Sẽ công khai “quy hoạch treo”

DIỆU HOA 23/02/2021 15:45

Bộ Xây dựng cho biết, tình trạng “quy hoạch treo” là do việc tổ chức đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch, làm lãng phí nguồn lực quốc gia.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai về việc đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt giải quyết các dự án quy hoạch treo làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đến quyền và lợi ích người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội.

Dự án đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông gần 15 năm mới giải phóng được 3% diện tích, nhiều ngôi nhà nằm trong quy hoạch đến nay "sửa không được, ở cũng không xong"

Đôn đốc xóa quy hoạch "treo"

Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, trong đó có các quy định đảm bảo về quyền của các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch nhưng Nhà nước chưa thực hiện thu hồi (khoản 7 Điều 62 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009), quy định điều kiện chung đối với cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với khu vực quy hoạch chưa thực hiện thu hồi (điểm a khoản 1 và khoản 5 Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020)…

Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 28/BC-BXD ngày 15/3/2019 về vấn đề này, trong đó Bộ Xây dựng đã xác định rõ các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 82/20019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 06/12/2019 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.

Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc, làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ yêu cầu các địa phương cụ thể hóa các quy định, văn bản pháp luật phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương trong việc tham gia của cộng đồng dân cư; việc giám sát của người dân và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương; phổ biến và tuyên truyền sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Cần chế tài mạnh

Theo tìm hiểu tính đến quý IV/2020, chỉ riêng tại Hà Nội còn tới hơn 300 dự án "treo" rải khắp các quận huyện, khiến bộ mặt thủ đô trở nên nhếch nhác, lộn xộn. Người dân vùng chịu ảnh hưởng của quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn trong việc cấp sổ đỏ, mua bán, chuyển nhượng, thừa kề, sửa sang nhà cử, không ít hộ dân rơi vào cảnh bi đát. Hay tại TP HCM, năm 2017 đã chứng kiến tới gần 600 dự án treo, đến nay chưa thể thu hồi hết.

Thực tế, Luật Đất đai từ năm 1993, 2003, 2013 đều quy định, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Và không ít các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi.

Dự án Khu phức hợp Đầm Sen do CTCP Quốc tế C&T làm chủ đầu tư đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng.

Trước đó, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng cho biết Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan; thực hiện đầy đủ, thực chất việc lấy ý kiến người dân, cộng đồng và các nhà khoa học, chuyên gia trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch; công khai thông tin quy hoạch để người dân có điều kiện giám sát.

“Hết thời hạn này mà quy hoạch vẫn không thực hiện được thì người dân tiếp tục được thực hiện giấy phép về cải tạo, thậm chí xây dựng nhà mới. Quy định này bước đầu giải quyết được một phần cho người dân vùng quy hoạch treo” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Góp ý về giải pháp xóa quy hoạch "treo", GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các cơ quan phải xem xét lại các vấn đề, trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực.

Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không dự án “treo” lại tái diễn. Có chế tài xử phạt thật nặng các chủ đầu tư om đất, tránh trường hợp dự án "treo" nhưng vẫn được phép điều chỉnh, mở rộng.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch treo… treo đến khi nào?

    Quy hoạch treo… treo đến khi nào?

    19:30, 10/11/2020

  • Xóa quy hoạch treo tại TP.HCM

    Xóa quy hoạch treo tại TP.HCM

    10:00, 28/09/2020

  • Nỗi sợ “quy hoạch treo”

    Nỗi sợ “quy hoạch treo”

    06:15, 26/05/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sẽ công khai “quy hoạch treo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO