Công khai, minh bạch quản lý tài chính công

Mai Hằng 02/09/2018 04:30

Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách tài chính công, tuy nhiên, quá trình cải cách tài chính công vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố chưa ổn định.

để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý tài chính công, cần đẩy mạnh công khai, minh bạch trong quản lý công tác này, đặc biệt là công tác lập và quyết toán ngân sách

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý tài chính công, cần đẩy mạnh công khai, minh bạch, đặc biệt là công tác lập và quyết toán ngân sách

Chia sẻ tại Hội nghị quốc tế bàn tròn về tài chính công tại Việt Nam do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) phối hợp với Liên đoàn Kế toán châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) tổ chức mới đây, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, kết quả kiểm toán của KTNN trong thời gian gần đây cho thấy, công tác quản lý tài chính công, tài sản công của Việt Nam đã được tăng cường, đặc biệt sau khi Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) 2015 có hiệu lực, chất lượng công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách được nâng lên; việc công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công, tài sản công được chú trọng; cơ chế, chính sách quản lý tài chính công được hoàn thiện và kiện toàn.

Có thể bạn quan tâm

  • Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững

    Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững

    14:39, 21/09/2017

  • Xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công

    Xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công

    17:08, 04/06/2018

  • Sớm ban hành định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng

    Sớm ban hành định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng

    13:26, 30/05/2018

  • Công khai việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản công

    Công khai việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản công

    19:12, 17/05/2018

Tuy nhiên, công tác quản lý tài chính công vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Mặc dù thu NSNN thường đạt và vượt dự toán, song ngân sách trung ương (NSTW) trong một số năm gần đây hụt thu, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của NSTW. Tình trạng kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí dẫn tới tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN diễn ra tại nhiều đơn vị được kiểm toán…

Đối với quản lý chi NSNN, ông Tiên cho rằng, dự toán chi lập cao hơn thực tế, thiếu cơ sở, chưa sát, chưa đúng định mức, sai tính chất nguồn kinh phí... Đặc biệt, phân bổ và giao dự toán chậm, giao nhiều lần hoặc chưa phù hợp nhu cầu và khả năng thực hiện nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần hoặc phải hủy dự toán … Bên cạnh đó, vốn đầu tư còn dàn trải, chưa ưu tiên trả nợ, bố trí cho các dự án chưa đủ điều kiện; nhiều dự án nghiệm thu sai khối lượng, không đúng thực tế thi công, chưa đầy đủ hồ sơ, thanh toán sai đơn giá. Tỷ lệ giải ngân một số dự án thấp, thậm trí không giải ngân được, gây lãng phí vốn đầu tư... Ngoài ra, việc sử dụng kinh phí thường xuyên còn sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức, sai nguồn kinh phí, số chi vượt dự toán còn lớn; nhiều khoản chi chưa thực sự tiết kiệm và hiệu quả, nhất là chi quản lý hành chính, chi chương trình mục tiêu; chi chuyển nguồn lớn, dư tạm ứng kéo dài chưa thu hồi. Chi mua sắm tài sản không đúng định mức, tiêu chuẩn, giá cả không đúng, gây thất thoát NSNN như mua sắm ôtô, máy móc, trang thiết bị y tế... xảy ra còn nhiều.

Về quản lý nợ công, kết quả kiểm toán chuyên đề nợ công hàng năm xác định nợ công Việt nam nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65%GDP). Tuy nhiên, theo ông Tiên, các cơ quan quản lý nhà nước không được chủ quan trước các rủi ro trong việc sử dụng vốn vay, điều kiện lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Từ thực tế trên, GS.TS Đoàn Xuân Tiên cho rằng, để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý, dụng tài chính công, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Đối với các cơ quan quản lý tài chính công, đẩy mạnh công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công, đặc biệt là công tác lập và quyết toán ngân sách nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động giám sát đối với việc quản lý sử dụng ngân sách của người dân và của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đồng thời, cần đổi mới cơ chế, chính sách quản lý ngân sách theo hướng giảm dần việc quản lý ngân sách theo định mức đầu vào, hướng tới xây dựng và quản lý ngân sách, tài chính công theo đầu ra; từng bước nâng cao chất lượng của Dự toán ngân sách trung hạn (3-5 năm) để quản lý chặt chẽ, hiệu quả quản lý tài chính công.

Theo ông Tiên, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài chính công nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại trong quản lý tài chính công, chống thất thu ngân sách nhà nước; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các văn bản quản lý đã được KTNN phát hiện, kiến nghị trong thời gian qua. Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là việc tự kiểm tra giám sát trong nội bộ đơn vị, tổ chức, cũng cần tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài chính công để nâng cao ý thức chấp hành của người dân và các cơ quan, tổ chức sử dụng tài chính công…

Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động kiểm toán, KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để tăng cường kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính công. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, trong đó tập trung đánh giá cơ chế, chính sách về quản lý tài chính công, góp phần hoàn thiện chính sách và tạo dựng môi trường quản lý tài chính công minh bạch.

Thống kê từ năm 2011 đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính là 231.946 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 741 văn bản sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; phát hiện và chuyển 17 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu tính riêng kết quả kiểm toán 02 năm 2016, 2017 từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực, KTNN đã kiến nghị xử lý 129.683 tỷ đồng, gấp 1,27 lần số kiến nghị của cả giai đoạn 05 năm (2011-2015) liền trước (102.263 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 309 văn bản; phát hiện và chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra 06 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công khai, minh bạch quản lý tài chính công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO