc Bộ
10:31, 22/04/2022
Áp lực đáo hạn trái phiếu, nhóm bất động sản niêm yết có khả năng trả nợ?
04:01, 22/04/2022
“500 tấn vàng” trong dân cần khuyến khích đưa vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
03:00, 22/04/2022