Công nghệ 4.0 đang trở thành "xương sống" không thể thiếu của nền sản xuất hiện đại. Công nghệ này hội tụ tạo ra một hệ sinh thái sản xuất thông minh, linh hoạt và hiệu quả cho nền kinh tế.
Chủ động thích ứng
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh: Các doanh nghiệp trên địa bàn đang thể hiện sự chủ động đáng kể trong việc thích ứng với môi trường sản xuất hiện đại. Đặc biệt là trước những thay đổi mà Công nghệ 4.0 mang lại. Sự thích ứng này không chỉ là một lựa chọn mà là một yêu cầu tất yếu để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa. Một trong những động thái rõ rệt là việc đầu tư vào công nghệ mới.
Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng các giải pháp tự động hóa, robot công nghiệp và hệ thống quản lý sản xuất thông minh. Điều này giúp họ tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu lỗi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, một số nhà máy chế biến than hoặc sản xuất vật liệu xây dựng đã triển khai các dây chuyền tự động hóa cao, giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công và cải thiện điều kiện làm việc.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Công ty TNHH Nam Việt cho biết: Trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0, người lao động không chỉ cần làm quen mà còn phải chủ động thích nghi để không bị tụt hậu. Sự xuất hiện của các công nghệ như robot, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa đang thay đổi bản chất công việc, loại bỏ một số công việc lặp đi lặp lại nhưng đồng thời tạo ra những vị trí mới đòi hỏi kỹ năng cao hơn. Để thích ứng, người lao động cần nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển các kỹ năng mềm. Khả năng học hỏi liên tục là cực kỳ quan trọng, bởi công nghệ thay đổi nhanh chóng.
Các kỹ năng như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, sáng tạo và làm việc nhóm ngày càng được đề cao, vì đây là những điểm mạnh mà máy móc khó có thể thay thế. Ngoài ra, việc làm chủ công nghệ là điều kiện tiên quyết. Người lao động cần biết cách vận hành các thiết bị thông minh, sử dụng phần mềm chuyên dụng và thậm chí có kiến thức cơ bản về lập trình hoặc phân tích dữ liệu. Sự linh hoạt và khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường làm việc thay đổi sẽ là chìa khóa để người lao động duy trì vị thế và phát triển trong nền sản xuất hiện đại 4.0.
Còn theo chị Đỗ Thanh Hoa (35 tuổi), công nhân bộ phận MAE - Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam, Chi nhánh Quảng Ninh - doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất dây dẫn điện ô tô với dây chuyền tự động hóa cao: “Tôi làm ở công đoạn đầu tiên của dây chuyền sản xuất. Các thao tác với máy móc yêu cầu nắm chắc nguyên lý hoạt động và xử lý kịp thời nếu có lỗi. Dù đã tự động hóa nhiều khâu, nhưng vẫn cần sự tập trung và thao tác thủ công chính xác”.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị Hoa còn dành thời gian ngoài giờ học tiếng Nhật để giao tiếp với chuyên gia, tiếp cận công nghệ mới. “Người lao động phải luôn học hỏi, nếu không sẽ bị đào thải” - chị Hoa chia sẻ.
Anh Tô Hải Nam (28 tuổi) - Xưởng lò hơi - Công ty TNHH KCN Hải Hà Việt Nam cho biết: 8 năm gắn bó với công việc, tôi luôn chủ động tìm hiểu, nâng cao tay nghề để làm chủ dây chuyền hiện đại.
“Hệ thống sản xuất giờ đây phần lớn đã tự động hóa. Tôi phải liên tục học thêm những kiến thức chưa được đào tạo chính quy, kết hợp với kinh nghiệm thực tế để đảm bảo hiệu quả vận hành”, anh Nam cho biết thêm.
Không dừng lại ở việc tiếp thu, anh còn đề xuất cải tiến kỹ thuật, nổi bật là sáng kiến nâng hiệu suất vận hành hệ thống lò hơi, giúp tăng sản lượng 5%. Bên cạnh đó, anh Nam tích cực tham gia các khóa huấn luyện về PCCC&CNCH, luôn nghiêm túc chấp hành nội quy lao động.
Chủ động trau dồi kiến thức
Thực tế cho thấy, dưới tác động của cách mạng công nghiệp mới, công nhân phải chủ động chuyển đổi tư duy, học tập công nghệ và liên tục đổi mới. Những người lao động trẻ như chị Hoa, anh Nam đang trở thành hình mẫu tiêu biểu, không ngừng thích nghi, sáng tạo và cống hiến trong môi trường sản xuất công nghệ cao.
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng vào việc nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực. Họ nhận thức được rằng công nghệ hiện đại đòi hỏi những kỹ năng mới.
Do đó, nhiều chương trình đào tạo nội bộ hoặc hợp tác với các tổ chức giáo dục đã được triển khai để trang bị cho công nhân và kỹ sư kiến thức về vận hành máy móc thông minh, phân tích dữ liệu và tư duy sáng tạo. Điều này giúp đảm bảo lực lượng lao động có thể làm chủ và khai thác hiệu quả các công nghệ mới. Sự linh hoạt trong mô hình kinh doanh cũng là một điểm cộng.
Thay vì đi theo lối mòn, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những cách thức mới để tiếp cận thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và phát triển sản phẩm dịch vụ theo nhu cầu khách hàng. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng thương mại điện tử hoặc các nền tảng số để mở rộng kênh phân phối và tăng cường tương tác với khách hàng. Nhìn chung, tinh thần chủ động thích ứng với môi trường sản xuất hiện đại của các doanh nghiệp Quảng Ninh là một tín hiệu tích cực, cho thấy sự sẵn sàng đón đầu thách thức và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp mới để phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo số liệu từ Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh, năm 2024 toàn tỉnh có hơn 4.600 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do công nhân, viên chức, lao động đề xuất và áp dụng, mang lại giá trị làm lợi trên 56 tỷ đồng, phần lớn đến từ lực lượng lao động trực tiếp trong các nhà máy, xí nghiệp. Bà Đặng Thị Kim Chung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Trước xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số, người lao động, đặc biệt là lực lượng trẻ cần chủ động học tập, trau dồi kỹ năng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Khi làm chủ được kỹ năng và công nghệ, người công nhân mới thực sự trở thành công dân toàn cầu”.
Thực tế đã chứng minh, công nhân không còn chỉ là lực lượng thực hiện sản xuất, mà đã và đang đóng vai trò kiến tạo giá trị mới, góp phần thúc đẩy năng suất và phát triển kinh tế. Trong môi trường hiện đại, họ là những người trực tiếp tiếp cận công nghệ, đề xuất cải tiến và bảo đảm vận hành an toàn, hiệu quả.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cả cơ hội lẫn thách thức. Với tinh thần cầu tiến, chủ động học hỏi và tư duy đổi mới, lực lượng công nhân trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang cho thấy khả năng thích ứng mạnh mẽ. Chính họ là lực lượng then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của người lao động trong kỷ nguyên công nghệ số.