Việc công chức mặc áo dài đi làm tại Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế không chỉ nhằm giữ gìn nếp xưa, mà qua đó còn nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới cho tỉnh.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế xung quanh vấn đề này.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Xin ông cho biết, từ đâu Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra ý tưởng công chức mặc áo dài đi làm?
Chuyện cán bộ Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế mặc áo dài đi làm không có gì mới. Chỉ là mới với nam cán bộ công chức, chứ với nữ thì đã có tư lâu rồi.
Áo dài truyền thống của đàn ông Việt Nam rất đẹp, rất ý nghĩa và trang nhã. Áo dài nam ở đây mà tôi nói đến là chiếc áo ngũ thân được sản sinh ra từ Huế giữa thế kỷ 18, đã phổ biến và trở thành quốc phục của đàn ông Việt Nam trong hàng thế kỷ. Đáng tiếc là sau năm 1945, áo dài nam mai một dần vì nhiều lý do. Sau “Đổi mới”, nếu áo dài nữ phục hưng rất mạnh mẽ và đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thành phương tiện để nhận diện phụ nữ Việt Nam thì áo dài nam chưa được như vậy.
Từ nhiệm vụ xây dựng thương hiệu "Huế - kinh đô áo dài Việt Nam" mà UBND tỉnh giao cho Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi đã tổ chức hội thảo khoa học để tranh thủ ý kiến các nhà nghiên cứu, giới thiết kế, người mẫu, doanh nghiệp... từ đó mới xây dựng một chương trình “Huế - Ngày hội áo dài", dự kiến bắt đầu vào Festival 2020. Do dịch bệnh COVID-19 nên chúng tôi chưa tổ chức được, tuy nhiên, chúng tôi sẽ sớm tổ chức hoạt động ý nghĩa này, qua đó phát động người dân cố đô nói riêng và người dân cả nước nói chung phục hưng chiếc áo dài truyền thống, để người người, nhà nhà đều mặc áo dài trong những dịp trang trọng, cần thiết.
Việc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức và khuyến khích đội ngũ cán bộ công chức trong ngành mặc áo dài vào thứ Hai đầu tháng, kết hợp với lễ chào cờ, giao ban là một trong các bước đi của chúng tôi để hiện thực hóa đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam".
Ông PHAN THANH HẢI - Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Cán bộ tại Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đón nhận hoạt động này ra sao, thưa ông?
Điều rất đáng mừng là cán bộ công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Điều đó càng khiến chúng tôi tin tưởng vào sự thành công của mình.
Lần đầu tiên công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài đến công sở, trên áo có tấm thẻ bài với 4 chữ "nguyên phong chấp sự", nghĩa là giữ gìn nếp xưa. Các cán bộ văn phòng Sở đã tự nguyện đăng ký, đóng góp kinh phí may áo dài. Sau nhiều lần tham khảo mẫu trang phục, nữ chọn áo dài màu tím có họa tiết hoa sen phía trước; cán bộ nam thì đặt may áo dài ngũ thân màu xanh đậm, quần trắng.
Công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài đi làm, trên áo có tấm thẻ bài với 4 chữ "nguyên phong chấp sự", nghĩa là giữ gìn nếp xưa.
- Thực tế, bên cạnh nhiều ý kiến tán dương hoạt động này, vẫn còn không ít người chê bai cho rằng, các công chức đi làm mặc áo ngũ thân giống như liền anh đi hát quan họ", hay, mặc trang phục áo dài có thể ảnh hưởng đến công việc". Ông có bình luận gì về những ý kiến này?
Việc cán bộ ngành văn hóa tiên phong mặc áo dài vào ngày thứ Hai mỗi đầu tháng và các ngày lễ truyền thống của ngành, các lễ hội... là cần thiết nhằm khuyến khích cộng đồng phục hồi di sản này. Ban đầu sẽ gặp khó khăn như khi phụ nữ mặc lại áo dài cách đây vài chục năm nhưng tôi tin rằng dần dần cộng đồng sẽ chấp nhận.
Việc mặc áo dài truyền thống của nữ giới đã có từ lâu. Đối với nam giới thì áo dài ngũ thân ra đời tại Huế từ năm 1744, thời Nguyễn đã đưa lên làm quốc phục, nghĩa là nó đã hoàn chỉnh và có hàng trăm năm lịch sử. Áo dài ngũ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân con (nhỏ nhất, nằm trong) tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc cài thể hiện đạo lý của người đàn ông nhân - nghĩa - lễ - trí - tín, nên có ý nghĩa phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý của người quân tử. Từ thời vua Khải Định đã có sự kết hợp mang loại giày Tây màu đen với áo ngũ thân nên cũng khá phù hợp.
Áo dài ngũ thân có 5 cúc cài thể hiện đạo lý của người đàn ông nhân - nghĩa - lễ - trí - tín, nên có ý nghĩa phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý của người quân tử.
Ở góc độ là cơ quan được tỉnh giao cho nhiệm vụ thực hiện đề án "Huế - Kinh đô áo dài", tôi cho rằng việc mặc áo dài nhằm góp phần giữ lại nét văn hóa riêng của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh đó tạo ra sản phẩm du lịch, tạo công việc cho những người làm nghề may áo dài.
Hiện tại, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ mới vận động cán bộ nhân viên của ngành văn hóa tập làm quen với việc mặc áo dài vào thứ Hai tuần đầu tiên mỗi tháng. Sở cũng sẽ giới hạn việc chỉ sử dụng trang phục áo dài truyền thống này trong các sự kiện văn hóa Huế, gắn với hoạt động bản địa của người Huế, phạm vi ngành văn hóa địa phương, mảng du lịch sở tại. Việc này tiến hành từ từ, chủ yếu dựa vào vận động cán bộ công chức tự nguyện sử dụng trước.
- Như ông nói, việc công chức mặc áo dài đi làm không chỉ nhằm một mục đích duy nhất là giữ gìn nếp xưa, mà qua đó tỉnh còn muốn tạo ra điểm nhấn, tạo ra sản phẩm du lịch thu hút du khách?
Đúng vậy! Mặc dù tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế phù hợp với thế mạnh và bản sắc riêng của mình. Hình hài của một đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh” đang được hình thành và phát triển với hạt nhân là TP Huế- “thành phố di sản văn hóa thế giới”, “thành phố Festival”, “thành phố Văn hóa ASEAN”; “thành phố xanh, sạch, sáng”... Tuy nhiên, không thể phủ nhận tỉnh vẫn thiếu những sản phẩm mới, đặc sắc để thu hút du khách.
Trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19, tỉnh càng ý thức được phải xây dựng thêm các sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, nhưng phải dựa trên di sản của cha ông để lại. Việc để công chức mặc áo dài đi làm là một trong những hoạt động của đề án "Huế - Kinh đô áo dài" nhằm tôn vinh di sản áo dài mà khó nơi nào làm được, một nỗ lực để đưa Huế thành kinh đô của áo dài như chính tên gọi của đề án.
Theo tôi, ý tưởng về việc xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài rất hay và có ý nghĩa. Khi cả nam và nữ cả Huế mặc áo dài vào một ngày nhất định tạo sự tò mò, thích thú đối với khách du lịch, họ sẽ đến tìm hiểu, tham quan nhiều hơn, qua đó mang lại nguồn lợi cho người dân địa phương, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Và đặc biệt, cả nước nói riêng và rộng hơn là thế giới sẽ nhìn vào Huế như một nơi gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông để lại.
Chúng tôi hy vọng, sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa cho hoạt động này. Đồng thời, mong muốn sẽ lan tỏa được việc mặc áo dài Việt Nam trong cộng đồng, từ đó tạo nên một hình ảnh, phong cách độc đáo cho Huế nói riêng, Việt Nam nói chung, góp phần thúc đẩy du lịch dịch vụ phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm