Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Việc kết nối trung tâm Hà Nội với ba huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và Mỹ Đức thông qua trục Quốc lộ 21B đã tạo ra những nét đầu tiên của bức tranh du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội."
Tối 12/4, tại đình Nội Bình Đà, huyện Thanh Oai đã tổ chức khai hội Bình Đà, đồng thời phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức tổ chức công bố tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội - Điểm về nguồn cội.'
Lễ hội Bình Đà - lễ hội cổ truyền từ xa xưa là một trong những lễ hội lớn của vùng. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai sinh, lập địa, tưởng nhớ công ơn của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Các nội dung của lễ hội từ nghi lễ, đến các phẩm vật cúng tế đều thể hiện lòng tôn kính hướng về Quốc Tổ và phản ánh nội dung của truyền thuyết liên quan đến sự tích của ngài và 100 người con (100 oản, 100 quả chuối, 100 ghế chéo, thả bánh vía...).
>>Du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Đã thành lệ, vào dịp lễ hội, đoàn đại biểu Ban Quản lý Di tích Đền Hùng (Phú Thọ) về dâng hương Quốc Tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ nhất của Đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Quốc Tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày mùng 10/3 âm lịch cùng con cháu.
Phát biểu tại lễ khai hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị gián đoạn do chiến tranh nhưng đến nay, lễ hội truyền thống Bình Đà vẫn được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ với đầy đủ các lễ nghi nghiêm cẩn theo luật tục xưa. Cùng với thời gian, lễ hội ngày càng lan tỏa, phát triển thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về.
Đình Nội Bình Đà đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Lễ hội Bình Đà được ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội năm 2014.
Đặc biệt, bức phù điêu (bức giá tượng) được lưu giữ trong Đình Nội được chạm nổi hình tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng với các lạc tướng, lạc hầu, tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.
Lễ hội Bình Đà năm nay diễn ra từ ngày 12-14/4 (tức mùng 4 đến mùng 6 tháng Ba năm Giáp Thìn 2024) với nhiều nghi lễ đặc sắc.
Cùng với lễ khai hội, chương trình công bố tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội - Điểm về nguồn cội" do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với 3 huyện tổ chức, đã diễn ra.
Tuyến du lịch trung tâm Hà Nội-Thanh Oai-Ứng Hòa-Mỹ Đức với chủ đề "Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội - Điểm về nguồn cội" là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong Vùng thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng.
Định hình nên các tuyến du lịch nội đô, trên cơ sở đó các đơn vị, doanh nghiệp du lịch sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, cung cấp các dịch vụ có chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt sẽ hình thành các chương trình du lịch đa dạng với chủ đề khác nhau, kết nối các điểm du lịch trên một hay nhiều tuyến du lịch.
Khu vực phía Nam của Thủ đô Hà Nội với đậm đặc các làng nghề, di tích-văn hóa-lịch sử… gắn với sự phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng, lịch sử đất nước và đặc biệt là lịch sử của Thăng Long-Hà Nội.
Việc kết nối trung tâm Hà Nội với ba huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và Mỹ Đức thông qua trục Quốc lộ 21B đã tạo ra những nét đầu tiên của bức tranh du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội."
Kết hợp với nhiều tuyến du lịch đường bộ, đường thủy, thậm chí là đường sắt trong khu vực phía Nam Thủ đô, Hà Nội sẽ có đầy đủ chi tiết và sắc màu cho bức tranh phát triển du lịch.
Tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội - Điểm về nguồn cội" có 3 điểm đến du lịch đại diện cho hành trình khám phá di sản Nam Thăng Long-Hà Nội.
Trong số đó, đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ - truyền thuyết về tổ tiên của người Việt Nam. Làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) nổi tiếng với điểm chụp ảnh bởi sự hấp dẫn về màu sắc và cách sắp đặt tăm hương và nhiều nét đẹp khác về nghề và văn hóa ở địa phương. Làng nghề dệt (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức), thường gọi theo sản phẩm độc đáo Làng tơ tằm-tơ sen Mỹ Đức sẽ đưa tới du khách những trải nghiệm từ các công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, trồng sen làm sợi tơ sen, dệt thêu tơ sen làm nên sản phẩm độc đáo.
Sự khởi đầu tuyến du lịch bằng hành trình với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ gợi nhớ cho du khách về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Trước đó, trong sáng và chiều cùng ngày, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức cho các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông khảo sát tuyến du lịch và tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát triển tuyến du lịch trung tâm Hà Nội-Thanh Oai-Ứng Hòa-Mỹ Đức nhằm kết nối các điểm di tích-di sản và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 30/03/2024
00:05, 29/03/2024
02:00, 06/03/2024
00:20, 15/02/2024